Thứ Năm, ngày 2 tháng 1 năm 2025

Đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của hệ thống pháp luật

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội thảo.

(Thanhuytphcm.vn) – Công tác xây dựng pháp luật được coi là hoạt động hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài đến sự phát triển lành mạnh của đất nước, của xã hội… Khi đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ xây dựng pháp luật là những cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, vừa có tài, vừa có đức thì sẽ mang lại kết quả là những văn bản quy phạm pháp luật chuẩn mực, phù hợp, tiến bộ. Đó là ý kiến được đưa ra tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật: Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức chiều 30/12.

Đến dự có đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP; Hà Phước Thắng, Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM; Nguyễn Tấn Phát, Thành ủy viên, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.

Công tác cán bộ cần được tiến hành liên lục, thường xuyên

Báo cáo đề dẫn hội thảo, TS. Trần Tuấn Duy, Phó trưởng Khoa Quản lý Nhà nước và Pháp luật, Học viện Cán bộ TP cho biết, việc kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng và tiêu cực trong xây dựng pháp luật không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Ngày 27/6/2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 178-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật đã trở thành cột mốc quan trọng cho tiến trình xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của hệ thống pháp luật Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Tấn Phát phát biểu chào mừng hội thảo. PGS.TS. Nguyễn Tấn Phát phát biểu chào mừng hội thảo.

Tại TPHCM, việc áp dụng các quy định này là đặc biệt cần thiết, góp phần thúc đẩy TP trở thành trung tâm về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ của cả nước. Sự cam kết mạnh mẽ từ các cơ quan, tổ chức tại TP không chỉ giúp đạt được mục tiêu phát triển mà còn góp phần xây dựng một hệ thống pháp quyền minh bạch, chính trực và hướng tới Nhân dân.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Quy định số 178-QĐ/TW. Theo TS. Hoàng Ngọc Anh, giảng viên Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TPHCM, công tác xây dựng pháp luật được coi là hoạt động hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài đến sự phát triển lành mạnh của đất nước, của xã hội… Do vậy, nếu như đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ xây dựng pháp luật là những cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, vừa có tài, vừa có đức thì sẽ mang lại kết quả là những văn bản quy phạm pháp luật chuẩn mực, phù hợp, tiến bộ và ngược lại. Vì vậy, công tác cán bộ cần được tiến hành liên tục, thường xuyên. Theo TS. Hoàng Ngọc Anh, để tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước trong công tác xây dựng pháp luật cần tăng cường xây dựng phương châm đối thoại cho tới cùng đối với các vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tránh việc làm cho có, hình thức, chủ quan.

TS. Nguyễn Văn Nhứt phát biểu tại hội thảo. TS. Nguyễn Văn Nhứt phát biểu tại hội thảo.

TS. Nguyễn Văn Nhứt, Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng Khoa Quản lý Hành chính, Học viện Cán bộ TP cho biết, vấn đề kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật được Đảng ta rất quan tâm, được đặt ra nghiên cứu tìm kiếm các giải pháp để giải quyết trong thời gian rất lâu.

Nhấn mạnh việc cần đề cao sự liêm chính của chủ thể tham gia xây dựng chính sách, TS. Nguyễn Văn Nhứt cho rằng, cần phải luật hóa, để có quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chế tài trong việc này. Những người tham gia công tác xây dựng pháp luật phải bản lĩnh, chuyên nghiệp. Cùng với đó là phát huy những kết quả đã làm được trong việc lấy ý kiến của nhân về các chính sách trước khi ban hành.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa

Từ việc phân tích mối quan hệ giữa lạm quyền với tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, TS. Nguyễn Hải Hồ, Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật Học viện cán bộ TP đề xuất, phải hoạch định chiến lược quốc gia về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thời gian tới; tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa (xây dựng cơ chế “lồng nhốt quyền lực”; “kiểm soát quyền lực”), bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không cần” tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật.

TS. Nguyễn Hải Hồ phát biểu tại hội thảo. TS. Nguyễn Hải Hồ phát biểu tại hội thảo.

Cùng với đó là xây dựng cơ chế liên ngành để hạn chế cục bộ, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật; có phân công, phân nhiệm, trách nhiệm chủ trì, phối hợp từ hoạch định chính sách, tham mưu dự thảo, đánh giá tác động chính sách, triển khai xây dựng chính sách, tham mưu dự thảo, đánh giá tác động chính sách, triển khai xây dựng chính sách, đưa chính sách vào văn bản pháp luât.

Một trong những giải pháp khác là thực hiện nghiêm quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực, đặc biệt là Quy định số 178-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, cần xác định trách nhiệm pháp lý, trong đó đưa ra các chế tài gắn với hậu quả pháp lý mà chủ thể xây dựng pháp luật phải gánh chịu nếu xảy ra sai phạm và ngược lại, phải khen thưởng xác đáng, áp dụng cơ chế dưỡng liêm trong công tác xây dựng pháp luật; đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên gia soạn thảo văn bản pháp luật, có tài, có đức.

Đồng chí Phạm Phương Thảo phát biểu tại hội thảo. Đồng chí Phạm Phương Thảo phát biểu tại hội thảo.

Theo nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo, phải nâng cao chất lượng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luât, làm sao không chung chung, ít những văn bản dưới luật, để có  đi vào cuộc sống liền, không tạo kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật. Cùng với đó, là nâng cao chất lượng Đại biểu Quốc hội chuyên trách trong thẩm định, thẩm tra, xử lý cho tốt, nâng cao chất lượng các dự thảo văn bản pháp luật; cần đánh giá tác động cho kỹ quy trình lập pháp, phải công khai minh bạch. Trong xây dựng chính sách pháp luật làm sao phân cấp phân quyền cho rõ, không để trung ương ôm đồm quá nhiều; có những địa chỉ chịu trách nhiệm nếu quyết định gây chậm chễ, ách tắc.

Nhiều ý kiến cũng thống nhất, cần có quy định cụ thể bảo đảm sự giám sát, phản biện, tham gia xây dựng pháp luật của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan báo chí, tổ chức xã hội khác và nhân dân theo quy định.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo