Từ Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Đình Chiểu, Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Đội Cấn, Cao Thắng, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng… cùng các phong trào Cần vương, Văn Thân, Duy Tân, Đông Du và Quốc dân Đảng… nhưng tất cả các phong trào, khởi nghĩa, kháng chiến, bạo động của các chí sĩ yêu nước từ Nam Kỳ đến Bắc Kỳ, Trung Kỳ đều thất bại. Nguyện vọng của cả dân tộc là cởi bỏ xích xiềng nô lệ đi vào bế tắc.
Trong tình hình đó, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Rời quê hương tại Bến cảng Nhà Rồng ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành đến nhiều nước châu Âu, châu Phi, châu Mỹ… Đặc biệt là ở Pháp, Người tham gia hoạt động chính trị, rồi tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, từ đó bước đầu định hướng con đường cứu nước. Nhưng chỉ khi đến Liên Xô, nghiên cứu cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga và tham gia Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 5 thì Nguyễn Tất Thành - bấy giờ là Nguyễn Ái Quốc mới chính thức định hình con đường cứu nước của dân tộc Việt Nam: “Muốn giải phóng dân tộc phải làm cách mạng xã hội chủ nghĩa”.
Chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp ở khách sạn Carlton tại nước Anh, năm 1913. (Ảnh: QDND.vn)Sau đó, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu, Trung Quốc mở lớp huấn luyện, thành lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên - một trong nhưng tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát động phong trào quần chúng trong nước đứng lên khởi nghĩa giải phóng dân tộc, phá bỏ xích xiềng nô lệ. Chỉ 15 năm sau khi thành lập Đảng (3/2/1930), lãnh tụ Hồ Chí Minh (tên mới của Nguyễn Ái Quốc) và Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhưng “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó hơn”. Pháp theo chân quân đội Anh trở lại xâm chiếm Việt Nam. Sài Gòn là địa phương đầu tiên bước vào cuộc đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Sáng ngày 23/9/1945, Hội nghị Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam Bộ họp khẩn cấp, quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ và phát động nhân dân kiên quyết kháng chiến chống xâm lược. Ngày 23/9/1945 trở thành “Ngày Nam Bộ kháng chiến”. Các hoạt động kháng chiến ở Sài Gòn đã có ảnh hưởng lớn đến toàn Nam Bộ và cả nước. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Nhân dân ta đã nhất tề đứng lên chống quân Pháp xâm lược ròng rã 9 năm, rồi tiếp tục 21 năm kháng chiến chống Mỹ gây chiến tranh xâm lược quy mô lớn, cuối cùng kết thúc bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Và ngày 30/4/1975, Sài Gòn - Gia Định chính là dấu mốc kết thúc hơn một trăm năm cả dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến trrường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chiến thắng đó bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, bất khuất của cả dân tộc Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Bốn chiến sỹ Binh đoàn Hương Giang cắm cờ trên nóc Phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn ngày 30/4/1975 (Người cầm cờ là chiến sỹ Bùi Quang Thận). (Ảnh: TTXVN)Mười năm sau ngày 30/4/1975 - khó khăn và thử thách
Khi đoàn Quân Giải phóng tiến vào trung tâm thành phố thì khắp nơi các lực lượng cách mạng đã phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền từ cơ sở đến quận, huyện và làm chủ hầu khắp địa bàn từ ngoại thành đến nội đô. Rừng người và rừng cờ Mặt trận Giải phóng tung bay rợp trời thành phố. Tháng 2/1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam sáp nhập Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định thành một đơn vị hành chính là thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến tháng 7/1977, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức đổi tên Sài Gòn - Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngay sau giải phóng, Đoàn Thanh niên đã phát động thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện. Khắp nơi, sinh viên, học sinh đổ ra đường điều khiển giao thông, dọn dẹp vệ sinh, quét rác, xóa tàn tích nô lệ, xóa bỏ “văn hóa” đồi trụy, độc hại. Công nhân hăng hái khởi động tất cả xưởng máy, đặc biệt là giữ cho Thành phố không bị mất điện, mất nước sạch, các ngành, các cấp đã cố gắng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà máy, chợ búa, cơ sở dịch vụ công ích... Ở các địa phương nội thành, Ủy ban chính quyền cách mạng đã mở kho gạo, kho quân nhu của quân đội Sài Gòn để phát gạo, cứu đói cho nhân dân.
Trên khắp miền Nam, nhân dân trở về quê cũ làm ăn, bám ruộng vườn còn in đậm dấu vết chiến tranh.
Trong khí thế tưng bừng phấn khởi ngập tràn thành phố, thì thất nghiệp tràn lan đã hiển hiện, kéo theo nguy cơ nạn đói. Sau ngày giải phóng, toàn bộ chính quyền cũ sụp đổ cũng có nghĩa hàng trăm ngàn công chức, viên chức mất việc làm, trong khi 1 triệu quân Sài Gòn rã ngũ (tại Thành phố có hơn 400.000 người), cả triệu người thất nghiệp đột ngột, cộng thêm lực lượng công nhân lao động thất nghiệp trước đây và số thanh niên trốn lính, lính trốn... làm cho đời sống nhân dân các thành thị rất khó khăn. Thất nghiệp và nguy cơ nạn đói là vấn đề cấp bách phải giải quyết. Lãnh đạo Thành phố trực tiếp chạy gạo cứu đói, chỉ đạo Công ty Lương thực thành phố và các đơn vị vượt qua rào cản “ngăn sông cấm chợ” mang gạo từ đồng bằng về cứu đói kịp thời, tuy hết sức gian khổ.
Cùng với đó, phong trào tự nguyện làm công tác xã hội của thanh niên và các tầng lớp đồng bào lên đến đỉnh điểm khi hàng vạn Thanh niên xung phong ra quân ngày 28/3/1976. Thanh niên xung phong chính là một tập hợp đa dạng nhất các tầng lớp thanh niên thời điểm bấy giờ (bao gồm công chức và thanh niên Quân đội Sài Gòn rã ngũ, công nhân lao động thất nghiệp, học sinh, sinh viên, thanh niên tệ nạn xã hội cũ như ma túy, mại dâm...) do cán bộ, đoàn viên thanh niên cộng sản làm nòng cốt. Các tầng lớp nhân dân Thành phố vui mừng động viên con em mình lên rừng, xuống biển đi xây dựng kinh tế, vừa có việc làm tự nuôi sống, vừa góp phần đưa xã hội vượt qua khó khăn, chuyển Thành phố vốn là đầu não chiến tranh bị địch tạm chiếm và sinh sống dựa chủ yếu vào viện trợ Mỹ sang hòa bình lao động, sản xuất, tự lực tự cường. Các tỉnh, thành miền Nam lần lượt tổ chức Thanh niên xung phong, xây dựng kinh tế mới.
Công cuộc xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng của quân dân Thành phố Hồ Chí Minh mới bắt đầu, với một khối lượng công việc bộn bề sau 30 năm chiến tranh giải phóng thì cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam lại bùng nổ. Giữa lúc Đại hội Đảng bộ Thành phố (vòng hai) được tiến hành cũng là lúc Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn Gia Định) của Thành phố được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 điều lên biên giới, phối hợp chiến đấu với Sư đoàn 5 tại khu vực Xa Mát (Tây Ninh) để ngăn chặn bước chân xâm lấn của quân Pôn Pốt - Iêng Xari.
Sau đó, Trung đoàn thi công cơ giới và Tổng đội 5 Thanh niên xung phong của Thành phố cũng làm Lễ xuất quân lên vùng kinh tế Đồng Rùm (thuộc biên giới Tây Ninh) làm nhiệm vụ. Đích thân đồng chí Võ Văn Kiệt - Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố và Thiếu tướng Trần Văn Danh - Tư lệnh Lực lượng vũ trang Thành phố đã đến dự Lễ xuất quân và tiễn đoàn quân ra mặt trận.
Trong vòng 15 tháng diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới trên địa bàn Quân khu 7, Thành phố Hồ Chí Minh đã lần lượt tiễn đưa các đơn vị thuộc các Trung đoàn Gia Định, Quyết Thắng, Thi công cơ giới, các đơn vị bộ đội địa phương và Tổng đội 5 Thanh niên xung phong của Thành phố lên tuyến biên giới làm nhiệm vụ chiến đấu. Không ít những người con của Thành phố mang tên Bác đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Từ khi cuộc chiến đấu thực sự nổ ra trên toàn tuyến biên giới thuộc địa bàn Quân khu 7 đến khi ta chặn đứng bước chân xâm lược của đội quân Pôn Pốt - Iêng Xari, lực lượng vũ trang Quân khu 7 (trong đó có lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh) đã trải qua 15 tháng vừa chiến đấu, vừa xây dựng, lập nhiều thành tích xuất sắc. Đến đây, quân, dân miền Đông Nam Bộ đã cùng cả nước đẩy lùi, đập tan cuộc chiến tranh xâm lấn lãnh thổ của tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari, kết thúc thời kỳ chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên biên giới phía Tây Nam, chuyển sang thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, giúp nhân dân Campuchia.
Khi âm mưu gây bạo loạn ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trên cả nước bằng chiêu bài “nạn kiều” không thành, ngày 17/2/1979, Trung Quốc sử dụng 60 vạn quân cùng hàng trăm xe tăng, hàng ngàn trọng pháo, ồ ạt tiến đánh toàn bộ tuyến biên giới phía Bắc, phá hủy nhiều bản làng, thị trấn và thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng… sát hại đồng bào các dân tộc thiểu số ở phía Bắc. Hành động này đã bị dư luận tiến bộ quốc tế phản ứng mạnh mẽ.
Cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã ảnh hưởng sâu sắc đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Thành phố Hồ Chí Minh sau chiến tranh giải phóng. Sau cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền ở hai đầu biên giới Tổ quốc, Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng lâm vào thời kỳ hết sức khó khăn khi vừa phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt ở phía Bắc vừa thực hiện nghĩa vụ quốc tế, hồi sinh đất nước Campuchia trong điều kiện nền kinh tế bị bao vây cấm vận ngặt nghèo. Đây cũng là một trong những đặc điểm nổi bật của thập niên trước đổi mới đất nước (1975 - 1985). Tình hình trên đã làm trầm trọng hơn tình cảnh kiệt quệ của đất nước sau 30 năm tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Thực trạng kinh tế xã hội của Thành phố những năm 1975 - 1985 nói lên tính chất quá độ phức tạp về sự phát triển của Thành phố, cũng là tình trạng quá độ đặc trưng cho cả miền Nam Việt Nam khi chuyển sang giai đoạn mới.
Những diễn biến lịch sử trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 5/1975 đến trước Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (12/1986) thể hiện rõ tính chất của một giai đoạn quá độ đặc biệt với các đặc tính sau đây:
Một là, quá độ từ chế độ thuộc địa nửa phong kiến và thực dân mới sang bước đầu thời kỳ quá độ lên chế độ xã hội chủ nghĩa.
Hai là, quá độ từ nhà nước lâm thời thời chiến, chính quyền quân quản, sang nhà nước thống nhất.
Ba là, quá độ của một xã hội thời chiến và bị chiếm đóng, sang một xã hội do nhân dân làm chủ, cơ bản là hòa bình nhưng vẫn còn chịu tác động của chiến tranh và tâm lý tinh thần chưa ổn định.
Bốn là, quá độ của nền kinh tế tự do mang tính chất tư bản chủ nghĩa và phụ thuộc nước ngoài sang một nền kinh tế độc lập tự chủ, tự túc theo cơ chế kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp.
Đây cũng là thời kỳ cả đất nước mò mẫm và thử nghiệm các chính sách kinh tế, thời kỳ điều hành quản lý xã hội bằng nghị quyết, chỉ thị là chính, vai trò của chính quyền trong giai đoạn này nặng tính chất chính trị, chưa coi trọng quản lý hành chính và quản lý theo quy luật kinh tế.
Nhìn lại thời kỳ này, như kết quả Kế hoạch 5 năm lần thứ hai 1976 - 1980, tuy có nguồn lực lớn từ bên ngoài, chủ yếu là Liên Xô đầu tư vào, nhưng phần lớn các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đều không đạt. Nền kinh tế dần dần lâm vào tình trạng khủng hoảng, biểu hiện qua một số tiêu chí như sau:
Thứ nhất, sản xuất kinh doanh suy thoái, đình trệ, tăng trưởng thấp, trong khi mức tăng dân số vẫn cao.
Thứ hai, thiếu lương thực gay gắt. Bình quân lương thực cả nước giảm từ 274 kg/người năm 1976 còn 268 kg/người năm 1980. Thành phố Hồ Chí Minh nằm trên vựa lúa Nam Bộ nhưng phải ăn độn bo bo, củ mì. Các hộ gia đình đều phải có sổ gạo. Nhà nước phải nhập lương thực.
Thứ ba, hàng tiêu dùng thiếu nghiêm trọng. Giá cả đắt đỏ.
Thứ tư, ngân sách thành phố được điều tiết để lại không đủ tiêu dùng và duy trì bảo dưỡng hạ tầng cơ sở kỹ thuật.
Thứ năm, lạm phát gia tăng hàng năm với tốc độ cao.
Đánh giá tổng kết thời kỳ 1976 - 1980, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (3/1982) nêu rõ: “Năm năm qua, bên cạnh thắng lợi và thành tựu, có rất nhiều khó khăn; và hiện nay, trên mặt trận kinh tế, đất nước ta đang đứng trước nhiều vấn đề gay gắt. Kết quả thực hiện các kế hoạch kinh tế trong 5 năm (1976 - 1980) chưa thu hẹp được những mất cân đối nghiêm trọng của nền kinh tế quốc dân. Sản xuất phát triển chậm trong khi số dân tăng nhanh. Thu nhập quốc dân chưa bảo đảm được tiêu dùng xã hội, một phần tiêu dùng xã hội phải dựa vào vay và viện trợ, nền kinh tế chưa tạo được tích lũy”[1]. Đến kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985) thì nền kinh tế lâm vào khủng hoảng trầm trọng, cao điểm là sau khi việc thực hiện chủ trương “giá, lương, tiền”:
1- Sản xuất đình trệ trên tất cả các lĩnh vực, các ngành kinh tế - xã hội: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, thương nghiệp dịch vụ...
2- Nợ nước ngoài chồng chất, cán cân thương mại quốc tế bị mất cân đối nghiêm trọng, ngoại tệ khan hiếm.
3- Lạm phát tăng phi mã, đầu năm 1981 tăng khoảng 40% đến cuối năm 1985 lên đến 587%. Thị trường rối loạn.
4- Thất nghiệp trầm trọng, tệ nạn xã hội gia tăng.
Chúng ta cũng nhận thấy rằng, công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh không phải là cải tạo một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã thực sự hình thành, mà thực chất là “cải tạo” một nền sản xuất nhỏ với một lực lượng tư bản tư doanh đang phát triển và còn trong thời kỳ gây dựng. Điều đó nói lên rằng chúng ta đã chưa thấm nhuần bài học của V.I. Lênin: “Chúng ta khổ vì chủ nghĩa tư bản, nhưng càng khổ hơn nữa vì chưa có chủ nghĩa tư bản”. Chưa có chủ nghĩa tư bản theo đúng nghĩa mà đã chủ trương cải tạo tư bản chủ nghĩa, âu đó cũng là bệnh duy ý chí quá sớm! Chủ trương sai lầm đó là một trong những nguyên nhân cơ bản đưa đến cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng như đã nêu trên.
Trong thực tế, công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh đã giảm dần nhịp độ và kết thúc không có tổng kết như thường lệ.
Sau này, Nghị quyết Đại hội VI năm 1986 đã nghiêm khắc tự phê bình: “Do chưa nhận thức đầy đủ rằng thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một quá trình lịch sử tương đối dài, phải trải qua nhiều chặng đường và do tư tưởng chỉ đạo chủ quan, nóng vội, muốn bỏ qua những bước đi cần thiết, Đại hội IV chưa xác định những mục tiêu của chặng đường đầu tiên”[2] và “…chúng ta chưa xác định rõ ràng, nhất quán những quan điểm, chủ trương và chính sách chỉ đạo công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa. Đã có những biểu hiện nóng vội muốn xóa bỏ ngay các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, nhanh chóng biến kinh tế tư bản tư nhân thành quốc doanh...”[3].
Một góc khu trung tâm TPHCM. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)Tính đột phá của Đại thắng mùa Xuân 1975
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 có nhiều ý nghĩa đối với lịch sử dân tộc Việt Nam và đối với thế giới đương đại. Đó là thành công về sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy Miền; thành công của tư tưởng Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”; thành công của đường lối kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang trên cả ba vùng chiến lược rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị; thành công của khối đoàn kết dân tộc: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”…
Thắng lợi của sự kiện 30/4/1975 mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ thắng lợi này đã trở thành nguồn cổ vũ lớn lao, giúp chúng ta đã từng bước vượt qua khủng hoảng kinh tế, xã hội những năm đầu sau giải phóng khi áp dụng đường lối kinh tế tập trung bao cấp, trong khi phải tiếp tục cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế với Campuchia, Lào và bị bao vây cấm vận nghiệt ngã.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta làm chấn động thế giới. Các dân tộc thuộc địa, nhất là ở khu vực Á, Phi và Mỹ Latinh đã đồng loạt đứng lên đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Ngày 30/4/1975 trở thành biểu tượng chiến thắng được ca ngợi khắp nơi trên thế giới. Việt Nam được các dân tộc yêu chuộng hòa bình, công lý, tự do, độc lập yêu quý và tin cậy.
Việt Nam đã trải qua 50 năm xây dựng và phát triển đất nước. Trong nửa thế kỷ đó có 10 năm thực hiện nền kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp trong khó khăn, đầy mâu thuẫn và có những cuộc đấu tranh về quan điểm căng thẳng trong nội bộ Đảng cũng như trong nhân dân. Cuối cùng, với sự kiện tiêu biểu “Xé rào bung ra” khôi phục sản xuất công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh trở thành tiền đề lý luận và thực tiễn cho Bộ Chính trị, Trung ương Đảng nghiên cứu và đổi mới tư duy, xây dựng cơ sở lý luận cho đường lối đổi mới được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986) quyết định thông qua. Đường lối đổi mới đó đã được thực hiện trong gần 40 năm qua với quyết tâm xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Phạm Chánh Trực
Nguyên Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM
______________________
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 43 (1982), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.47.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47 (1986), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.353 - 354.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47 (1986), Sđd, tr.356.