GS. TS Lê Văn Lợi trình bày tham luận tại hội thảo(Thanhuytphcm.vn) - Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam” do Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Công an, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy TPHCM tổ chức sáng 20/4, các đại biểu nhấn mạnh, 50 năm trôi qua, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 vẫn mãi là biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng Việt Nam, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Phát huy tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975, đặc biệt là ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của sự kiện này, hơn lúc nào hết chúng ta cần chung sức đồng lòng, tranh thủ thời cơ, vận hội, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược do Đảng đề ra.
Thành quả vĩ đại của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Trình bày tham luận, “Đại thắng mùa Xuân 1975 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”, GS. TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là thành quả vĩ đại của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của khát vọng độc lập, tự do và thống nhất non sông đã được hình thành, tôi luyện từ hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc và đã được phát triển đến đỉnh cao trong thời đại Hồ Chí Minh. Đại thắng mùa Xuân 1975 mang ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại sâu sắc.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc thắng lợi 30 năm đấu tranh Giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; đánh dấu thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, đổi mới, hội nhập và phát triển. Đó còn là sự kết tinh truyền thống yêu nước và đỉnh cao của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của Nhân dân Việt Nam cổ vũ mạnh mẽ nhân dân Lào và Nhân dân Campuchia tiến lên giành thắng lợi quyết định; đồng thời góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Theo Tiến sĩ Đỗ Minh Xương, Giám đốc Học viện Lục quân, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đã thể hiện đầy đủ những nét đặc sắc, độc đáo, sáng tạo và đánh dấu bước phát triển vượt bậc của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Từ thực tiễn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm quý về nét đặc sắc, độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến lược của Đảng và Bộ Tư lệnh chiến dịch. Đó là nghệ thuật chỉ đạo tổ chức lực lượng “toàn dân đánh giặc”; nghệ thuật chỉ đạo tác chiến, chiến lược độc đáo; nghệ thuật chỉ đạo lập thế trận tác chiến chiến lược để thắng lợi quyết định. Cùng với đó là nghệ thuật phát huy sức mạnh hiệp đồng quân, binh chủng trong tác chiến quy mô lớn; nghệ thuật chỉ đạo vận dụng chiến thuật linh hoạt sáng tạo để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến dịch.
“Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 là sự phát triển cao của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Những phát triển sáng tạo và độc đáo của nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đã góp phần hoàn chỉnh thêm một bước và làm phong phú kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, để lại những bài học kinh nghiệm quý cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau” - Tiến sĩ Đỗ Minh Xương nhấn mạnh.
Là một trong những nhân chứng lịch sử, đồng chí Hoàng Thị Khánh, nguyên Đội trưởng Đội Võ trang tuyên tuyền thuộc Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định, Trưởng Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM kể, tháng 4 năm 1975 trong các nhà tù ở Côn Đảo, địch có nhiều hoạt động khác thường như liên tục tổ chức khám xét các phòng giam, chuyên phòng, chuyển trại đối với tù chính trị. Nhờ giấu được 2 chiếc radio (1 ở Trại 6B nam, 1 ở Trại 6B nữ) nên các chiến sĩ cách mạng đang bị giam tại Côn Đảo đã theo dõi được hành trình tiến quân của ta và giải phóng các tỉnh hướng về Sài Gòn. Tuy nhiên, do địch lục soát gắt gao và đã tịch thu cả 2 chiếc radio, từ đó các chiến sĩ mất tin tức, tình hình bên ngoài, chỉ hình dung bước tiến của quân ta qua các hành vi của địch đối với tù chính trị.
Đồng chí Hoàng Thị Khánh nhớ lại: “Khoảng gần 5 giờ sáng ngày 1/5/1975, tên trưởng trại 6B quay trở lại với chiếc radio 3 băng và mở đài Sài Gòn cho chúng tôi nghe. Giọng Thượng tướng Trần Văn Trà đang đọc thiết quân luật mạch lạc, trang nghiêm, dũng mãnh vang lên trong không khí yên lặng của phòng giam chúng tôi. Không ai bảo ai, chúng tôi đồng loạt hô lên sung sướng: “Mình thắng rồi, mình thắng rồi mấy chị ơi. Mình sống rồi! Bác Hồ muôn năm! Đảng Lao động Việt Nam muôn năm". Niềm vui chiến thắng được chờ đợi suốt thời gian bị bắt, tù đày, sự căng thẳng trong suốt những ngày qua gần như vỡ oà và chúng tôi không ai còn có thể đứng vững, mọi người khuỵu xuống vừa hô, vừa khóc... Cho đến tận hôm nay, tôi vẫn thấy mình nghẹn ngào sung sướng khi hồi tưởng lại những giây phút đó”.
Để lại nhiều bài học lớn có giá trị thực tiễn lâu dài
Tại hội thảo, nhiều ý kiến thống nhất, cách đây 50 năm, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài gần 21 năm gian khổ và ác liệt của dân tộc ta. Những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thắng lợi của chiến dịch này là cơ sở để chúng ta nhìn nhận rõ hơn về lịch sử cuộc kháng chiến và vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trung tướng Nguyễn Trường Thắng trình bày tham luận tại hội thảoTrung tướng Nguyễn Trường Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân uỷ Trung ương, Tư lệnh Quân khu 7 cho rằng, Đại thắng mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử để lại nhiều bài học lớn có giá trị thực tiễn lâu dài cho quân và dân miền Đông Nam Bộ nói chung và lực lượng vũ trang Quân khu 7 ngày nay nói riêng. Tiếp nối hành trình tới Đại thắng mùa Xuân 1975, lực lượng vũ trang Quân khu 7 đang nỗ lực thực hiện “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” của Trung ương Đảng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, chủ động sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng lực lượng vũ trang tinh, gọn, mạnh, sẵn sàng ứng phó thắng lợi trước mọi tình huống, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đồng chí Huỳnh Đảm trình bày tham luận tại hội thảoTheo đồng chí Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 được bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, bắt nguồn từ sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. “Một trong những bài học mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc và quý báu, đó là phát huy truyền thống sức mạnh đại đoàn kết. Đây là một trong những nội dung sâu sắc nhất cần được khẳng định và phát huy. Tinh thần đoàn kết được thể hiện một cách sâu sắc, sinh động trong cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta nói chung, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nói riêng. Đó là đoàn kết quân dân đã tạo nên sức mạnh. Tình đoàn kết quân dân đã được chứng minh hùng hồn trong chiến dịch Hồ Chí Minh” - đồng chí Huỳnh Đảm nhấn mạnh.
Theo GS. TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 50 năm trôi qua, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 vẫn mãi là biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng Việt Nam, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Phát huy tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975, đặc biệt là ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của sự kiện này, hơn lúc nào hết chúng ta cần chung sức đồng lòng, tranh thủ thời cơ, vận hội, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược do Đảng đề ra: Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung/bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao; qua đó, đưa đất nước vững bước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh - thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.