Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc Quốc hội thảo luận báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Đây là lần đầu tiên quyết Quốc hội quyết định thảo luận tại hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội.

Trước đó, sáng 22/5, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo tóm tắt về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4. Đến thời điểm này, các kiến nghị của cử tri đã được giải quyết, trả lời đạt 99,8%.

Thảo luận về nội dung này, ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) và các ĐB đều đánh giá cao việc đưa nội dung này vào chương trình kỳ họp lần này để các đại biểu Quốc hội cùng thảo luận là rất đúng đắn, đáp ứng mong mỏi của cử tri và nhân dân… ĐB Trịnh Xuân An cho rằng, xét về bản chất, công tác dân nguyện liên quan đến 3 chức năng của Quốc hội là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng. Do vậy, việc Quốc hội đưa nội dung này vào thảo luận tại hội trường, thể hiện hiệu lực, hiệu quả, đổi mới trong hoạt động của Quốc hội. Qua đó, tiếp tục khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với nhân dân, luôn đồng hành với nhân dân.

Các ý kiến cũng đề nghị trong thời gian tới, Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục thực hiện chức năng giám sát đến cùng. Việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri không chỉ giám sát về số lượng các trả lời mà cần phải đi sâu giám sát đến chất lượng các nội dung trả lời, thời gian trả lời của các bộ, ngành đã đáp ứng được yêu cầu của cử tri và nhân dân, đảm bảo đúng quy định của pháp luật hay chưa… góp phần tiếp tục tạo niềm tin của cử tri và nhân dân với Quốc hội.

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh)

ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, cần có cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành để giải quyết kiến nghị cử tri và quy định rõ trách nhiệm chủ trì trong việc giải quyết những kiến nghị có liên quan đến nhiều bộ ngành, đặc biệt là những kiến nghị liên quan đến chính sách.

Góp ý các vấn đề cụ thể, ĐB Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, tiếp thu ý kiến của cử tri liên quan đến việc khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật và bổ sung Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân. ĐB Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) cho biết, cử tri ngành giáo dục cũng đề nghị Chính phủ tăng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nhà giáo, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, còn rất nhiều ý kiến, kiến nghị về việc làm, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội thuộc trách nhiệm giải quyết, tham mưu giải quyết của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần được quan tâm xem xét, giải quyết thấu đáo. ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu, cử tri đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và chế độ hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm.

Đáng chú ý, ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho biết, trước kỳ họp thứ 5, cử tri tỉnh Quảng Ninh tiếp tục kiến nghị với các đại biểu Quốc hội về việc tăng giá điện. Cử tri cho rằng, việc tăng giá điện sinh hoạt do một số nguyên nhân Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) có lỗ lớn, kéo dài và do tổn thất của điện năng là chưa phù hợp. Do đó, cử tri đề nghị cần xem xét bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp hơn cách tính giá điện sinh hoạt. Cần báo cáo rõ EVN đã thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế như thế nào, giải pháp cắt giảm chi phí, giảm giá thành sản xuất điện… Từ kiến nghị của cử tri, ĐB Đỗ Thị Lan đề nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính, EVN báo cáo rõ để cử tri được biết việc đánh giá tác động trước khi thực hiện tăng giá điện, phương pháp tính giá bán lẻ điện sinh hoạt. Đồng thời, cần làm rõ có việc bù chéo giá điện sinh hoạt cho giá điện sản xuất không?

Quốc hội thảo luận chiều 26/5 Quốc hội thảo luận chiều 26/5

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) kiến nghị Bộ Tài nguyên, Môi trường cần quyết tâm hơn nữa để xử lý được việc quản lý rác thải thành phố, nông thôn, để chấm dứt việc cung cấp, sản xuất các loại túi nilon khó phân hủy; Bộ Lao động, Thương binh Xã hội quan tâm làm tốt hơn nữa công tác chế độ, chính sách cho người có công.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, tại kỳ họp này, Quốc hội lần đầu tiên tiến hành thảo luận tại phiên họp toàn thể để xem xét kết quả giám sát việc trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri. Nội dung này nhận được sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước thể hiện vai trò, trách nhiệm của Quốc hội với cử tri.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là hình thức giám sát tối cao của Quốc hội, góp phần thúc đẩy trách nhiệm và chất lượng thực hiện của các cơ quan chức năng. Đây cũng là cơ sở thực tiễn phong phú để thực hiện chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của Quốc hội; có ý kiến đề nghị là cần duy trì thành nề nếp.

 Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo