Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Củng cố các động lực tăng trưởng hiện hữu, phát huy và khai thác động lực tăng trưởng mới

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 chiều 19/9

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình Diễn đàn Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, chiều 19/9, phiên toàn thể - tọa đàm cấp cao được tổ chức với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” đã được tổ chức.

Đồng chủ trì phiên toàn thể gồm có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện quốc gia Hồ Chí Minh; Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Cùng chủ trì phiên toàn thể có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Trước khi tiến hành thảo luận, hội nghị nghe một số tham luận. Trong đó, trình bày tham luận “chuyển đổi xanh và thách thức tăng trưởng kinh tế trung hạn”, ông Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện đang đứng trước những thánh thức rất lớn trong ngắn hạn và trung hạn về mặt tốc độ tăng trưởng. Ngay cả khi không có nhiều thay đổi về cơ cấu kinh tế và phát huy được tác động tích cực của một số động lực tăng trưởng mới thì việc đạt mục tiêu GDP tăng trưởng bình quân 6,5% trong giai đoạn 2021-2025 là vô cùng khó khăn. Cả ba động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là tiêu dùng nội địa, đầu tư và xuất khẩu đều không theo hướng chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn. Nếu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng với ba động lực truyền thông này mà không có chính sách mang tính khuyến khích để thay đổi hành vi trong tiêu dùng, đầu tư và sản xuất kinh doanh thì chắc chắn các mục tiêu về chuyển đổi xanh sẽ không đạt được.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, về đầu tư năng lượng tái tạo, trong kế hoạch đầu tư công, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo cần được đặt lên ưu tiên hàng đầu và những cơ chế ưu đãi cao nhất cần được áp dụng cho việc thu hút đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước vào lĩnh vực này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên toàn thể Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên toàn thể

TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV trình bày tham luận động lực tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh mới cho rằng, để có thể đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và của Quốc hội đã đề ra, việc khôi phục các động lực tăng trưởng hiện hữu và tìm kiếm các động lực mới là vấn đề vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay cũng như đến năm 2025 và năm 2030.

TS Cấn Văn Lực cho biết, tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo theo kịch bản cơ sở là 5,2 - 5,5%. Với kịch bản tiêu cực là kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn, tận dụng được ít các cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng dự báo là 4,4 - 4,5%. Tuy nhiên, với kịch bản tích cực là kinh tế thế giới sớm phục hồi, và khai thác được các động lực tăng trưởng mới (như chuyển đổi số, đẩy mạnh liên kết vùng với việc thúc đẩy 2 động lực chính là Hà Nội và TPHCM) tăng trưởng có thể đạt 5,5 - 6%. Đối với năm 2024 và 2025, theo kịch bản cơ sở, dự báo tình hình kinh tế thế giới từng bước phục hồi, lạm phát được kiếm chế và dần về mức dưới 3% năm 2025, khi đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo đạt khoảng 6% năm 2024 và 6,5% năm 2025.

Phát biểu tại phiên toàn thể, TS Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam đề cập đến vấn đề nâng cao năng lực nội sinh trong việc cộng sinh với nền kinh tế toàn cầu cũng như trong chính các doanh nghiệp FDI. Do đó, thời gian tới, cần có chính sách thức đẩy liên kết các doanh nghiệp FDI với Việt Nam, đảm bảo cắm rễ sâu trong nền kinh tế, cộng sinh cùng có lợi với các doanh nghiệp Việt Nam.

Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn

Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực đối tác công tư trong các dự án phát triển  công nghiệp, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đối tác công tư, hoàn thiện Luật Phát triển công nghiêp trình Quốc hội trong thời gian tới; cần có Chương trình quốc gia về nâng cao năng suất lao động và quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này.

Đối với khu vực tư nhân, cải cách thể chế trong khu vực kinh tế tư nhân là rất quan trọng, qua đó, khởi dậy nguồn lực phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp hợp tác xã thương mại TPHCM cũng chia sẻ, với quy mô thị trường trong nước 100 triệu dân, mật độ dân số cao, tốc độ ứng dụng công nghệ số của người tiêu dùng trên khắp cả nước đã chuyển dịch rất nhanh trên nền tảng kinh tế số, xã hội số. Đây là động lực rất quan trọng để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, phát huy năng lực nội sinh của nền kinh tế Việt Nam. Trong thời gian tới, cần có chính sách và quy mô hỗ trợ bài bản hơn để tạo niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng; đồng thời cũng cần thêm các chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo