Thứ Tư, ngày 16 tháng 7 năm 2025

Cử tri kiến nghị bảo đảm công khai, minh bạch giá thuốc chữa bệnh

Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 19/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, đến giai đoạn hiện nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, do đó, Bộ Công thương đã tham mưu để Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Điện lực năm 2004.

Đáng chú ý, Điều 5 dự thảo luật quy định xóa bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý và xã hội hóa tối đa trong đầu tư, khai thác sử dụng dịch vụ cơ sở vật chất của hệ thống truyền tải điện quốc gia. Các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước được vận hành lưới điện do mình đầu tư, xây dựng. Tuy nhiên, việc thu hút vốn xã hội hóa, vận hành trong khâu truyền tải điện phải đảm bảo quốc phòng, an ninh. Nhà nước giữ độc quyền về điều độ hệ thống điện; các dự án nguồn, lưới điện khẩn cấp và lưới truyền tải điện quan trọng (trừ lưới đấu nối nguồn do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, vận hành).

Qua thảo luận, UBTVQH đề nghị đa dạng hóa các hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh, xóa bỏ mọi rào cản để đảm bảo giá năng lượng minh bạch, áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền. Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua công cụ thị trường, thuế, phí và các quỹ và chính sách an sinh xã hội, phù hợp luật hóa việc điều hành giá điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả…

UBTVQH cũng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các quy định để đảm bảo nguyên tắc không hợp thức hóa các sai phạm, đặc biệt các quy định về cơ chế xử lý các nguồn điện chậm tiến độ. Đối với các chính sách mới có ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội, thay đổi căn bản quy định của pháp luật hiện hành hoặc chưa có chủ trương cần báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội…

Cuối giờ chiều 19/8, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7/2024.

Trình bày báo cáo, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thành công nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2021-2026; với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, tin tưởng rằng, nhất định đất nước ta sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.

Cử tri và nhân dân hết sức đau xót, tiếc thương trước sự ra đi của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, trọn đời vì Đảng, vì nước, vì dân.

Báo cáo cũng nêu rõ, cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng và vui mừng khi đồng chí Tô Lâm vừa được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam với số phiếu tuyệt đối. Cử tri và nhân dân kỳ vọng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ kế thừa và phát huy những thành quả cách mạng mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các thế hệ lãnh đạo đi trước đã gây dựng; duy trì sự đoàn kết, thống nhất và cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, tổ chức thành công Đại hội XIV, đưa đất nước vững bước phát triển trong giai đoạn mới.

Toàn cảnh phiên họp Toàn cảnh phiên họp

Cử tri và nhân dân cũng quan tâm, theo dõi hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Các hoạt động ngoại giao này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, góp phần phát triển kinh tế của đất nước và tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân tiếp tục lo lắng tình hình dịch bệnh sởi, ho gà có nguy cơ bùng phát và lan rộng, dịch sốt xuất huyết gia tăng; tình trạng mưa lớn, sạt lở đất gây thiệt hại về người và tài sản tại Hà Giang, Lào Cai, Hà Nội; tình hình lốc xoáy gây thiệt hại lớn tại tỉnh Bến Tre và Tiền Giang; tình trạng động đất liên tiếp xảy ra ở một số địa phương trên cả nước, đặc biệt là khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum; tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch và bờ biển tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nghiêm trọng...

Ngoài ra, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng vẫn diễn ra (tai nạn hầm lò, khiến 5 công nhân tử vong tại Quảng Ninh, nổ lò hơi khiến 2 người tử vong tại Đồng Nai); tình trạng thiếu vaccine cho trẻ em trong Chương trình tiêm chủng mở rộng ở các địa phương tiềm ẩn nguy cơ bùng phát một số bệnh nguy hiểm ở trẻ.

Tình trạng giá thuốc tại các cơ sở y tế, phòng khám, nhà thuốc có giá chênh lệch, không thống nhất; tình trạng giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong dịp cao điểm, dịp nghỉ lễ; tình trạng học sinh sử dụng xe máy điện ngày càng trở nên phổ biến, tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy điện có xu hướng gia tăng.

Ban Dân nguyện kiến nghị Bộ Y tế cần có những quy định cụ thể nhằm siết chặt quản lý giá thuốc nhằm bảo đảm công khai, minh bạch khi lưu hành thuốc trên thị trường, đồng thời, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng bởi thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người.

Bộ Giao thông vận tải được kiến nghị tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm soát chặt chẽ giá vé máy bay, rà soát cơ cấu giá thành vé máy bay của các hãng hàng không để quy định giá vé phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người tiêu dùng và các hãng hàng không…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo