"Dưới bóng giai nhân" ghi điểm với phần dàn dựng sân khấu rất đẹp mắt. (Thanhuytphcm.vn) - Tối 1/12, tại Nhà hát Bến Thành (Quận 1), Nhà hát Kịch IDECAF đã chính thức công diễn vở kịch Dưới bóng giai nhân (kịch bản, đạo diễn: Quang Thảo), được cảm tác từ danh tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Đây là tác phẩm được Nhà hát Kịch IDECAF đầu tư lớn kể từ sau vở nhạc kịch Tiên Nga (đạo diễn: NSƯT Thành Lộc) ra mắt vào tháng 12/2017.
Công chúng thường quen với Quang Thảo trong vai trò một diễn viên lành nghề nhưng thực chất anh là một cái tên đa năng của làng kịch nói khi từng gây ấn tượng trong vai trò đạo diễn vở kịch Giấc mộng vàng son (Sân khấu Hoàng Thái Thanh) và đặc biệt là tổng đạo diễn chương trình “Cải lương - Trăm năm nguồn cội” kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, đồng thời là tác giả nhiều vở kịch thiếu nhi nổi tiếng trong chuỗi chương trình “Ngày xửa ngày xưa” như: Chuyện thần tiên xứ Phù Tang, Chúa tể muôn loài, Hoàng tử gấu và hạt đậu thần, An Ly và Thần băng giá… và mới nhất là Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Huyền thoại mắt thần (Ngày xửa ngày xưa 35). Thế nhưng với Dưới bóng giai nhân lần này, chính Quang Thảo tự nhận định là cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp, thể hiện sự phát triển của bản thân về nhiều mặt.
“Thai nghén” tác phẩm trong 5 năm, Quang Thảo tự tin mang đến một góc nhìn mới mẻ, mang dấu ấn riêng của mình về Truyện Kiều. Anh chia sẻ: “Truyện Kiều là một tác phẩm tuyệt vời, có quá nhiều chất liệu để khai thác, về văn học cũng như về cuộc sống và con người. Cái khó ở đây là Truyện Kiều đã quá quen thuộc với người Việt, ngay từ khi còn trên ghế nhà trường và cũng không xa lạ gì với những vị trưởng bối trong các ngành học thuật. Vì thế, tôi đã chọn con đường riêng cho kịch bản của mình, đó là cảm tác từ chính Truyện Kiều để có những sáng tạo mới. Bản thân tôi cũng đã phải mất nhiều công sức và thời gian để thuyết phục ban lãnh đạo IDECAF cho thực thi dự án nghệ thuật tầm vóc này”.
Và đến xem Dưới bóng giai nhân, có thể hiểu được vì sao lãnh đạo Nhà hát Kịch IDECAF phải cân nhắc nhiều để quyết định đầu tư thực hiện tác phẩm. Khác nhiều tác phẩm về Truyện Kiều trước đây, Dưới bóng giai nhân kể câu chuyện phía sau những biến cố của cuộc đời Kiều, đào sâu tâm lý của các nhân vật mà những vần thơ trác tuyệt của đại thi hào Nguyễn Du chưa ghi lại. Vì thế, diễn biến câu chuyện trở nên đầy mới mẻ với một số nhân vật và sự kiện hư cấu ngoài nguyên tác. Việc lồng ghép những yếu tố nhân văn thời đại cùng phong cách dàn dựng hiện đại làm Kiều và các nhân vật quen thuộc như Hoạn Thư, Đạm Tiên hay Tú bà được cảm nhận đa chiều và thậm chí trái ngược với ấn tượng từ tác phẩm gốc.
So với nguyên tác Truyện Kiều, "Dưới bóng giai nhân" tô đậm số phận thiệt thòi của những người phụ nữ trong xã hội nhiều hơn. Vì thế, Dưới bóng giai nhân có thể rất thú vị với những khán giả có góc nhìn cởi mở, thích phản biện, quen tiếp xúc với những tác phẩm phái sinh nhưng cũng có thể để lại tranh cãi với lớp khán giả truyền thống, khó tiếp nhận biến đổi những gì thuộc về kinh điển. Rất may, bên cạnh những ý tưởng mới mẻ và có phần hiện đại thì đạo diễn Quang Thảo cũng đưa vào vở nhiều chất liệu quen thuộc như chầu văn và ngâm Kiều, làm dày thêm hồn dân tộc cho vở diễn.
Với Dưới bóng giai nhân, Nhà hát Kịch IDECAF một lần nữa khẳng định mình là đơn vị sân khấu ngoài công lập giàu nội lực bậc nhất hiện nay, nhất là dàn diễn viên đầy thực lực, với những: Hồng Ánh (Thúy Kiều), Thanh Thủy (Hoạn Thư), Hoàng Trinh (Tú bà Lã Thu), Mỹ Duyên (Đạm Tiên), Đại Nghĩa (Từ Hải), Đình Toàn (Hồ Tôn Hiến)… Các diễn viên đều thể hiện kỹ năng diễn xuất sắc nét, có chiều sâu giúp nhân vật thêm tỏa sáng.
Ngay sau khi gặt hái huy chương vàng Liên hoan Sân khấu TPHCM lần I với vở kịch lịch sử Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt: Người mang 9 án tử (kịch bản: Phạm Văn Quý, biên tập: Võ Tử Uyên, đạo diễn: NSƯT Hoàng Duẩn), Nhà hát Kịch IDECAF đã trình làng ngay vở kịch Dưới bóng giai nhân cảm tác từ kiệt tác văn học Truyện Kiều là điều rất đáng trân trọng và cần khuyến khích khi đơn vị nỗ lực cân bằng giữa tính nghệ thuật và thị trường để đưa nhiều tác phẩm chất lượng đến với công chúng.