Từ khi triển khai Luật Điện ảnh, TPHCM đã phát triển nhiều cụm rạp hiện đại phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khán giả. (Ảnh minh họa)(Thanhuytphcm.vn) – UBND TPHCM vừa có báo cáo về việc thi hành Luật Điện ảnh theo yêu cầu của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi bổ sung năm 2009) đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các chủ thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, tạo cơ sở để phát triển điện ảnh, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, đẩy mạnh sự phát triển kinh tế xã hội và hội nhập với xu thế phát triển của thế giới. Qua nhiều năm triển khai Luật Điện ảnh, điện ảnh Việt Nam nói chung và điện ảnh TPHCM nói riêng có nhiều bước tiến vượt bậc: số lượng phim sản xuất ngày càng tăng, đặc biệt đa số được sản xuất bằng nguồn xã hội hóa, các sản phẩm có chất lượng và giá trị nghệ thuật cao góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân.
TPHCM là trung tâm điện ảnh của cả nước, hiện trên địa bàn có hơn 100 cơ sở đăng ký và sản xuất phát hành phim với khoảng 30 cơ sở hoạt động thường xuyên, như: Hãng phim Giải phóng, Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, Hãng phim Trẻ, Hãng phim Đài Truyền hình TPHCM, Hãng phim Thiên Ngân, Hãng phim BHD, Hãng phim Phước Sang, Hãng phim Chánh Phương… Cùng với đó là 31 cụm rạp chiếu phim với 190 phòng chiếu (30.944 ghế) thuộc 7 doanh nghiệp, phục vụ 4 triệu lượt khán giả hàng năm, tạo điều kiện cho người xem tiếp cận các phương tiện kỹ thuật hiện đại, thu hút ngày càng nhiều khán giả đến rạp.
Tuy nhiên qua 14 năm triển khai thi hành (2006 - 2020), Luật Điện ảnh đã và đang bộc lộ nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế. Các quy định của Luật Điện ảnh chưa thể hiện đầy đủ, chưa theo kịp tính chất đặc thù của hoạt động điện ảnh. Điển hình như vấn đề khai thác, phổ biến phim trên môi trường internet, xem phim trên các thiết bị di động cá nhân. Luật Điện ảnh cũng chưa quy định cơ chế phối hợp giữa ngành điện ảnh với các ngành khác, như: truyền hình, du lịch, tài chính, thông tin truyền thông nên chưa phát huy được thế mạnh của điện ảnh.
Các biện pháp chế tài đối với một số hành vi vi phạm về phát hành phim, nhân bản và tàng trữ phim… không còn phù hợp với thực tiễn (mức xử phạt thấp, chưa bảo đảm tính răn đe). Một số chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh chưa được cụ thể hóa và thực thi nghiêm túc; đầu tư của Nhà nước trên các mặt sản xuất phim, phổ biến phim và cơ sở vật chất kỹ thuật còn hạn chế, không đồng bộ và chưa phát huy hiệu quả; không ít bất cập về công tác xã hội hóa điện ảnh (nhất là phổ biến các phim chạy theo thị trường, buông lỏng nội dung, chất lượng)…
TPHCM mong muốn xây dựng thương hiệu điện ảnh cho mình và đây cũng là ngành chủ đạo trong phát triển công nghiệp văn hóa của TP nói riêng và Việt Nam nói chung. UBND TPHCM kiến nghị bổ sung, sửa đổi Luật Điện ảnh, trong đó phân cấp quản lý cho UBND các tỉnh thành trực thuộc Trung ương được thẩm quyền duyệt phim truyện. Đồng thời có nhiều chính sách ưu đãi về thuế và cơ chế đặc thù cho các cơ sở sản xuất điện ảnh; quan tâm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng kịp thời nhu cầu, trình độ phát triển ngày càng cao ở lĩnh vực điện ảnh.