Tổng KTNN Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi thảo luận(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 25/10, tại chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN).
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính, việc trao cho KTNN thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quyền xử phạt vi phạm hành chính là cần thiết, nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động của KTNN. Tuy nhiên, Luật này chỉ quy định thẩm quyền của KTNN còn quy định về hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trình tự, thủ tục, hành vi vi phạm, mức xử phạt hành chính,... sẽ được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Xử lý vi phạm hành chính để tránh trùng lắp trong hệ thống pháp luật.
Về bổ sung quy định để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến của các đại biểu Quốc hội là xác đáng. Vì vậy, đã rà soát, lược bỏ, thể hiện lại hoặc bổ sung một số điều, khoản trong Dự thảo luật theo hướng hạn chế dẫn chiếu các nội dung đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng. Cụ thể, bỏ quy định về trách nhiệm của thành viên đoàn kiểm toán khi đã kiểm toán nhưng không phát hiện tham nhũng do đã quy định rõ tại Điều 64 Luật Phòng, chống tham nhũng; sửa quy định KTNN ban hành quyết định kiểm toán khi “có dấu hiệu vi phạm pháp luật” thành KTNN có nhiệm vụ xem xét, quyết định việc kiểm toán khi “có dấu hiệu tham nhũng” cho phù hợp với Luật Phòng chống tham nhũng. Quy định Tổng KTNN quyết định và tổ chức các biện pháp cụ thể để phòng, chống tham nhũng trong nội bộ KTNN theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, làm căn cứ cho KTNN rà soát lại các quy định đã ban hành để đảm bảo theo yêu cầu của Luật Phòng, chống tham nhũng. Quy định Tổng KTNN ban hành “Quy trình kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng” để quy định các nội dung Luật Phòng, chống tham nhũng dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật về KTNN.
Thảo luận về dự án này, ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang) cho rằng, cần bổ sung trong dự thảo nội dung: đơn vị được kiểm toán có quyền khiếu nại, khởi kiện đơn vị kiểm toán để toà án xem xét, điều này nhằm đảm bảo khách quan công bằng. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị đánh giá xem xét kỹ lưỡng thêm ở một số luật chuyên ngành, Luật phòng chống tham nhũng để sửa quy định về việc kiểm toán phải rõ tính công khai, minh bạch (do quy định hiện hành còn chung, chưa cụ thể). “Luật có quy định công khai kết quả kiểm toán nhưng lại không có thời hạn công khai, do đó cần quy định thời hạn công khai kết quả kiểm toán”, ĐB Nguyễn Ngọc Phương đề xuất. Cũng theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương, hiện Dự luật quy định căn cứ ban hành kết luận kiểm toán là “khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật”, tuy nhiên cách quy định này quá rộng, dự thảo mới cần bổ sung cụ thể căn ký ban hành kết luận kiểm toán.
Các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận tại hội trườngĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) bày tỏ băn khoăn quy định của dự luật cho phép cơ quan kiểm toán được quyền truy cập cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia và dữ liệu điện tử của đối tượng kiểm toán và các tổ chức, cá nhân liên quan đối tượng được kiểm toán. “Vấn đề đặt ra là kiểm toán có thể truy cập vào hệ thống dữ liệu các ngành khác như ngành thuế hay doanh nghiệp nước ngoài? Như vậy có đúng không khi mà đối tượng kiểm toán thì có kế hoạch kiểm toán, còn những đối tượng liên quan thì không chủ động được, không biết trước, vậy có nguy cơ dẫn tới trùng lặp hoạt động thanh tra”, ĐB Nguyễn Thanh Hồng phân tích đồng thời cho rằng không thể có chế định như vậy.
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, quy định cho phép Trưởng đoàn kiểm toán được quyền truy cập dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị kiểm toán và đối tượng liên quan đơn vị kiểm toán trong Dự luật là chưa hợp lý. Theo ông, phải chia rõ thành hai trường hợp. Thứ nhất, với nhóm dữ liệu quốc gia, cần nghiên cứu quy trình khai thác và tiếp cận, điều này cần được quy định cụ thể trong Luật. Thứ hai, với dữ liệu điện tử của đơn vị kiểm toán và đối tượng liên quan đơn vị kiểm toán, cần quy định yêu cầu việc truy cập của cơ quan kiểm toán phải dưới sự giám sát và thống nhất của đơn vị được kiểm toán.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, giải trình lại ý kiến các Đại biểu Quốc hội, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, không phải KTNN truy cập tất cả dữ liệu. Trưởng đoàn kiểm toán khi uỷ quyền cho thành viên khác truy cập dữ liệu này cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cũng sẽ có quy định cụ thể về thời gian, nội dung và phạm vi dữ liệu mà kiểm toán sẽ truy cập. KTNN cũng phải được cấp tài khoản mới truy cập được dữ liệu điện tử của doanh nghiệp.