Sáng mãi những ý chí kiên trung
Trở lại Côn Đảo vào những ngày tháng 7, cựu tù chính trị Côn Đảo Huỳnh Văn Kinh (hiện đang sinh sống tại TPHCM) đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện trong thời gian bị chế độ Mỹ - Ngụy giam cầm tại nhà tù Côn Đảo. Vẫn còn đó những khu phòng giam tập thể, khu giam tù đặc biệt, xà lim (hầm đá); hầm xay lúa, khu đập đá u tối, ở nơi từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, một minh chứng hồn hùng về tội ác của chế độ Mỹ - Ngụy.
Thăm lại khu trại giam Phú Hải (trại 2), ông Huỳnh Văn Kinh không giấu những cảm xúc đang dâng trào bởi chính tại phòng giam số 10 khu nhà giam này là nơi ông đã bị địch giam cầm, hành hạ. Ông cho biết: “Tôi bị chế độ Mỹ - Ngụy kết án tù và đưa ra Côn Đảo năm 1968. Lúc đầu bị giam tại phòng này, các tù nhân ở đây đều bị cùm một chân bằng cùm sắt. Chân này bị lở loét lại cùm đổi sang chân kia. Chế độ nhà tù Côn Đảo đối xử rất vô nhân đạo với các tù nhân chính trị, chúng luôn kiếm cớ đánh người rất tàn bạo. Khi bị thương nặng thì không có thuốc chữa, nhiều người bị kiệt sức vì sự hà khắc nơi đây”.
Trong 5 năm bị tù đày tại Côn Đảo, ông Huỳnh Văn Kinh đã phải chuyển nhiều trại giam, từ trại 2 chuyển tới trại 1, trại 5, trại 6 và trại chuồng bò. Nhớ về những tháng năm bị địch bắt tù đày, ông Huỳnh Văn Kinh không thể quên những bữa cơm tù với cơm đầy lúa thóc, mắm ruốc có cát để lâu ngày, cá khô để lâu đến mục đắng không ăn được. Ông say sưa kể cho chúng tôi nghe về những năm sống nơi “địa ngục trần gian” và luôn tự hào dù chế độ nhà tù Côn Đảo hà khắc nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn kiên cường đấu tranh, ca những bài ca kháng chiến ngay trong phòng giam…
Với những tù nhân nam đã khổ cực nhưng với những nữ tù chính trị còn cơ cực gấp bội phần. Bà Trần Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Đồng Nai, người từng bị giam tại khu chuồng cọp và trại 4 kể: “Chúng nhốt 5 người trong một buồng để phân tán lực lượng của ta. Khi bị giam có khi 1-2 tháng không cho tắm, có những lúc chúng tôi chỉ mặc đồ lót vì nóng bức quá không chịu được, rất cơ cực, nhất là những “ngày” của phụ nữ. Do bị đối xử tàn tệ, nhiều chị em bị thần kinh, bị điên. Phòng tôi có đến 3 trong số 5 người tàn tật. Nhiều chị em đã chết trong tù”.
Bà Trần Thị Hòa nhớ lại, ở nhà tù Côn Đảo, việc đấu tranh vô cùng khó khăn. Mỗi lần tù chính trị đấu tranh là địch lại đổ vôi bột xuống rồi dội nước làm cơ thể bị lở loét. Bị đàn áp nhưng các tù nhân chính trị đã không khuất phục, luôn đứng lên đấu tranh và xem nhà tù là chiến trường, nơi trui rèn tâm trí của người cộng sản. Bà Hòa tâm sự: “Khi đó, chúng tôi luôn nghĩ rằng, mình phải có lòng quả cảm để đấu tranh đòi quyền sống cho mọi người và tạo uy thế cách mạng trước kẻ thù. Niềm tin cách mạng đã thôi thúc chúng tôi đứng lên đấu tranh, tin tưởng vào sự tất thắng của cách mạng”.
Nặng sâu nghĩa tình đồng đội
Ngày giỗ chung các Anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước hy sinh tại nhà tù Côn Đảo, (ngày 20 tháng 6 âm lịch) cũng là ngày các chiến sĩ cựu tù chính trị Côn Đảo lại hội tụ về đây để tưởng nhớ những người đồng đội đã ngã xuống cho Tổ quốc. Những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm nồng ấm, những câu chuyện của những tháng năm gian khổ bị đày ải nơi nhà tù Côn Đảo như càng gắn kết những mái đầu đã bạc, gắn kết tình đồng đội, đồng chí.
Cựu tù chính trị Côn Đảo gặp mặt tại Ngày giỗ chung các Anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước hy sinh tại nhà tù Côn ĐảoBà Trần Thị Hòa bộc bạch: Năm nào tôi cũng trở về Côn Đảo ít nhất 2 lần. Vùng đất này đã lưu giữ những ký ức về những tháng năm bi tráng của người chiến sĩ cách mạng. Những lần chuẩn bị ra Côn Đảo lòng tôi rất bồi hồi và những đêm ở lại Côn Đảo là những đêm không ngủ. Đi đâu chúng tôi cũng nhớ về những người đồng đội năm xưa. Về đây chúng tôi lại tưởng nhớ các chị em đồng đội, những người một thời cùng chúng tôi sống chết có nhau, giờ kẻ ra đi người ở lại để chúng ta hôm nay có được độc lập tự do. Nơi đây, còn có chị Sáu (Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Võ Thị Sáu) là người làm rạng rỡ truyền thống phụ nữ Việt Nam, niềm tự hào, là chỗ dựa tinh thần của chúng tôi trong những năm tháng lao tù. Những năm tháng bị lao tù, không chỉ những chiến sĩ cách mạng phải nể phục mà cả địch khiếp đảm về chị.
“Về Côn Đảo hôm nay, mỗi chúng tôi không chỉ dâng trào những cảm xúc lòng tự hào dân tộc mà còn tự nhắn nhủ mình phải sống tốt hơn, xứng đáng với sự hy sinh của những người đồng đội” - bà Trần Thị Hoà cho biết.
Với những tình cảm của mình dành cho đồng đội, dành cho mảnh đất Côn Đảo anh hùng, sau ngày miền Nam được giải phóng, nhiều cựu tù chính trị đã ra đây xây dựng huyện đảo này. Bà Nguyễn Thị Ny, 78 tuổi, một cựu tù chính trị Côn Đảo, quê Tiền Giang, đã trở thành công dân của huyện đảo suốt 31 năm qua. Bà Ny cho biết: “Sau 11 năm Côn Đảo được giải phóng, năm 1986, tôi ra thăm Côn Đảo. Thấy nơi đây cần cán bộ nữ nên tôi xin ra công tác. Và ở đây tôi đã được gần gũi với mấy chị, thắp nhang cho mấy chị nằm lại nơi đây. Nghĩ đến những người đồng đội đã ngã xuống tôi không thể cầm được nước mắt. Đó là điều thôi thúc tôi phải cố gắng tham gia xây dựng đất nước sau ngày non sông thống nhất. Hôm nay tôi rất vui Côn Đảo đã phát triển, nơi “địa ngục trần gian” năm xưa không ngừng “thay da đổi thịt”. Tôi luôn có tâm nguyện còn sức lực còn phải đóng góp xây dựng mảnh đất kiên trung này”.
Mãi tự hào về Côn Đảo
Trải qua 113 năm (1862 – 1975) đen tối, Côn Đảo như một minh chứng sống kết án chính sách xâm lược của thực dân, đế quốc. Về thăm Côn Đảo, chúng ta cảm nhận được phần nào sự bi tráng của vùng đất này. Không chỉ có khu nhà tù Côn Đảo, nhiều địa danh nơi đây đã gắn với những mất mát, hy sinh xương máu của cha ông. Cầu tàu lịch sử 914, nơi chứng kiến nỗi đau khổ đầu tiên của những người bị đưa ra đảo tù đày, nhiều người chỉ qua cầu có một lần rồi vĩnh viễn yên nghỉ tại Côn Đảo. Con số 914 được đặt tên cho cầu là do người tù nhẩm tính số người tù ngã xuống vì lao dịch, tai nạn trong quá trình khổ sai xây cầu. Cầu Ma Thiên Lãnh theo nhẩm tính của người tù có đến 356 người chết do lao dịch nặng nhọc quá sức. Xúc động nhất là Nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước qua nhiều thế hệ bị tù đày đã lần lượt hy sinh dưới ách tàn bạo của thực dân và đế quốc.
Hướng dẫn du lịch Ban Quản lý Di tích Côn Đảo Trần Thị Thúy An kể: “Sau khi học Đại học Văn hóa TPHCM em xin tình nguyện về Côn Đảo công tác. Những năm tháng công tác ở đây em càng thấu hiểu hơn về lịch sử hào hùng của mảnh đấy này, nơi có bao máu xương của cha ông đã ngã xuống để hôm nay chúng ta có được độc lập tự do. Nơi đây vẫn khắc ghi những dòng lịch sử hào hùng nhưng cũng đầy thương cảm về những người chiến sĩ cách mạng mà chúng ta phải luôn ghi nhớ. Có những người bị giam trong xà lim 10 – 20 ngày chỉ ăn cơm lạt, uống nước lã. Có những người bị ngâm trong hố phân bò đến mức bị hoại tử cơ thể. Nhiều tù nhân chính trị phải sống trong những ở khu chuồng cọp rất khắc nghiệt nhưng các chiến sĩ cách mạng kiên cường vẫn đứng lên đấu tranh.
Ngày nay, Côn Đảo đã trở thành một khu di tích lịch sử cách mạng lớn, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Chỉ tính riêng năm 2016, đã có gần 200.000 lượt người đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương, hơn 60.000 lượt thăm các di tích lịch sử tại Côn Đảo. Đến thăm côn đảo trong những ngày tháng 7, chị Nguyễn Ngọc Phượng, đoàn viên Chi đoàn Cơ quan Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM chia sẻ: “Thế hệ trẻ chúng tôi may mắn được sinh ra trong thời bình nên khó có thể cảm nhận được đầy đủ sự gian khổ, hy sinh của các bậc cha, anh trong thời chiến tranh khói lửa. Nhưng hôm nay, đứng giữa Nghĩa trang Hàng Dương, trước mộ chị Võ Thị Sáu và mộ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người Việt Nam yêu nước bị tù đày, tôithấy lòng quặn thắt và xót xa vì những mất mát, đớn đau của cha ông đi trước để đem lại độc lập, hòa bình cho đất nước, dân tộc Việt Nam. Đó là bài học để thế hệ trẻ chúng tôi phải gắng sức đóng góp xây dựng đất nước hôm nay”.
Các bạn trẻ tại lễ truy điệu 51 chiến sĩ tù côn đảo bị giặc Pháp xử bắnNhững con sóng biển vẫn ồ ạt vỗ bờ như lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay vẫn tìm về Côn Đảo. Về đây để lắng nghe những hàng dương đang rì rào trước cơn gió biển như đang thì thầm kể về lịch sử hào hùng của mảnh đất này. Vềđây chúng ta mới càng thấu hiểu hơn độc lập tự do của đất nước hôm nay được xây đắp bằng sự hy sinh cao cả của lớp lớp cha anh đi trước, những con người đã làm lên những huyền thoại bất tử trong kháng chiến. Chúng tôi vẫn nhớ lời phát biểu của PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) tại lễ truy điệu 51 chiến sĩ tù côn đảo bị giặc Pháp xử bắn vừa diễn ra tại Côn Đảo: Hiểu rõ hơn về lịch sử nhà tù Côn Đảo trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc giúp chúng ta có được những bài học về lòng yêu nước, về tinh thần hy sinh bản thân cho sự nghiệp độc lập tự do của Tổ quốc, về sức mạnh của ý chí, sức mạnh và sáng tạo của tập thể, cho dù không có một phương tiện tự vệ nào; bài học về ý thức tiến công cách mạng trong hoàn cảnh gian khó nhất; bài học về giáo dục rèn luyện lực lượng trong đấu tranh…