Thứ Sáu, ngày 2 tháng 5 năm 2025

Có cơ sở đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiều 25/5

(Thanhuytphcm.vn) – Theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, chiều 25/5, các đại biểu thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát trong giới hạn cho phép, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, một số ngành, lĩnh vực tiếp tục đà phục hồi và phát triển. 

Theo đánh giá của các đại biểu, năm 2016 và những tháng đầu năm nay, các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực xã hội khác được chú trọng, đạt một số kết quả tích cực, quốc phòng an ninh được giữ vững, hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế. Tuy nhiên, kinh tế-xã hội gặp không ít thách thức lớn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể còn cao, đời sống người dân còn khó khăn, ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều nơi nhưng khắc phục và cải thiện còn chậm, mất an toàn thực phẩm còn phổ biến; trật tự an toàn xã hội trên một số lĩnh vực, địa bàn diễn biến phức tạp…

Đánh giá kết quả đạt được trong năm 2016, đại biểu Nguyễn Văn Giàu (An Giang) cho rằng cán cân thương mại diễn biến tốt, xuất siêu năm 2016 ổn định. Khi cán cân thương mại thặng dư, có xuất siêu giúp ổn định cán cân thanh toán tổng thể, ổn định tỷ giá, tác động tốt đến kinh tế vĩ mô.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM), năm 2016 nổi lên điểm sáng là tiếp tục duy trì sự ổn định của kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, tỷ giá, lãi suất ổn định, giữ được những nền tảng cân đối lớn của nền kinh tế, cán cân vãng lai cũng thặng dư. Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP trong năm 2016 là tác động môi trường từ sự cố Formosa Hà Tĩnh, ảnh hưởng đến các lĩnh vực: thủy sản, du lịch, công nghiệp. Từ đó cảnh báo môi trường vẫn là yếu tố Chính phủ cần đánh giá nghiêm túc trong báo cáo, số liệu phải đầy đủ hơn.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng báo cáo của Chính phủ đề cập chưa tương xứng thiệt hại của sự cố ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra năm 2016 ở 4 tỉnh miền Trung, trong báo cáo mới chỉ nói đến các biện pháp hỗ trợ giải quyết một phần khó khăn cho người dân, nhưng thực tế Chính phủ đã có nhiều nỗ lực tìm nguyên nhân, dự phòng không để xảy ra tiếp...

Khẳng định năm 2017 có cơ sở để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng tiềm năng phát triển kinh tế những tháng cuối năm là có, nhất là ở khu vực kinh tế tư nhân. Nghị quyết Trung ương 5 đã khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của sự phát triển kinh tế; Nghị quyết 35 của Chính phủ sau một năm thực hiện đã thúc đẩy tinh thần doanh nhân khởi  nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân dẫn chứng từ Thành phố Hồ Chí Minh: trong quý I/2017 tăng trưởng cao hơn các năm trước, đạt 7,46% mà chủ lực là thành phần kinh tế tư nhân, cá thể khi chiếm tới 60% đóng góp vào sự tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn chọn Việt Nam là điểm đến. Đây là cơ hội để sàng lọc, chọn lựa những doanh nghiệp tốt, ưu tiên cho công nghệ cao, làm đòn bẩy thúc đẩy sự tăng trưởng. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đồng tình với các giải pháp Chính phủ đề ra về phát triển du lịch, phát triển nông nghiệp, xây dựng gói giải pháp đúng nghĩa để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, đầu tư công nghệ vào nông nghiệp. 

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo