Chủ Nhật, ngày 13 tháng 7 năm 2025

Chuyện về người “kiện tướng gỡ mìn”

Sau những giờ bận việc ở xã, thương binh Phan Văn Đu lại phụ vợ trong công việc gia đình

(Thanhuytphcm.vn) - Chiến tranh đã lấy đi của người Việt Nam, trong đó có người dân Củ Chi nhiều nước mắt, nhiều người đã mãi mãi nằm xuống và nhiều người khác mất đi một phần thân thể, thậm chí kể cả khi chiến tranh đã qua đi. Lành lặn rời khỏi cuộc chiến tranh ác liệt, thế nhưng người lính Phan Văn Đu không ngờ mình lại trở thành thương binh sau ngày đất nước thống nhất.

Nhiều tài liệu ghi lại, vào cuối năm 1975, huyện Củ Chi còn đìu hiu lắm. Hố pháo, hố bom chưa lấp hết, dấu vết đồn bốt xưa vẫn còn. Phong trào “Khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất”,  được phát động mạnh mẽ trong toàn huyện, nhất là việc rà phá bom đạn, gỡ mìn để “giải phóng” đất cho dân sinh sống, sản xuất. Và Phan Văn Đu, hay như mọi người thường gọi thân mật là Tám Đu là “kiện tướng gỡ mìn” từ những ngày đó. Thoát ly theo du kích từ năm 1971, mới 16 tuổi, với mong muốn trả thù cho hai người anh đã hy sinh (năm 1969), Phan Văn Đu được cho đi học trinh sát đặc công, rồi về đánh đồn Mỹ Khánh, xã Thái Mỹ. Sau giải phóng, được xã cử đi học gỡ mìn, là một trong 63 người của huyện Củ Chi học gỡ mìn, biên chế một đại đội.

Trở về Thái Mỹ, Tám Đu là A trưởng, phụ trách 5 anh em. Nhờ kinh nghiệm làm trinh sát đặc công 2 năm, Tám Đu nắm được cách bố trí mìn, cách gài lựu đạn quanh đồn bót địch. Các loại mìn M.14A2, M.26A2, Claymor, Rip ẩn mình dưới cỏ dại lần lượt được đội gỡ mìn dọn sạch. Hồi tưởng lại chuyện xưa, ông Tám Đu vẫn nhớ rõ: “Đồn chi khu Thái Mỹ với 450 trái mìn lớn nhỏ. Đồn ở ngay sau nhà tôi. Anh em dò sơ đồ, đánh dấu, gỡ mìn hết sức cẩn thận. Ngày đầu tôi gỡ được 100 trái mìn, ngày thứ hai cũng 100 trái. Nhưng ngày thứ ba…”.

Đó là ngày 3/4/1976, chỉ còn 16 ngày nữa là anh lính Tám Đu làm lễ tuyên bố (kết hôn) với cô Năm Triến, du kích xã. Vậy nhưng khi gỡ đến trái mìn thứ 223 là mìn M.26A2 cực nhạy, Tám Đu khoét đất moi trái mìn lên, thận trọng đưa mũi lưỡi lê xoay nhẹ đít, lấy kíp nổ... Bất ngờ, mìn phát nổ trên tay. Đôi mắt xa xăm, ông Tám Đu kể tiếp: “Tôi được đưa đi cấp cứu, nằm bệnh viện ở thành phố 4 tháng trời. Mạng còn nhưng mất hai bàn tay, hư con mắt phải. Cuộc đời tưởng như chấm hết!”. Chiến tranh đã qua rồi mà máu thịt, nước mắt vẫn phải rơi. Cảm giác đau đớn như mình đã chết từ trong tâm can, từ một thanh niên khỏe mạnh lại trở nên tàn tật, mối lương duyên tốt đẹp với cô du kích xã coi như tan nát. Nỗi đau chiến tranh vẫn cứ đeo bám dù cuộc chiến đã kết thúc.

Thời điểm mất đi hai bàn tay và một con mắt, ông tưởng như tương lai tươi sáng đã khép. Thế nhưng cô Năm Triến không xuôi lòng, vì: “Hai đứa thương nhau. Ảnh làm nhiệm vụ bị thương tật, tui vẫn lấy ảnh. Nay mai cực khổ, ảnh ăn cơm, tui ăn cháo cũng được”. Câu nói của vợ, ông Tám Đu kể lại mà rớt nước mắt.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm thương binh Phan Văn Đu nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7/2019. (Ảnh: Ngọc Tuyết). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm thương binh Phan Văn Đu nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7/2019. (Ảnh: Ngọc Tuyết)

Sau khi cưới, hai vợ chồng ông Tám Đu về sống dưới mái nhà đơn sơ ở ấp Bình Thượng. Hàng ngày, vợ ông chặt trúc đan thúng, đan rổ, nia đi bán chợ khuya Phước Thạnh. Anh em xã đội đến thăm, động viên ông, phải hãnh diện mình là thương binh, quên mình làm nhiệm vụ vì cuộc sống bình yên của người dân quê hương, phải sống có ý nghĩa, không được nản. Thấm thía tình cảm anh em đồng đội, ông quyết vượt lên nghịch cảnh thương tật của mình. Với hai cườm tay, ông tập xách nước giếng, tập thay áo quần, tự ăn uống và tập cưỡi xe đạp đi đây đi đó bán rổ, rá cho vợ. Ông thường đạp xe mười mấy cây số qua Bình Mỹ, Bình Dương, Thanh Tuyền, Thanh An bán hàng. Tối xin ngủ nhà dân. Một chuyến bán dạo hai ba ngày. Rồi khi kinh tế gia đình cùng với kinh tế toàn xã, toàn huyện dần khá hơn, ông Tám Đu ở nhà phụ vợ chăn nuôi. Ông được mời ra xã làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, ngày ngày đi vận động toàn dân giữ gìn vệ sinh môi trường; ban đêm họp với thanh niên ấp nói chuyện nếp sống văn hóa mới, xuống các ấp vận động nhân dân thực hiện chủ trương của cấp ủy, ủy ban xã, vận động bà con hiến đất mở đường, góp công sửa lộ, góp tiền làm đèn điện chiếu sáng…

Nhìn miếng đất gò trước kia giáp đồn Thái Mỹ, nơi trái mìn thứ 223 nổ trên tay ông Tám Đu, giờ được ông trồng cỏ nuôi bò, hồi tưởng lại cảnh nghèo trước đây, nhà tranh vách đất, đèn dầu tù mù, lại bị thương tật tưởng đâu buông xuôi, ông nói: “Người ta “đi lên từ 2 bàn tay trắng”, tui bị mìn cướp mất 2 bàn tay, đã vượt qua nghịch cảnh, đi lên bằng nghị lực, bằng “đồng vợ đồng chồng”, chính nhờ tình yêu thương của vợ tui, bằng tình yêu thương tha thiết cuộc sống này”…

Thúy An


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo