Thứ Sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh - góp phần vào việc kiến tạo một xã hội phát triển bền vững

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024. (Ảnh: VGP)

(Thanhuytphcm.vn) - Chuyển đổi số (Digital Transformation) là quá trình tích hợp công nghệ số vào mọi hoạt động của cá nhân và tổ chức nhằm thay đổi cách thức làm việc để nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Đây là một sự thay đổi sâu rộng trong tư duy và văn hóa của tổ chức, hướng đến việc đạt được những kết quả đột phá mới. Chuyển đổi số mang đến cơ hội lớn để phát triển, nhưng cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức mà xã hội nói chung và các tổ chức, doanh nghiệp nói riêng cần vượt qua.

Thị hiếu, hành vi tiêu dùng của khách hàng đang ngày càng thay đổi, đòi hỏi doanh nghiệp cần tận dụng tất cả các nguồn lực để có thể mang lại các giá trị tốt hơn cho khách hàng, đảm bảo được lợi thế cạnh tranh, duy trì sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Và chuyển đổi số là một chiến lược bắt buộc mà doanh nghiệp cần thực hiện để đảm bảo được những mục tiêu này ở thời đại 4.0 hiện nay. Đối với các cơ quan nhà nước, chuyển đổi số có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Bằng cách áp dụng công nghệ số, chính phủ có thể hoạt động hiệu quả hơn, minh bạch hơn và hạn chế tham nhũng, từ đó góp phần vào việc kiến tạo một xã hội phát triển bền vững. Thay vì tiến hành kiểm tra trực tiếp tại các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, các cơ quan chức năng hiện nay có thể thực hiện thanh tra trực tuyến thông qua các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu được kết nối. Từ đó giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực, đồng thời nâng cao tính chính xác, hiệu quả của các cuộc kiểm tra.

Cùng với chuyển đổi số là xu hướng chuyển đổi xanh. Chuyển đổi xanh là quá trình xây dựng nền kinh tế trong đó mức phát thải từ thấp đến rất thấp, đạt được thông qua việc phát triển văn minh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chuyển đổi xanh hướng đến giảm tình trạng suy giảm hệ sinh thái và tác động xấu đến môi trường của từ con người. Một nền kinh tế xanh sẽ gắn liền với những nhà máy, xí nghiệp ít khói bụi. Nguồn năng lượng sử dụng sạch và có thể tái tạo, thân thiện với môi trường, hoạt động sản xuất và kinh doanh không gây ô nhiễm môi trường, hoạt động nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi không dùng chất độc hại gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người. Quá trình chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, tăng thị phần, doanh thu và khả năng giữ chân khách hàng lẫn đối tác. Việc phát triển sản phẩm xanh là nghĩa vụ môi trường của doanh nghiệp đồng thời là cơ hội “vàng” để doanh nghiệp tăng cường tính nhận dạng thương hiệu. Ngày nay, chính phủ và cả tổ chức quốc tế thường xuyên đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi cho doanh nghiệp khi họ bắt đầu thực hiện chuyển đổi xanh.

Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Có thể nói, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là hai chuyển đổi quan trọng bậc nhất của đầu thế kỷ 21. Muốn chuyển đổi xanh thì phải dùng chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số cũng phải dùng chuyển đổi xanh. Hai chuyển đổi này sẽ đảm bảo cho một quốc gia phát triển nhanh và bền vững. Trên thực tế, năm 2020, kinh tế xanh đã đóng góp khoảng 2% GDP của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trên 10%, và cùng năm này, kinh tế số của Việt Nam đã đóng góp 12% GDP. Đến năm 2023, kinh tế số theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông đã đóng góp 16,5% GDP và với tốc độ tăng trưởng trên 20% một năm.

Chuyển đổi số là để tạo ra một loại tài nguyên mới là dữ liệu. Lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của mình con người thay vì tiêu dùng và làm cạn kiệt tài nguyên thì tạo ra tài nguyên mới. Trước đây càng phát triển thì càng làm cạn kiệt tài nguyên. Ngày nay càng phát triển thì càng sinh ra nhiều tài nguyên. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Và động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Phát triển kinh tế số phải dựa trên đổi mới sáng tạo số, phải đầu tư vào hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng tính toán AI (trí tuệ nhân tạo). Phải tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực. Phải hoàn thiện thể chế số, phải thực hiện quản trị số và phải đào tạo kỹ năng số, nhân lực số và đặc biệt, thu hút nhân tài số …

Tóm lại, muốn chuyển đổi xanh buộc phải chuyển đổi số, vì công nghệ số giúp tăng tốc cả thích nghi và giảm thiểu. Bản thân công nghệ số cũng cần xanh hơn vì nó tiêu tốn nhiều năng lượng. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Dám ứng dụng, dám đi đầu trong ứng dụng và ứng dụng an toàn sẽ tạo ra sự phát triển và cũng tạo ra sự hoàn thiện công nghệ. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại ứng dụng tạo ra sự phát triển của công nghệ. Vì công nghệ số muốn phát triển thì phải dựa trên dữ liệu số, trong khi dữ liệu số lại chỉ được sinh ra do ứng dụng, do vậy nên bàn nhiều hơn về việc thay đổi thể chế để mở đường cho sự ứng dụng rộng rãi của các công nghệ số.

Hoài Nguyễn


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo