Chiến sĩ biệt động Lý Cảnh Nè (Thanhuytphcm.vn) – Đến nay vẫn còn nhiều người ít nghe và biết đến chiến sĩ biệt động Lý Cảnh Nè cùng đồng đội của ông - những người hùng của Đội 5 biệt động Sài Gòn cách đây 58 năm… Đó là chia sẻ của của Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) về những chiến sĩ Biệt động thành Sài Gòn đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình, chiến đấu dũng cảm, xứng danh người hùng của thời đại Hồ Chí Minh…
Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu cho biết, thập niên 60 của thế kỷ 20, dưới nhiệm kỳ tổng thống Mỹ Jonhson, ngày 08/03/1965 với sự chỉ huy của tướng Westmoreland, những đơn vị lính thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên từ căn cứ Okinawa (Nhật Bản) chia làm hai cánh đổ bộ bằng đường biển và không vận đến Đà Nẵng, miền Nam Việt Nam. Lực lượng hùng hậu với trang thiết bị và vũ khí tối tân hiện đại của một siêu cường, họ chính thức tham chiến tại Việt Nam…
Lúc này, ngoài tiền tuyến nhiều trận đánh lớn giữa quân giải phóng và lính Việt Nam cộng hòa và lính viễn chinh Mỹ diễn ra khắp nơi. Những vùng đồng quê đang yên bình nay bỗng chốc trở thành những mục tiêu gầm rú dã man của bom đạn Mỹ cả ngày lẫn đêm. Người dân vô tội phải gánh chịu cảnh đau thương tàn khốc. Lúc này, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam kêu gọi toàn dân chống Mỹ cứu nước.
Vào đầu quý 3 năm 1965, chỉ huy trưởng biệt động F100 Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) giao nhiệm vụ cho Đội 5 biệt động Sài Gòn cùng tổ quân báo F21 điều tra, nghiên cứu mục tiêu, hướng tiếp cận mục tiêu, và đường rút lui của toàn bộ phân đội biệt động để đưa ra phương án đánh khách sạn Metropole.
Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu. (Ảnh Tân Phong) Qua thông tin của tình báo, khách sạn này là căn cứ đóng quân thường xuyên của 170 đến 200 sĩ quan không quân và chuyên viên kỹ thuật của lính Mỹ. Khách sạn kiên cố, cao 7 tầng, cửa chính nằm trên đại lộ Trần Hưng Đạo, trước cửa có nhiều vật cản, có quân cảnh Mỹ và đồng minh luôn canh gác. Cửa sau nằm trên đường Nguyễn Cư Trinh cũng có nhiều vật cản. Trên sân thượng khách sạn lính Mỹ trang bị hỏa lực mạnh. Bên hông hướng Bắc khách sạn là khoảng trống là bãi đậu xe nhà binh.
Qua kết quả nghiên cứu, Đội biệt động 5 lên phương án tác chiến, hình thành tổ chức chiến đấu, sử dụng hỏa lực và xung lực mạnh tập kích khách sạn Metropole bằng phương tiện ô tô tải (xe cam nhông) chở 400 kg thuốc nổ và cảm tử quân đánh trực tiếp vào sát bên hông hướng Bắc cửa sau khách sạn nằm trên đường Nguyễn Cư Trinh. Biệt động Bảy Bê được giao nhiệm vụ chỉ huy trận đánh Metropole và trực tiếp phân công nhiệm vụ tác chiến.
Cụ thể, Tổ 1: Bảy Bê chỉ huy kiêm tài xế chở các biệt động làm nhiệm vụ xung kích gồm có Tư Châu, Ba Minh, Huỳnh Công Đức (Tư Chưởng), mỗi biệt động được trang bị vũ khí đúng tiêu chuẩn chiến đấu nội thành Sài Gòn, có nhiệm vụ yểm trợ cho xe chở chất nổ tấn công khách sạn và mở đường cho cảm tử quân rút lui.
Tổ 2: Gồm 2 biệt động, xe chở 400 kg thuốc nổ với 3 ngòi nổ, thời gian nổ là sau bốn phút từ khi mở khóa an toàn ngòi nổ, xe do cảm tử quân Lý Cảnh Nè cầm lái. Cùng ngồi trên xe hỗ trợ cho Lý Cảnh Nè là bí số 503, kiêm Chỉ huy phó trận đánh. Biệt động Triệu Tử Long chạy xe gắn máy theo xe do Lý Cảnh Nè lái, có nhiệm vụ bảo vệ xe chở thuốc nổ và thay tài xế Lý Cảnh Nè khi cần thiết, mở đường để Lý Cảnh Nè và bí số 503 rút lui.
Tổ 3: Bốn biệt động do Sáu Rồi chỉ huy, có nhiệm vụ khống chế bãi xe khách sạn khi xe chở thuốc nổ của Lý Cảnh Nè đến, nếu có sự cố. Bảy Long chạy xe gắn máy chốt tại ngã ba Cống Quỳnh – Nguyễn Cư Trinh chặn đánh quân tiếp viện đổ về Metropole khi bom nổ.
Khách sạn Metropole. (Ảnh chụp lại) Đúng 4 giờ sáng ngày 04 tháng 12 năm 1965, từ căn cứ du kích xã Phước Long, Thị trấn Thủ Đức, các chiến sĩ biệt động lên đường hành quân, xe gắn máy chạy trước dẫn đường tiến về khách sạn Metropole. Tiếp theo là xe Lý Cảnh Nè chở 400 kg thuốc nổ chứa trong thùng phuy, ngụy trang bằng rau củ, trái cây miệt vườn chở ra chợ bán, chạy theo sau là xe chỉ huy của Bảy Bê.
4 giờ 40 phút sáng, xe chở khối thuốc nổ cùng đội hình chiến đấu của Đội 5 biệt động đã đến mục tiêu, cảm tử quân biệt động Lý Cảnh Nè đã cập sát được xe chở thuốc nổ vào khách sạn Metropole như đã định và mở khóa an toàn ngòi nổ chậm rồi cùng bí số 503 thoát nhanh ra khỏi xe, nhanh chóng rời khỏi hiện trường trong tiếng súng yểm trợ đang nổ rền vang bắn về phía khách sạn, khi đó đèn đường Sài Gòn vẫn còn cháy sáng. Đúng 4 phút, một tiếng nổ long trời lở đất, khách sạn Metropole mịt mù trong khói lửa... Đội biệt động 5 đã hoàn thành nhiệm vụ và rút lui an toàn.
Khách sạn Metropole bị phá hủy 3 tầng, hầu hết những người Mỹ và đồng minh có mặt tại khu khách sạn Metropole bị đánh bom với rất nhiều người bị thương vong.
Các chiến sĩ biệt động thành Sài Gòn trong đó có cảm tử quân Lý Cảnh Nè đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình và cùng đồng đội chiến đấu dũng cảm, xứng danh người hùng của thời đại Hồ Chí Minh. Với trận đánh Metropole – trận đánh không chỉ vang dội trong nước mà còn để lại dư âm của nó đối với thế giới…
Chiến sĩ biệt động Lý Cảnh Nè sinh ngày 01/01/1942, tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, tỉnh Gia Định (nay TPHCM). Sau 30/4/1975, thường trú 151 đường Hàn Hải Nguyên, Phường 2, Quận 11, TPHCM. Ông Lý Cảnh Nè tham gia kháng chiến vào tháng 10/1964. Đến tháng 3/1965, ông nhập ngũ chiến đấu tại đơn vị K17 Trinh sát khu Sài Gòn - Gia Định do ông Nguyễn Văn Tăng (Tư Tăng) là Chỉ huy trưởng; ông Trần Minh Sơn là Chỉ huy phó - Tham mưu trưởng lực lượng Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Từ tháng 03/1965 đến tháng 9/1965, Lý Cảnh Nè được chọn đi học tại Trường Đặc công F300. Từ tháng 10/1965 đến tháng 01/1967, Lý Cảnh Nè là A phó, A trưởng, B phó, B trưởng thuộc Đội 4, F100 Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Đinh.
Tháng 2 năm 1967, Lý Cảnh Nè bị chính quyền Sài Gòn bắt giam tại đảo Côn Sơn, bị kết án tù chung thân khổ sai. Tháng 2 năm 1974, Lý Cảnh Nè được trao trả tù binh. Tháng 9/1974, Lý Cảnh Nè được điều động về Đoàn Biệt động Z32 thuộc Lữ đoàn 316 Đặc công biệt động giữ chức vụ Đại đội trưởng Đại đội 4 của Z32 Lữ đoàn 316 Đặc công biệt động, do ông Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) là Chính ủy Lữ đoàn 316 Đặc công biệt động.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại đội 4 của Lý Cảnh Nè tham gia tác chiến trong đội hình cánh Bắc của Lữ đoàn 316. Lý Cảnh Nè đã cùng với đơn vị đánh chiếm căn cứ thiết giáp (trại Phù Đổng) Gò Vấp, góp phần giải phóng Sài Gòn.
Từ tháng 05/1975 đến tháng 6/1977, Lý Cảnh Nè làm công tác cải tạo quân quản. Từ tháng 7/1977 đến tháng 07/1986, Lý Cảnh Nè chuyển ngành về Xí nghiệp vận tải ô tô số 01. Ngày 21/7/1986, ông từ trần do tai nạn giao thông.
Trong quá trình hoạt động, ông Lý Cảnh Nè đã có nhiều thành tích chiến đấu và được tặng thưởng: Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba; Huân chương Chiến công Giải phóng hạng; Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Nhất; Kỷ niệm chương tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu; Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày;…
Tân Phong
(Viết theo lời kể lại của Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) và tư liệu Lịch sử Lực lượng Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định 1945-1975)