Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Ngày ấy trong tuyến lửa”

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tặng hoa cho thân nhân liệt sĩ dân công hỏa tuyến

(Thanhuytphcm.vn) - Cách đây 50 năm, vào đêm 15/6/1968, 32 dân công hỏa tuyến của quê hương Vĩnh Lộc - Bình Chánh đã anh dũng ngã xuống trong đợt 2 Cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Nhằm nhắc nhở các thế hệ hôm nay về một trang sử đau thương nhưng hào hùng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tối 2/7, tại Khu Di tích Dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968 (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh), Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp Đài Truyền hình TPHCM và Huyện ủy - UBND huyện Bình Chánh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt “Ngày ấy trong tuyến lửa” tưởng nhớ 32 người con ưu tú của quê hương Vĩnh Lộc.

Đến dự có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm; Phó Bí thư Thành ủy TP Võ Thị Dung; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Thân Thị Thư; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu cùng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, tướng lĩnh, sĩ quan, các thương binh, gia đình có công với cách mạng, đoàn viên thanh niên và đông đảo các tầng lớp nhân dân huyện Bình Chánh.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thân Thị Thư phát biểu tại chương trình Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thân Thị Thư phát biểu tại chương trình

Cách đây 50 năm, để phục vụ tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Cấp ủy xã Vĩnh Lộc, Chi bộ ấp Tân Hòa 1, Tân Hòa 2, Thới Hòa cùng các cơ sở cách mạng nòng cốt đã vận động, tổ chức các đoàn dân công với hàng trăm nam nữ thanh niên tham gia phục vụ chiến đấu. Khoảng 22 giờ 30 phút ngày 15/6/1968 (nhằm 20/5 Âm lịch), đoàn dân công gần 60 người đưa thương binh vượt bưng Láng Sấu xuống Đức Hòa - Long An và tải đạn về Sài Gòn. Khi đoàn dân công qua khỏi “vùng trắng” tới đồng bưng thì bị máy bay địch phát hiện và xả đạn vào đội hình. 35 người trong đoàn đã hy sinh, trong đó có 32 dân công (25 nữ, 7 nam). Từ đó, ngày 20/5 Âm lịch hàng năm trở thành ngày giỗ chung của 32 dân công hỏa tuyến đã hy sinh.

Tại chương trình kỷ niệm 50 năm ngày 32 dân công hỏa tuyến hy sinh, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư khẳng định: 50 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời hoa lửa, về những ngày tháng hào hùng nhưng rất đỗi bi thương vẫn còn hiện diện trên từng con người, trên từng tấc đất, ngọn cây. Tại đìa Dứa ở bưng Láng Sấu - nơi diễn ra trận xạ kích đẫm máu 50 năm trước, nay là Khu di tích lịch sử Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc Mậu Thân 1968, vẫn mãi khắc ghi sự anh dũng quên mình của những người con trai, con gái dân công hỏa tuyến chân chất, hiền hòa nhưng rất đỗi quật cường.

Lãnh đạo TP tại chương trình nghệ thuật Lãnh đạo TP tại chương trình nghệ thuật

Ngày ấy, trong tuyến lửa, chỉ trong vòng chưa đầy một giờ bị oanh kích, Vĩnh Lộc đã mất đi 32 người con, trong đó có 25 cô gái đang trong độ tuổi xuân xanh. Họ đều còn rất trẻ với biết bao ước mơ tươi đẹp đã mãi mãi ra đi. Sự hy sinh của các chiến sĩ dân công Vĩnh Lộc là điểm son sáng ngời về tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam. Mãi mãi tri ân những chàng trai, cô gái đã góp phần làm nên những chiến công đi vào huyền thoại, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư tin tưởng sau đêm gặp gỡ hôm nay, càng nhắc nhớ các thế hệ mai sau đừng quên và không được lãng quên, trên mỗi tấc đất quê hương, máu và mồ hôi của bao lớp người đã cùng nhau quyện chặt, thấm đẫm.

Trong chương trình, mọi người không khỏi xúc động khi được nghe những nhân chứng sống, thân nhân những người đã nằm lại đìa Dứa 50 năm trước về “đêm trắng đồng bưng” kinh hoàng ngày ấy. Nhưng càng đau thương dường như càng hun đúc ý chí cho những người còn sống tiếp tục đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng như mong mỏi của những chàng trai cô gái từ đồng bưng Vĩnh Lộc năm xưa.

Tiết mục “Giai điệu Tổ quốc” trong chương trình Tiết mục “Giai điệu Tổ quốc” trong chương trình

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Ngày ấy trong tuyến lửa” cũng đã đưa mọi người trở về ký ức 50 năm về trước với cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của người dân vùng đất Vĩnh Lộc anh hùng. Những giai điệu đi cùng năm tháng, như: Giai điệu Tổ quốc, Bài ca không quên, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Qua sông, Có những tuổi hai mươi như thế, Người mẹ của tôi, Bản hùng ca 68, ca cổ Huệ trắng đồng bưng… nhắc nhở chúng ta về giá trị độc lập tự do hôm nay có thấm máu xương của 32 liệt sĩ dân công hỏa tuyến cùng biết bao con người không ai nhớ mặt đặt tên nhưng đã làm ra đất nước!

Tham gia biểu diễn trong chương trình có các nghệ sĩ được khán giả TP yêu mến như: Anh Bằng, Đào Mác, Võ Hạ Trâm, Minh Trí, Kim Luận, Thu Vân, Như Huỳnh…

Ngọc Tuyết – Long Hồ

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo