Người chiến sĩ cộng sản tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Tôn Đức Thắng, người chiến sĩ cộng sản tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đã vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã trong lao tù đế quốc, sự khốc liệt của đấu tranh, luôn gắn bó với đồng chí, đồng bào, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Dù ở cương vị nào, đồng chí vẫn luôn là tấm gương mẫu mực về lòng yêu nước, tinh thần can trường, đức tính giản dị, liêm khiết để các thế hệ noi theo.
“Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã để lại cho chúng ta bài học về sự hy sinh, suốt đời phấn đấu cho lý tưởng của Đảng, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, như Bác Hồ đã khẳng định: Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu về đạo đức cách mạng, suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, suốt đời hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân” - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường khẳng định: Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một trong những chiến sĩ lớp đầu phong trào công nhân, người đã thành lập Công hội bí mật – tổ chức Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Từ thực tiễn vận động thành lập và lãnh đạo Công hội bí mật, đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp phần quan trọng vào việc đặt cơ sở, nền móng cho lý luận, nghiệp vụ công tác Công đoàn Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về những đóng góp to lớn của đồng chí Tôn Đức Thắng đối với cách mạng Việt Nam, với phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam; tấm gương về đạo đức cách mạng, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, người cộng sản chân chính và những giá trị lịch sử, bài học công tác công vận và xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay…
An Giang vinh dự và tự hào là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Thiện Phú nhấn mạnh: Dù ở cương vị nào, đồng chí Tôn Đức Thắng cũng thể hiện nghiêm túc phẩm chất đạo đức của người cách mạng, lúc nào cũng chuyên cần, siêng năng, chăm chỉ, sống bình dị, đạm bạc, thanh cao, luôn giữ lòng thanh liêm, chính trực, trong sáng, hết lòng vì nước, vì dân, luôn sẵn sàng hi sinh cái riêng cho cái chung, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng. Hiện nay, khu lưu niệm Bác Tôn tại ấp Mỹ An, xã Mỹ Hoà Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, là nơi giúp cho các thế hệ người Việt Nam hiểu thêm về cuộc đời hoạt động và những đóng góp to lớn của Bác Tôn đối với sự nghiệp cách mạng.
Các đại biểu trao đổi tại hội thảoNhắc lại cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son vào năm 1925 do đồng chí Tôn Đức Thắng lãnh đạo, các đại biểu khẳng định đây là cuộc đấu tranh tạo được bước chuyển biến về chất của phong trào công nhân Việt Nam, mở đầu cho một giai đoạn mới đánh dấu giai cấp công nhân Việt Nam đã chuyển từ đấu tranh tự phát lên đấu tranh tự giác. Bước chuyển mình về chất đó được thể hiện bằng nội dung, quy mô và tính chất, thời gian, kết quả của cuộc đấu tranh, đặc biệt là khối đoàn kết thống nhất ý chí, hành động nghìn người như một của công nhân Ba Son, cũng như sự ủng hộ hết lòng, sự yêu thương đùm bọc của giai cấp công nhân, các tầng lớp nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn và cả nước đối với cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son. Ảnh hưởng của cuộc đấu tranh này đã vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia, gây tiếng vang lớn đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Phát huy vai trò tiên phong của giai cấp công nhân
Tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung phát biểu nhấn mạnh: Sài Gòn – Gia Định – TPHCM rất tự hào là nơi có nhiều sự kiện gắn liền quá trình hoạt động của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.
Nhắc lại các phong trào đấu tranh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với những cống hiến xuất sắc của người lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp công nhân và công đoàn Việt Nam; đồng thời học tập Chủ tịch Tôn Đức Thắng để xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam và tổ chức công đoàn Việt Nam không ngừng lớn mạnh.
“TPHCM luôn nhận thức sâu sắc vai trò và trách nhiệm của mình trong sự phát triển vì cả nước, cùng cả nước. Đội ngũ cán bộ đảng viên, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động TP luôn tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; học tập gương chiến đấu, cống hiến hy sinh độc lập tự do của dân tộc của Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người cộng sản kiên trung, tấm gương mẫu mực về đức hy sinh và kiên trung với Đảng với nhân dân. Đó chính là nguồn động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền, cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động và nhân dân TP học tập phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, đổi mới, quyết tâm xây dựng TPHCM xứng đáng với sự cống hiến hy sinh của các thế hệ đi trước và sự kỳ vọng của nhân dân.”- Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung khẳng định.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung phát biểu tại hội thảoKết luận tại hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú đánh giá: Sự nghiệp vinh quang của Chủ tịch Tôn Đức Thắng khởi nguồn từ sự lựa chọn từ sớm, từ đầu và nhất quán hướng đi, con đường đi đúng đắn của cuộc đời mình. Xâu chuỗi, kết nối những mốc quan trọng trong chặng đường tìm chọn con đường cứu nước của Chủ tịch Tôn Đức Thắng có thể thấy rất rõ sự chuyển tiếp rất tự nhiên, bắt đầu từ người thanh niên giàu nhiệt huyết yêu nước, trở thành người công nhân yêu nước, người công nhân quốc tế, người công nhân cách mạng, người cộng sản. Điều kỳ diệu và độc đáo chính là sự tìm chọn, trải nghiệm, khẳng định của cá nhân Chủ tịch Tôn Đức Thắng lại phản ánh và phù hợp với sự vận động khách quan, mang tính quy luật của cách mạng Việt Nam.
Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người cộng sản tiêu biểu của giai cấp công nhân tiên phong. Đồng chí trở thành người công nhân thực thụ, người công nhân chân chính kiên định, vững vàng về lập trường tư tưởng; với tinh thần kiên cường, triệt để trong đấu tranh cách mạng; với ý thức tổ chức kỷ luật cao; với tấm lòng tương thân tương ái và tinh thần quốc tế vô sản trong sáng…
GS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng qua hội thảo này, giúp chúng ta đúc kết những bài học quý từ cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, trong đó có những bài học sát hợp với công nhân và công đoàn. Đó là kiên định và kiên trì phấn đấu thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc; giữ gìn, bồi đắp bản chất giai cấp công nhân; giữ vững lập trường giai cấp công nhân; phát huy vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, giải quyết hài hòa quan hệ giai cấp - dân tộc phù hợp với từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng; gắn bó máu thịt giữa tổ chức công đoàn với công nhân, chú trọng tổ chức, vận động, giáo dục công nhân, lấy việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân làm mục tiêu hành động, làm nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; phát hiện, tham gia đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân uu tú, tạo nguồn phát triển đảng viên, bổ sung vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ công đoàn toàn diện về chính trị, tự trọng, đạo đức, kỹ năng vận động, tổ chức hoạt động thực tiễn để hoàn thành xuất sắc trọng trách trước giai cấp công nhân.