Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính chia sẻ tại Hội nghị (Thanhuytphcm.vn) – Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế do Thành ủy TPHCM vừa tổ chức, nhiều ý kiến đã chia sẻ những kinh nghiệm xây dựng mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế; chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác quốc tế.
Tiên phong xây dựng mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế
Trường Trung học Phổ thông (THPT) Lê Quý Đôn là nơi chủ động tiên phong trong quá trình xây dựng mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế. Năm học 2006 – 2007, nhà trường được chọn thực hiện thí điểm mô hình giáo dục tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế. Từ năm học 2014 – 2015, trường tiếp tục triển khai mô hình “Trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế”. Trường đang phấn đấu tới năm 2025 được công nhận là “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” với nhiều giải pháp thiết thực, đột phá, phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội trong thời đại số.
Chia sẻ một số giải pháp mang tính cốt lõi để xây dựng “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” đối với trường THPT trên địa bàn TP, Thạc sĩ Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn cho rằng, cần chú trọng trang bị, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất và thiết bị dạy học trong nhà trường đạt tiêu chuẩn quốc tế. Cùng với đó là tập trung đào tạo và nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo với những giá trị, yêu cầu và quy chuẩn theo định hướng quốc tế.
Theo Thạc sĩ Bùi Minh Tâm, Trường THPT Lê Quý Đôn cũng xác định 5 giá trị cốt lõi theo tiêu chuẩn của các nền giáo dục phát triển để giáo viên nhà trường thực hiện, nỗ lực thay đổi trong suốt quá trình xây dựng mô hình “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”. Đó là giáo viên tận tâm với học sinh và tận tụy với việc truyền đạt kiến thức. Giáo viên làm chủ môn học, trở thành chuyên gia trong môn học của mình. Giáo viên đề cao trách nhiệm quản lý và hướng dẫn học sinh học tập. Giáo viên cần có suy nghĩ một cách hệ thống về thực tế định hướng nghề nghiệp. Giáo viên trở thành thành viên chủ chốt của cộng động học tập.
Cùng với 5 giá trị cốt lõi, nhà trường đề ra 4 năng lực nhà trường cần có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ theo mô hình có cấu trúc kim tự tháp 4 lớp. Đó là năng lực kiến thức chuyên môn; năng lực phương pháp kỹ thuật; năng lực chuyên gia và tư vấn chuyên sâu; năng lực lãnh đạo và quản lý.
Thạc sĩ Bùi Minh Tâm cũng cho rằng nhà trường cũng đã chủ động xây dựng Chương trình giáo dục nhà trường bám sát nội dung giáo dục phổ thông, tiệm cận chương trình tiên tiến toàn cầu. Những năm học kế tiếp, nhà trường tập trung nguồn lực, đội ngũ để xây dựng và đưa vào giảng dạy các nội dung phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu hoá hiện nay như: Trí tuệ nhân tạo; Trí tuệ cảm xúc; Thiên văn học; Văn hóa và phát triển;… đây là những lĩnh vực như một “làn gió mới” trong công tác giáo dục phổ thông.
Thạc sĩ Bùi Minh Tâm cho rằng việc xây dựng trường THPT với mô hình “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” là hết sức cần thiết trong bối cảnh giáo dục hiện nay. Để thực hiện thành công mô hình trường học mới này, đòi hỏi sự vào cuộc, chung tay, sự lãnh đạo từ các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các nhà quản lý giáo dục và đội ngũ các thầy cô giáo.
Tăng cường vị thế, khẳng định chất lượng đào tạo
Trao đổi về chủ đề chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác quốc tế giúp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định quốc tế nhằm thực hiện nghị quyết số 29-NQ/TW, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc hội nhập và tăng cường hợp tác quốc tế không chỉ là xu hướng mà còn là chìa khóa quan trọng giúp các trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Đại học Quốc gia TPHCM đã luôn chủ động phát huy vai trò tiên phong trong hội nhập quốc tế về chất lượng giáo dục thông qua việc hợp tác chặt chẽ với các tổ chức, cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới trong liên kết đào tạo, trao đổi chuyên gia, phát triển chương trình, trao đổi sinh viên quốc tế. Đặc biệt, việc áp dụng, tuân thủ và đạt được sự công nhận của các tổ chức kiểm định quốc tế không chỉ giúp tăng cường vị thế, khẳng định chất lượng đào tạo mang tầm quốc tế của Đại học Quốc gia TPHCM, thu hút được nhiều giảng viên và sinh viên xuất sắc trên khắp thế giới đến học tập và nghiên cứu mà còn thể hiện rõ nét trách nhiệm giải trình, vai trò nòng cốt, tiên phong, dẫn dắt của Đại học Quốc gia TPHCM trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Thạc sĩ Bùi Minh Tâm phát biểu tại Hội nghị Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính thông tin, Đại học Quốc gia TPHCM mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều đối tác uy tín trên thế giới. Chỉ tính riêng năm 2023, Đại học Quốc gia TPHCM và các đơn vị thành viên, trực thuộc đã ký kết văn bản hợp tác với 438 đối tác quốc tế. Cùng với đó, Đại học Quốc gia TPHCM cũng đẩy mạnh liên kết đào tạo với các đối tác quốc tế, trong đó đang vận hành 80 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, các đối tác đến từ các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến. Đơn vị cũng thu hút một số lượng lớn giảng viên, chuyên gia nước ngoài đến làm việc và giảng dạy nhiều nhất là từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan, Indonesia, Đức và Pháp. Việc giảng dạy chủ yếu cho các chương trình liên kết và chương trình ngôn ngữ.
Về kiểm định chất lượng quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng kiểm định chất lượng quốc tế. Trong đó, 2 trường đại học thành viên và 125 chương trình đào tạo đã đạt chuẩn kiểm định quốc tế. Riêng trong năm 2022-2023, Đại học Quốc gia TPHCM có 43 chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, các yếu tố cốt lõi giúp Đại học Quốc gia TPHCM triển khai hiệu quả công tác kiểm định chất lượng quốc tế là thực hiện đồng bộ và có hiệu quả công tác bảo đảm chất lượng bên trong, tập trung vào các yếu tố cốt lõi như chính sách chiến lược bảo đảm chất lượng; hệ thống, cơ cấu, nguồn lực và phương thức triển khai hoạt động bảo đảm chất lượng. Công tác bảo đảm chất lượng cũng được được lồng ghép với yêu cầu của các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Bảo đảm chất lượng bên trong chính là nền tảng để nâng cao chất lượng đào tạo và triển khai hiệu quả công tác kiểm định chất lượng.
Với những kết quả đã đạt được trong hợp tác quốc tế về giáo dục, đơn vị tiếp tục dẫn đầu cả nước về công tác kiểm định chất lượng quốc tế, liên tục đạt thứ hạng cao trong nhiều bảng xếp hạng đại học quốc tế uy tín như trong Top 951 – 1000 theo bảng xếp hạng QS World 2024 và Top 1501+ theo bảng xếp hạng THE World 2024, đồng hạng 220 theo bảng xếp hạng QS Asia 2024 và thuộc Top 501 – 600 theo bảng xếp hạng THE Asia 2023. Ở các bảng xếp hạng theo ngành, lĩnh vực, Đại học Quốc gia TPHCM tiếp tục là đơn vị dẫn đầu Việt Nam về số ngành, lĩnh vực, nhóm ngành được xếp hạng (14 ngành và 2 nhóm ngành).