Thứ Sáu, ngày 11 tháng 7 năm 2025

Chống lợi ích nhóm, chống co kéo lợi ích cục bộ

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại buổi kiểm tra

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 20/9, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đã kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế.

Xem xét, giảm bớt thủ tục không cần thiết

Truyền đạt ý kiến Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ Y tế có rất nhiều mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành. Quan điểm đặt ra là quản lý tốt, đảm bảo an ninh quốc phòng, đảm bảo sức khỏe người dân nhưng cũng phải tạo điều kiện thông thoáng cho kinh tế đất nước phát triển, tháo gỡ khó khăn cho người dân, tạo thuận lợi trong sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, chống lợi ích nhóm, chống co kéo lợi ích cục bộ, đặc biệt rất lưu ý trong vấn đề bỏ các rào cản, giấy phép con.

Năm 2016, cả nước tốn 30 triệu ngày công cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành với chi phí 14.300 tỷ đồng. Trong kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra chất lượng, hiệu suất năng lượng của Bộ Y tế chiếm 14,7%, kiểm tra an toàn thực phẩm chiếm 17,7% và giấy phép nhập khẩu và các yêu cầu tương đương của là 53,6%. Kiểm dịch thực vật và kiểm dịch động vật, thú y của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiếm 0,7% và 12,2%. Trong 5 danh mục kiểm tra chuyên ngành, Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương làm cho doanh nghiệp tốn 28,793 triệu ngày công và 12.208 tỷ đồng. Với Hải quan, thời gian thông quan với hàng nhập khẩu không quá 50 giờ, hàng xuất khẩu không quá 70 giờ, nhưng cơ quan kiểm tra chuyên ngành quy định thời gian kéo dài rất nhiều so với kiểm tra của cơ quan hải quan.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ ra bất cập trong phương thức kiểm tra chuyên ngành và tổ chức kiểm tra trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng quan tâm nhất, tỷ lệ kiểm tra an toàn thực phẩm là lớn nhất, phức tạp nhất. “Chúng ta đặt vấn đề liên quan đến an toàn sức khỏe nhưng thực chất chúng ta nói một đằng làm một nẻo, kiểm tra không có sản phẩm, không test mẫu hàng hóa, chỉ làm hồ sơ thôi. Hồ sơ đó là doanh nghiệp mang một sản phẩm khác lên Núi Trúc làm (trụ sở Cục An toàn thực phẩm)”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, hiện Bộ Y tế vẫn tiến hành kiểm tra 100% lô hàng nhập khẩu thuộc nhóm an toàn thực phẩm, kể cả hàng các nhóm hàng thuộc đối tượng hàng tạm nhập tái xuất, hàng nhập để nhập khẩu kinh doanh cửa hàng miễn thuế, hàng quà biếu tặng trong định mức miễn thuế, hàng nhập khẩu để gia công, hàng sản xuất để xuất khẩu, hàng bán tại cửa hàng miễn thuế…

Nhắc đến tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là đảm bảo quản lý tốt nhưng vẫn tạo điều kiện thông thoáng cho phát triển kinh tế, tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn và bỏ các rào cản, nhất là vấn đề lợi ích nhóm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Y tế xem xét vấn đề công nhận lẫn nhau, thay đổi phương thức tốt nhất để hàng thông quan, giảm chi phí thuê kho bãi, giải phóng nguồn vốn, đáp ứng sản phẩm nhanh tới người tiêu dùng. Đặc biệt là quy định xác nhận công bố phù hợp quy định về an toàn thực phẩm quy định tại Nghị định 38/NĐ-CP – vấn đề nhiều doanh nghiệp băn khoăn, quan tâm, cần xem xét, giảm bớt thủ tục không cần thiết.

Đề cập đến việc ban hành văn bản hành chính không đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã 3 lần tổ chức đối thoại với doanh nghiệp và ngành hàng, hiệp hội liên quan đến sử dụng muối i-ốt để chế biến thực phẩm. Phó Thủ tướng đã kết luận một bộ phận doanh nghiệp sản xuất thực phẩm vẫn cần sử dụng muối dùng chế biến thực phẩm không chứa i-ốt. Cần có hướng dẫn cụ thể với những dòng sản phẩm thực phẩm không sử dụng muối i-ốt. Tuy nhiên, sau hội nghị, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Y tế lại thừa lệnh Bộ trưởng ký một văn bản ngược hoàn toàn kết luận của Phó Thủ tướng, rằng các doanh nghiệp sử dụng muối trong chế biến thực phẩm để tiêu dùng trong nước có sử dụng muối đều phải sử dụng muối có tăng cường i-ốt!

“Như vậy vấn đề thẩm quyền có đúng không? Đôi khi chúng ta rất coi nhẹ việc đưa ra các văn bản, tạo ra các trói buộc hay nói khác chúng ta không hình dung ra tạo ra bao nhiêu sự kìm hãm cho sự phát triển, tạo ra giấy phép con không cần thiết” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhắc đến những bất cập trong thực hiện cơ chế một cửa quốc gia của Bộ Y tế. Bộ này phải đảm nhiệm 55 thủ tục trong giai đoạn 2016 – 2018. Bộ đã đăng ký thực hiện 27 thủ tục nhưng hai năm 2016 - 2017 mới thực hiện được 5 thủ tục, chiếm 9%, là rất thấp.

Giảm số lượng lô hàng phải kiểm tra trước thông quan

Giải trình của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, theo quy định của Luật An toàn thực phẩm thì thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu phải được cấp “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu” đối với từng lô hàng của cơ quan kiểm tra được chỉ định theo quy định của Bộ trưởng bộ quản lý ngành, như vậy tất cả các lô hàng thực phẩm nhập khẩu phải được kiểm tra trước khi thông quan. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 38/2012/NĐ-CP theo hướng: miễn kiểm tra, kiểm tra giảm đối với từng nhóm hàng cụ thể để giảm bớt số lượng lô hàng phải kiểm tra trước thông quan.

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 52/2015/TT-BYT quy định về việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu và hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, theo hướng áp dụng ba phương thức kiểm tra: giảm, thường, chặt. Việc áp dụng ba phương thức kiểm tra trên đã rút ngắn thời gian kiểm tra, số lượng lô hàng kiểm tra hồ sơ tăng lên. Theo quy định của Thông tư, đối với việc kiểm tra lô hàng, ngoài phương thức kiểm tra giảm là việc chỉ kiểm tra hồ sơ thì phương thức kiểm tra thông thường và kiểm tra chặt chỉ áp dụng trong trường hợp có nghi ngờ khi kiểm tra cảm quan hoặc có cảnh báo của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hoặc của nhà sản xuất thì sẽ chọn một số chỉ tiêu nghi ngờ có trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc theo cảnh báo để kiểm nghiệm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định có những quy định áp dụng theo pháp luật quốc tế và không thể bỏ được việc kiểm tra chuyên ngành vì phải bảo vệ sức khỏe người dân. “Ở đây co kéo hai phía, một phía chia sẻ với doanh nghiệp. Trước cuộc họp này chúng tôi đã nói có thể bỏ tất để doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm, nhưng một số siêu thị, người sử dụng thì phản ánh dứt khoát phải chặt chẽ, nên phải hài hòa, cái nào quan trọng hơn thì để lại”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo