Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Chính phủ đã đồng ý xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 3/6, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023. Lãnh đạo các bộ ngành đã trả lời báo chí nhiều vấn đề mà xã hội đang quan tâm.

Báo chí chất vấn, vừa qua triển khai các dự án nhà ở xã hội, có nhiều đối tượng trung gian, cò mồi đã lợi dụng chính sách để bán nhà ở xã hội cho người dân, làm đẩy giá lên cao. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hệ thống chính sách về nhà ở xã hội đã xác định rõ ràng, công khai, minh bạch tiêu chí người mua nhà, tránh trục lợi chính sách. Mỗi người đủ tiêu chí thì chỉ được mua 1 căn. Tuy nhiên, thời gian qua, một số địa phương có hiện tượng trung gian, cò mồi, lợi dụng sự khan hiếm của nhà ở xã hội để rao mua - bán, trục lợi chính sách, không thực hiện đúng chính sách về nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương có hiện tượng trên rà soát, kiểm tra để có giải pháp chấn chỉnh kịp thời, nếu phát hiện trường hợp bán sai cho người không đúng đối tượng được mua nhà thì phải kiên quyết thu hồi.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải

Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, đến nay, cơ bản đã giải quyết được tình trạng thiếu trang thiết bị y tế liên quan đến thủ tục nhập khẩu.

Đối với vấn đề về thiếu thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm, theo Thứ trưởng, việc thiếu nguồn cung về thuốc chỉ xảy ra đối với một số thuốc chuyên khoa, thuốc hiếm do khó khăn về nguồn cung ứng, không xác định được nhu cầu vì các bệnh ít gặp và không lường trước về thời điểm, số lượng. Ví dụ các thuốc chống độc, giải độc tố (BAT), huyết thanh kháng nọc rắn. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chiến tranh tại châu Âu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đối với một số thuốc như Albumin, Globulin (các thuốc này hầu như nước nào cũng thiếu)… Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã đồng ý xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung, sẽ có trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Đây cũng sẽ là một giải pháp căn cơ để đảm bảo các thuốc đặc biệt hiếm, dùng trong trường hợp khẩn cấp.

Về bảo đảm đủ vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng, Thứ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã rà soát nguồn vaccine gối đầu từ năm 2022 chuyển sang đến nay. Đối với các vaccine sản xuất trong nước, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã cung ứng đủ số lượng vaccine của năm 2022 và gối đầu đến tháng 7/2023. Vaccine viêm gan B, vaccine phòng Lao còn đủ sử dụng đến tháng 8/2023, vaccine viêm não Nhật Bản có thể sử dụng đến hết tháng 9/2023… Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý Bộ Tài chính bố trí kinh phí, ngân sách trung ương năm 2023 mua vaccine theo quy định như những năm trước đây. Hiện Bộ Y tế đã tổng hợp đủ nhu cầu vaccine của 63 tỉnh thành và đã chỉ đạo các đơn vị cung ứng vaccine sẵn sàng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương

Cũng tại họp báo, về vấn đề bảo đảm sách giáo khoa (SGK) cho năm học mới, nhất là những lớp đầu tiên thay sách như lớp 4, 8, 11, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, thiếu SGK nguyên nhân một phần do các địa phương năm nay chọn sách chậm, một phần chờ phê duyệt giá ở một vài địa phương. Đến nay, các địa phương đã phê duyệt đầy đủ các loại sách. Riêng sách dành cho lớp 4, 8, 11 đều là sách mới, đến ngày 2/6 đã tổ chức mở thầu việc in gần 80% số sách, còn khoảng 20% trên cơ sở các địa phương đã báo về đầy đủ để Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam lên kế hoạch tổ chức in. Trong tháng 6, sẽ in đủ 80% và tiếp tục sẽ in hoàn thành để kịp cho năm học mới, đủ sách cho các khối lớp 4, 8, 11. Như vậy sẽ hoàn thành đủ sách cho phổ thông.

Tại họp báo, thông tin về các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy theo phương thức mới như qua đường xách tay hoặc bưu điện quốc tế, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, trong gần 6 tháng qua, lực lượng công an đã phát hiện, khởi tố trên 13.000 vụ án có liên quan đến ma túy, với trên 20.000 đối tượng, thu giữ trên 14.225 kg heroin, 4.023 kg ma túy tổng hợp, 982.039 viên ma túy tổng hợp và 210 kg cần sa. Qua công tác đấu tranh, nổi lên một số hiện tượng như tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trên nhiều tuyến, nhiều địa bàn trọng điểm có sự liên kết chặt chẽ với các loại tội phạm khác. Trong đó nổi lên các đối tượng người nước ngoài câu kết, móc nối với một số đối tượng trong nước để mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Bên cạnh đó là tình trạng người nước ngoài lợi dụng tuyến hàng không để vận chuyển trái phép chất ma túy tại một số sân bay của Việt Nam. Các đối tượng nhập cảnh, quá cảnh để đưa ma túy vào Việt Nam tiêu thụ hoặc đưa sang nước thứ 3. Điển hình như vụ tiếp viên hàng không vừa qua, hiện nay vận chuyển ma túy qua đường hàng không khá phức tạp.Cùng với đó là tình trạng sử dụng ma túy tại các vũ trường, quán bar, nhà cao tầng tại một số địa phương diễn biến phức tạp.

Tới đây, Bộ Công an sẽ tiếp tục tiến hành các chuyên án bắt và chặn nguồn cung, đánh vào tổ chức, đánh vào đường dây kẻ cầm đầu chứ không đánh lẻ tẻ những kẻ vận chuyển; hợp tác với các quốc gia có chung đường biên giới để cùng đánh, chặn tội phạm ma túy từ sớm, từ xa.

Vấn đề được báo chí đặc biệt quan tâm tại họp báo là tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên đang gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và sản xuất của doanh nghiệp. Trả lời về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay, xảy ra tình trạng nắng nóng kỷ lục ở nhiều địa phương, dự kiến tiếp tục kép dài trong 1 thời gian nữa, làm tăng nhu cầu tiêu thụ điện sinh hoạt. Trong khi đó, lưu lượng nước về các hồ thủy điện, đặc biệt ở phía Bắc rất thấp, gây ảnh hưởng đến cung ứng điện trong mùa khô 2023, nhất là trong thời gian qua, khi nguồn than nhập khẩu về chậm hơn nhu cầu cần cho sản xuất điện.

Trước tình hình đó, Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị phải triển khai quyết liệt các giải pháp cung ứng điện trong thời gian nắng nóng. Trong đó có việc tăng sản lượng than cho cấp điện, tăng lượng khí cấp cho sản xuất điện; khẩn trương đưa các nhà máy năng lượng tái tạo vào lưới điện quốc gia để cung cấp điện; đẩy mạnh phong trào tiết kiệm điện trong toàn quốc (đã tiết kiệm được khoảng 20 triệu KW/h/ngày, tương đương với khoảng 2,5% điện năng tiêu thụ hàng ngày). “Thời gian tới, với quy mô tổng công suất đạt 81.500 MW trong khi nhu cầu phụ tải cao nhất là 44.000 MW, nếu bảo đảm các tổ máy không gặp sự cố, vận hành tin cậy và đủ nhiên liệu, đủ nước ở các hồ thì chúng ta có thể khắc phục được tình trạng thiếu điện, bảo đảm điện sinh hoạt và sản xuất”, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo