Mở đầu từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ (23/9/1945) đến ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), quan điểm xuyên suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định, đây là cuộc kháng chiến toàn dân. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh[1] đã thể hiện rõ tư tưởng này:
Hỡi đồng bào, Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu tổ quốc, ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước. Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta! Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm ”.
Xác định nhân dân là chủ thể của cuộc kháng chiến, Đảng ta hết sức coi trọng công tác dân vận để huy động tổ chức lực lượng toàn dân tham gia kháng chiến. Theo đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra 4 bước quan trọng, nhất thiết phải làm trong công tác Dân vận.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp phát triển đến đỉnh cao trong Chiến dịch Điện Biên Phủ thì sức mạnh của nhân dân cũng phát huy đến tột đỉnh. Không chỉ thể hiện số lượng ở người lính tham gia trực tiếp, mà còn là số lượng của những người dân công, hỏa tuyến tham gia gián tiếp, góp phần bảo đảm hậu cần cho chiến dịch. Cụ thể, huy động hơn 87.000 người tham gia chiến dịch, trong đó lực lượng trực tiếp chiến đấu là 53.830 người, dân công phục vụ là 33.000 người. Riêng đội xe đạp thồ đã lên trên 20.000 người, mỗi xe chở được 200-300 kg. Khối lượng vật chất phục vụ chiến dịch lên đến 20.000 tấn, gồm 1.200 tấn đạn, 1.783 tấn xăng dầu, 14.950 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 1.034 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác. Tính chung, dân công chiến dịch đã phục vụ lên đến 12 triệu ngày công.
Sức mạnh này nằm ngoài dự đoán của các cấp chỉ huy quân Pháp vì họ cho rằng Việt Minh không thể nào bảo đảm hậu cần cho một chiến dịch lớn, dài ngày trong các điều kiện phức tạp như vậy. Điều quan trọng là Pháp cũng đã đánh giá sai khả năng pháo binh của ta khi cho rằng đối phương không thể mang pháo lớn (lựu pháo 105mm và pháo cao xạ 37mm) vào Điện Biên Phủ mà chỉ có thể mang loại pháo nhẹ là sơn pháo 75mm trợ chiến mà thôi. Phía ta đã dùng sức người để đưa được lựu pháo 105mm lên các hầm pháo khoét sâu vào các sườn núi từ trên cao có khả năng khống chế rất tốt lòng chảo Điện Biên Phủ mà lại rất an toàn trước pháo binh và máy bay địch.
Các tướng lĩnh của thực dân Pháp đã liên tục bị bất ngờ, choáng váng trước sức mạnh của nhân dân Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến và cả trên chiến trường Điện Biên Phủ. De Castries - người chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ từng thốt lên: “Chúng tôi chỉ có thể đánh bại một đội quân, chứ không thể đánh bại một dân tộc”. Đảng ta đã có công đầu khơi dậy và tổ chức sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam tham gia vào cuộc kháng chiến vĩ đại, khởi nguồn từ niềm tin vào sức mạnh vô địch của nhân dân, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng khẳng định với các tướng lĩnh và các nhà nghiên cứu phương Tây: “đây là cuộc chiến tranh mà chúng tôi biết sẽ chiến thắng ngay từ khi mới bắt đầu!” Đây cũng là điều các chính phủ ở nước Pháp không bao giờ có thể làm được để có thể huy động toàn bộ sức mạnh của nước Pháp tham gia vào cuộc chiến.
Từ thân phận nô lệ của người dân mất nước, Cách mạng Tháng Tám thành công đã đưa nhân dân ta trở thành người làm chủ. Nhân dân ta thấu hiểu giá trị của độc lập, tự do vừa giành được bằng xương, bằng máu của chính mình. Khi thực dân Pháp cướp nước ta lần nữa, nhân dân ta muôn người như một theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác, của Đảng, đã vùng lên chống thực dân Pháp như một trách nhiệm, đương nhiên, phải lẽ của mọi người con dân nước Việt khi Tổ quốc bị xâm lăng, đem tất cả tính mạng, của cải của mình để chống quân Pháp xâm lược, bằng tầm vông vật nhọn, bằng cuốc xẻng, gậy gộc, giáo mác. Từ những đội quân du kích được Đảng, tổ chức lãnh đạo đến giai đoạn cuối cuộc chiến tranh, những đại đoàn chủ lực của bộ đội ta đã hình thành, tiến hành những chiến dịch lớn, dài ngày trên các hướng chiến trường khác nhau, để từng bước làm thất bại các kế hoạch chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Khó khăn lớn nhất khi tác chiến bằng những chiến dịch lớn là khâu bảo đảm vật chất hậu cần. Chỉ có sự ủng hộ của nhân dân tin Đảng, tin vào “bộ đội Cụ Hồ” mới giải quyết được vấn đề khó khăn, phức tạp này. Sự đồng tình của nhân dân đã đưa đến sáng kiến của chính người dân ngay trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Có thể kể ra ví dụ sau:
Sự xuất hiện của “Xe đạp thồ”: Đây là phương tiện vận tải có số lượng đông đảo nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch này, ta đã huy động hơn 21.000 xe đạp thồ làm các nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, thương binh. Để tăng thêm khả năng chuyên chở, lực lượng dân công đã nối một đoạn tre nhỏ và chắc dài khoảng 1m vào ghi-đông xe (gọi là “tay ngai” để điều khiển); buộc một đoạn tre cao hơn yên khoảng 50cm để cầm được buộc vào trục yên xe (có tác dụng vừa giữ thăng bằng vừa đẩy xe đi) và hàn thêm sắt, buộc thêm gỗ vào khung xe, tạo sự chắc chắn. Lốp của xe cũng được quấn thêm vải lự, quần áo cũ, săm cũ… nhằm tăng độ bền. Nhờ các sáng kiến này, trọng tải của xe được tăng dần lên, có thể chở được gần 300kg, hoặc 2 thùng phuy nhiên liệu loại 150 lít, hoặc 15 - 20 can loại 20 lít (thời gian đầu, mỗi xe chỉ chở được 80-100kg). Đặc biệt, 2 xe đạp thồ khi gá lại có thể chở được 2 thương binh nặng (nằm) và 4 thương binh nhẹ (ngồi). Một số xe có đi-na-mô phát điện còn được sử dụng để chiếu sáng cho các thầy thuốc phẫu thuật trong đêm. Loại xe này có lợi thế là không cần nhiên liệu, dễ sửa chữa, ngụy trang và có thể đi lẻ hoặc thành đoàn trong mọi điều kiện thời tiết. So với vận tải bằng gánh gồng, mang vác, xe đạp thồ có năng suất gấp 7-8 lần.
30 năm đổi mới vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã làm nên những thành tựu vĩ đại, mang ý nghĩa lịch sử to lớn. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, “sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, cùng với tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, là thách thức đối với mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng. Thực tiễn đòi hỏi Đảng cần tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo đối với công tác dân vận, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với dân cũng như khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [2].
Để khắc phục những mặt hạn chế, thách thức Đảng ta đã chỉ rõ phải “ Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” 3.
Thực hiện quan điểm nêu trên, cần làm tốt những nhiệm vụ sau đây 4:
Thứ nhất, tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân; làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Thứ hai, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới.
Thứ ba, tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước.
Thứ tư, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập chủ quyền, an ninh chính trị.
Thứ năm, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng để tập hợp nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ sáu, quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ Ban Dân vận, Mặt trận, đoàn thể nhân dân các cấp vững mạnh.
Thứ bảy, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận.
Giữ nước từ khi nước chưa nguy. “Trong có ấm thì ngoài mới êm”. Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ cho chúng ta niềm tự hào to lớn về Cha Ông, mà còn nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm phải lập nên những Điện Biên Phủ mới trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế ngày nay. Củng cố niềm tin vững chắc của Đảng đối với dân – của dân đối với Đảng vẫn là bài học không bao giờ cũ để dẫn đường cho sự nghiệp Cách mạng của Đảng và nhân dân ta đi đến thắng lợi.
1: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946.
2,3,4 : NQ số 25-NQ/TW (3/6/2013) Hội nghị TW7 khóa XI về “ Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
TS. Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Xây dựng Đảng-Trường Cán Bộ TPHCM