Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Chiếc áo của Bác Hồ tặng Trường thương binh hỏng mắt

Đến với Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, khách tham quan thường bồi hồi xúc động khi được nghe kể câu chuyện về ngày Bác Hồ đến thăm Trường thương binh hỏng mắt nhân dịp Tết Bính thân, năm1956 và ngắm nhìn chiếc áo kỷ vật của Bác Hồ tặng nhà trường để làm giải thưởng.

Ngay từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ đã luôn luôn quan tâm chăm sóc tới thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Mặc dù bận rất nhiều công việc lãnh đạo cuộc kháng chiến vô cùng khó khăn gian khổ, nhưng Người vẫn thường xuyên viết thư thăm hỏi anh em thương bệnh binh và gia định liệt sỹ, nhất là vào dịp ngày Thương binh liệt sỹ 27-7 hàng năm.

Khi hoà bình lập lại, Chính phủ mới về tiếp quản Thủ đô chưa được bao lâu, nhưng Người đã giành thời gian đến thăm các thương bệnh binh đang được học tập tại Trường thương binh hỏng mắt nằm trên phố Nguyễn Thái Học, thuộc quận Ba Đình, Hà Nội vào tối 30 Tết Bính Thân (tức là ngày 11-2-1956).

Trường thương binh hỏng mắt đã được thành lập từ trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ở Thanh Hoá. Khi hoà bình lập lại, trường đã được chuyển về Hà Nội để có điều kiện chăm sóc thương binh tốt hơn.

Theo hồi ức của các đồng chí thương binh kể lại thì sau bữa cơm tất niên năm đó, anh em đang quây quần bên nhau ở hội trường để vui liên hoan đón Giao thừa thì mọi người được tin Bác Hồ tới thăm trường. Cả hội trường vui mừng vỗ tay reo hò vui sướng. Bác Hồ xuất hiện và ân cần nói:

- Thôi! Thôi! Các chú đừng hoan hô nữa, mệt sức. Ngồi xuống ghế nghe Bác nói chuyện.

Bác hỏi thăm tình hình sức khoẻ, học tập và chương trình đón Tết của nhà trường. Bác tỏ ý vui mừng vì thấy nhà trường đã làm tốt việc chăm lo sức khoẻ và tổ chức tăng gia và cải thiện đời sống cho anh em. Cũng tại buổi nói chuyện này, Bác đã dặn dò anh em một câu mà giờ đây đã trở thành phương châm của các anh em thương bệnh binh. Bác nói:

- Tại mái trường này các chú đã được học chữ, học nghề để tiếp tục phục vụ nhân dân, như vậy các chú "Tàn mà không phế". Các chú tuỳ theo sức của mình mà học tập và công tác.

Một đồng chí thương binh hỏng cả hai mắt bỗng đứng lên nói:

- Thưa Bác, khi còn sáng mắt, chúng cháu chưa được nhìn thấy Bác mà chỉ nhìn thấy ảnh Bác. Bây giờ chúng cháu đã bị mù, chúng cháu muốn Bác đứng để chúng cháu sờ xem Bác có khoẻ không?

Bác Hồ xúc động đứng lặng hồi lâu, rồi nói:

- Đêm nay giao thừa, Bác phải đi thăm nhiều gia đình có công với cách mạng và các cơ quan khác nữa, ở đây lâu Bác không kịp đi nơi khác được. Thôi, các chú hát cho Bác nghe một bài đi.

Bác giơ tay bắt nhịp cho toàn thể anh em thương binh cùng hát bài "Kết đoàn" vui vẻ. Bài hát kết thúc, Bác tạm biệt anh em ra về.

Ít lâu sau Bác đã gửi tặng nhà trường một chiếc áo may bằng vải ka ki màu ghi, kích thước 54 x 72 (cm), tay áo dài 51 cm. Trên cổ áo khâu mảnh vải sa tanh nhỏ màu đỏ thêu chữ màu vàng: "Quà dâng Bác, nhóm Liên Việt thành phố Hồ Chí Minh kính tặng". Đây là chiếc áo của Hội Liên Việt Sài Gòn - Gia Định đã tặng Bác từ hồi kháng chiến chống Pháp. Bác vẫn giữ gìn cẩn thận và nay tặng cho nhà trường để làm giải thưởng cho học viên có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện. Đồng chí thương binh nặng Phạm Vàng là cá nhân xuất sắc của nhà trường nên đã vinh dự được nhận chiếc áo này.

Hoàng Thảo

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo