Thứ Hai, ngày 30 tháng 12 năm 2024

Chi bộ là một tổ chức lãnh đạo chính trị

Cảnh sát khu vực thông báo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn trong cuộc sinh hoạt định kỳ của Chi bộ Khu phố 15 Phường 5, Quận 11. (Ảnh minh họa)

(Thanhuytphcm.vn) - Báo Nhân dân số 176, từ ngày 6 đến ngày 10/4/1954, đăng bài “Nhiệm vụ của chi bộ ở các cơ quan” của Bác Hồ với bút danh là C.B. Bài viết nêu rõ: “Chi bộ phải là động lực của mỗi cơ quan”, với nhiều nhiệm vụ quan trọng. Bác Hồ cũng khẳng định: "Chi bộ là một tổ chức lãnh đạo chính trị, chứ không phải là một tổ chức hành chính" nhằm nhấn mạnh vai trò và chức năng của chi bộ trong hệ thống chính trị.

Về thực tiễn cũng như lý luận, các chi bộ đều là tổ chức và hạt nhân của Đảng tại các cơ sở, có nhiệm vụ lãnh đạo, định hướng tư tưởng cho các đảng viên, đồng thời lãnh đạo, động viên, nêu gương đối với các quần chúng. Chi bộ có vai trò quan trọng trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng tại địa phương hoặc đơn vị. Đồng thời, chi bộ cũng tiếp nhận các phản hồi từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân về đường lối, chủ trương để phản ánh với Đảng nhằm điều chỉnh, bổ sung hoặc tiếp tục phát huy định hướng đã có.

Ở khía cạnh tổ chức lãnh đạo về mặt chính trị, chi bộ có nhiệm vụ định hướng, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, đảm bảo rằng các quyết sách của Đảng được triển khai hiệu quả tại cơ sở. Điều đó thể hiện qua các khía cạnh chủ yếu:

- Chi bộ quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng đến các đảng viên và quần chúng, từ đó giúp tạo ra sự đồng thuận trong tư tưởng và hành động. Thí dụ, chi bộ phải giúp đảng viên hiểu đầy đủ nội dung, ý nghĩa của Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới, từ đó tiếp tục chú trọng việc tự rèn luyện, tu dưỡng về đạo đức cách mạng cho bản thân và giúp đỡ đồng chí mình thực hiện tốt các yêu cầu theo quy định.

- Chi bộ giáo dục chính trị, tư tưởng cho các đảng viên, giúp mọi người nâng cao nhận thức về Đảng và nhiệm vụ của mình; uốn nắn các nhận thức lệch lạc, chưa phù hợp, chấn chỉnh các sai lầm về nhận thức lẫn hành động. Chẳng hạn, trong chi bộ có ý kiến cho rằng Đảng đang có dấu hiệu ngày càng suy thoái do có nhiều đảng viên là lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật, bị xử lý…, thì phải giải thích và uốn nắn ngay, rằng đó là các sai phạm cá nhân và việc thực hiện kỷ luật nghiêm minh của Đảng nhằm loại ra khỏi tổ chức những đảng viên suy thoái, biến chất, không còn đủ năng lực và phẩm chất để lãnh đạo nhân dân…

- Chi bộ lãnh đạo, quản lý các hoạt động của đảng viên trong đơn vị, đảm bảo mọi người thực hiện đúng nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, cả trong thực hiện nhiệm vụ, đạo đức, lối sống… Thí dụ, chi bộ phải lãnh đạo, quản lý, động viên, tổ chức cho đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của chi bộ, hoàn thành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên, bảo đảm việc nâng cao đời sống của nhân dân…; nếu đảng viên nào chưa thực hiện tốt nhiệm vụ đó thì bên cạnh trách nhiệm của đảng viên còn có trách nhiệm của chi bộ.

- Chi bộ tổ chức các phong trào, hoạt động xã hội, xây dựng kế hoạch và triển khai các chương trình nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng, trong đó có các đảng viên của chi bộ và quần chúng trong địa phương, đơn vị. Chẳng hạn, chi bộ tổ chức thi đua thực hiện các công trình kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhằm phát huy sáng kiến, sự đổi mới, năng động của từng đảng viên, từ đó thúc đẩy sự tiến bộ của các quần chúng…

- Chi bộ kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, của tổ chức đảng, việc chấp hành quy định của pháp luật, việc thực hành tư cách, đạo đức, lối sống, đồng thời biểu dương, đề xuất biểu dương những đảng viên có thành tích xuất sắc. Công tác giám sát, kiểm tra của tổ chức đảng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong hoạt động lãnh đạo như có ý kiến: Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không có lãnh đạo. Do đó, chi bộ phải phát huy vai trò này, từng đảng viên cũng thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát của mình theo quy định để góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của chi bộ.

- Chi bộ đóng vai trò cầu nối giữa Đảng với quần chúng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân và phản ánh lên các cấp lãnh đạo, nhằm bảo đảm các chủ trương, quyết sách của Đảng sát đúng với thực tế và phù hợp với mong mỏi của người dân, cũng như góp phần bảo đảm mọi đường lối, chính sách đều là “ý Đảng, lòng dân”. Với đặc thù sát cơ sở, gần với dân, chi bộ có nhiều điều kiện để lắng nghe tâm tư, phản ánh của nhân dân và chọn lọc các hạt nhân hợp lý để đề xuất với cấp ủy cấp trên.

Như vậy, chi bộ phải tập trung vào các hoạt động nâng cao tư tưởng chính trị, nhận thức của đảng viên và quần chúng, thông qua công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng lòng tin và sự đoàn kết, thống nhất trong tổ chức.

Câu nói trên của Bác Hồ còn khẳng định rằng chi bộ không có chức năng và nhiệm vụ như các cơ quan hành chính nhà nước. Bởi chi bộ không phải tổ chức hành chính nên không thực hiện các chức năng quản lý hành chính hay thực thi công vụ như các cơ quan nhà nước. Dù tổ chức đảng nói chung và chi bộ nói riêng có hoạt động hành chính (như thực hiện các văn bản, hồ sơ, xây dựng các quy định trong tổ chức đảng…) nhưng hoạt động đó nhằm giải quyết các vấn đề hành chính trong Đảng chứ không có chức năng quản lý hành chính. Do đó, chi bộ không thể đề ra nội quy cơ quan, không thể yêu cầu đảng viên mặc đồng phục…

Một cuộc sinh hoạt định kỳ của Chi bộ Khu phố 1 Phường 11, Quận 8. (Ảnh minh họa) Một cuộc sinh hoạt định kỳ của Chi bộ Khu phố 1 Phường 11, Quận 8. (Ảnh minh họa)

Vì chi bộ không thực hiện các công việc quản lý hành chính nên không thể ra mệnh lệnh mà phải thực hiện hoạt động lãnh đạo bằng các phương thức phù hợp, trong số các phương thức: lãnh đạo bằng đường lối, chủ trương, chính sách; lãnh đạo, chỉ đạo việc thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, đường lối thành kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện; lãnh đạo bằng công tác chính trị, tư tưởng; lãnh đạo thông qua công tác cán bộ và vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên; lãnh đạo bằng công tác kiểm tra; lãnh đạo thông qua công tác cán bộ…

Hiện nay, về cơ bản, các chi bộ đã thực hiện đúng vai trò, chức trách của mình. Nhưng đây đó, vẫn còn có chi bộ, bí thư, cấp ủy viên chưa nhận thức đầy đủ nhiệm vụ của chi bộ, khi còn thể hiện tính chất của một tổ chức hành chính nhà nước. Điều đó nếu không được chấn chỉnh kịp thời có thể trở nên xa rời vai trò lãnh đạo mà sa vào sự vụ, sự việc với các công việc cụ thể, giẫm hoặc lấn sang hoạt động của tổ chức hành chính. Vì vậy, cấp ủy cấp trên phải thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của cấp ủy và chi bộ cấp dưới để kịp thời uốn nắn, điều chỉnh. Đồng thời, mỗi đảng viên cần phát huy vai trò của mình để góp ý kiến, phản ánh những biểu hiện chưa phù hợp của bí thư, cấp ủy tại chi bộ của mình.

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo