Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Cần sửa đổi Luật BHXH theo hướng không hạn chế quyền, tăng quyền lợi cho người đóng

ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM)

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 6/6, trong phiên chất vấn với lĩnh vực lao động-thương binh và xã hội (LĐTB-XH) đối với Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục tranh luận về vấn đề nóng: tình trạng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) chất vấn và tranh luận lại với Bộ trưởng về giải pháp xử lý tình trạng rút BHXH một lần. ĐB cho rằng, làn sóng rút BHXH một lần trong công nhân lao động thời gian qua không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt tăng cao khi có thông tin Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội phương án sửa Luật BHXH. Theo ĐB, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng quan trọng nhất là sự bất an đối với sự ổn định của chính sách.

Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trước năm 2019, số rút BHXH bình quân một năm khoảng 500.000 trường hợp, đến năm 2023, con số này tăng lên thành gần 900.000. Nếu tình trạng rút BHXH một lần không giảm, thì có nguy cơ khó đảm bảo an sinh xã hội cho người già, người đến tuổi về hưu, hệ thống chính sách an sinh xã hội khó đảm bảo tính bền vững.

Bàn về nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng cho biết là do thu nhập của người lao động ở mức thấp, cơ chế rút BHXH một lần còn quá dễ dàng, quyền lợi khi rút BHXH một lần ở mức cao, công tác tuyên truyền về vấn đề này cũng chưa được thực hiện hiệu quả. Do đó, Bộ trưởng cho rằng, cần sửa đổi Luật BHXH theo hướng không hạn chế quyền, tăng quyền lợi cho người đóng. Tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ bàn các phương án khác nhau để có những quy định xử lý vấn đề rút BHXH một lần hiệu quả nhất.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, quan trọng là làm sao cải thiện đời sống người lao động là sâu xa nhất. Việc ồ ạt rút BHXH một lần còn do truyền thông chưa tốt, chưa đầy đủ thông tin tuyên truyền đến người lao động, nếu làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để người lao động hiểu rõ thì có lẽ mức độ sẽ không nhiều như vừa qua.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Về sửa Luật BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, cần tính tổng thể các chính sách liên quan đến bảo hiểm, nếu tiếp tục đóng 20 năm thì người lao động không đợi được, nhất là ở những ngành lĩnh vực ngành thâm dụng lao động. Quan điểm của Bộ là giảm xuống 15 năm hoặc 10 năm theo thông lệ quốc tế, tương ứng là đóng ít hưởng ít, bên cạnh đó nguyên tắc chia sẻ có nguyên tắc đóng hưởng và bình đẳng.

Về chậm, trốn đóng BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết số chậm đóng khoảng hơn 3.000 tỷ đồng. Số người bị ảnh hưởng do chậm đóng đều được kết nối để giải quyết chính sách theo đúng quy định. Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng cần sửa luật, quy định hành vi để xử phạt nghiêm minh. Bộ trưởng cho biết, nếu chậm đóng 1 tháng đã bị phạt, thông thường chậm đóng do kiểm tra thu chi của các cơ quan quản lý chưa đến nơi đến chốn. Thời gian tới các cơ quan sẽ tăng cường kiểm tra, tuy nhiên, điều lo ngại nhất là việc trốn đóng bảo hiểm.

ĐB Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn, qua kết quả giám sát, nhiều địa phương đã có tình trạng thu BHXH bắt buộc đối với các chủ hộ kinh doanh cá thể trong khi các đối tượng không thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm bắt buộc. Điều này cho thấy cơ quan BHXH đã không thực hiện đúng với quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các đối tượng liên quan. ĐB đề nghị làm rõ có tiêu cực trong thu BHXH hay không?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc thu BHXH bắt buộc đối với hộ kinh doanh cá thể là sai về chủ trương. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan tổ chức thực hiện là BHXH Việt Nam, đặc biệt là BHXH của các địa phương. Bộ đã làm việc với BHXH Việt Nam và có văn bản chấn chỉnh việc này. Hiện phần lớn các vướng mắc đã được các địa phương linh hoạt xử lý với chủ hộ kinh doanh, nhiều trường hợp đồng ý chuyển sang đóng bảo hiểm tự nguyện, nhiều trường hợp đề nghị thoái thu, có những trường hợp đề nghị chuyển sang bảo hiểm bắt buộc. Còn về số liệu cụ thể, tính đến năm 2016, qua kiểm tra của Ban Kinh tế Trung ương cho thấy, có địa phương báo cáo là 62 trường hợp, nhưng kiểm tra thực tế chỉ còn 8 trường hợp, như vậy đã giải quyết về căn bản. Về câu hỏi của ĐB có tình trạng tiêu cực hay không, Bộ trưởng cho biết chưa phát hiện được tiêu cực nhưng việc thu này là sai về chủ trương, cần phải xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Về thực trạng thu nhập, đời sống, việc làm của người lao động, nhất là khu công nghiệp, khu chế xuất, giải pháp căn cơ cho vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, thu nhập bình quân của người lao động quý I/2023 là 7,9 triệu đồng, tăng 2,6 % so với quý IV/2022. Bộ trưởng nhận xét, các doanh nghiệp đã cố gắng; doanh nghiệp, người lao động cũng san sẻ, chia sẻ với phương châm phát triển cùng hưởng, khó khăn cùng sẻ chia. Tuy nhiên, có thể thấy lương và thu nhập của người lao động còn thấp, đời sống còn khó khăn, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là lao động nữ. Giải pháp cho vấn đề này cũng được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu ra, đó là tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập của đời sống. Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động. Chăm lo đời sống phúc lợi, thiết chế, nhất là các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục dành cho phụ nữ, người thân trong gia đình. Tăng cường kết nối giới thiệu việc làm, liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp, đào tạo… Về băn khoăn của ĐB đánh giá tình trạng thất nghiệp (2,25%) có sát với tình hình thực tế, Bộ trưởng khẳng định, việc đánh giá hoàn toàn khách quan và khoa học, dựa trên những tiêu chí cụ thể của quốc tế đưa ra.

ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, khó khăn của doanh nghiệp và người lao động hiện đang gặp phải hiện nay còn khó khăn hơn cả giai đoạn dịch Covid-19. Vậy có cần gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động như đã hỗ trợ trong giai đoạn Covid-19 hay không? Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, cơ quan tham mưu đang đánh giá kỹ thực trạng tình hình, dự báo chính xác tình hình từ nay đến Tết và năm 2024 để có chính sách dài hạn và ngắn hạn. Bộ trưởng cũng chia sẻ cá nhân mình không có thẩm quyền nói ngay, quyết ngay chính sách lúc này mà trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, các chính sách đó ở mức độ nào tung ra lúc nào sẽ do cấp có thẩm quyền xem xét.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo