Thứ Ba, ngày 15 tháng 7 năm 2025

Cần quy định tất cả các thủ tục, trình tự đấu giá, tài sản đấu giá, giá khởi điểm

Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP Văn Thị Bạch Tuyết điều hành hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 4/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì hội thảo.

Dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu giá tài sản, như: quy định về Cổng đấu giá tài sản quốc gia và việc tăng cường trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong xây dựng, quản lý, vận hành Cổng đấu giá tài sản quốc gia; tăng cường bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá bằng hình thức trực tuyến; thông báo công khai Quy chế cuộc đấu giá; thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; thông báo đấu giá tài sản; thông báo thay đổi địa điểm tổ chức cuộc đấu giá trước khi hết hạn nộp hồ sơ tham gia đấu giá và tiền đặt trước trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia...

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, Luật Đấu giá tài sản quy định trình tự, thủ tục chung áp dụng đối với tất cả các loại tài sản phải bán theo quy định của pháp luật đã tạo tính thống nhất, chặt chẽ trong hoạt động đấu giá; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đấu giá tài sản phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đấu giá tài sản đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Pháp luật về đấu giá tài sản còn một số quy định chưa chặt chẽ về trình tự, thủ tục, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan; chất lượng của đội ngũ đấu giá viên vẫn còn hạn chế, bất cập; chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn chưa có hiệu quả, tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp; cơ chế kiểm soát việc đấu giá còn bộc lộ một số vướng mắc,... Do đó, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản là thật sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Các đại biểu cũng cho rằng, cơ quan chủ trì xây dựng Dự thảo Luật cần rà soát, thống nhất với Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Thương mại năm 2005 và các quy định của pháp luật về thương mại điện tử. Theo đó, người có tài sản bán đấu giá có quyền tự đấu giá hoặc lựa chọn hình thức thuê tổ chức đấu giá thực hiện việc bán hàng hóa công khai để chọn người mua trả giá cao nhất. Bên cạnh đó, bảo đảm ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động đấu giá; thúc đẩy xã hội hóa hoạt động đấu giá, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Góp ý về xử lý quyền lợi của người đã nộp tiền đặt trước mà có sự thay đổi thông tin của cuộc đấu giá, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM Ung Thị Xuân Hương cho rằng, dự thảo hiện chưa quy định đầy đủ về việc xử lý quyền lợi của người đã nộp tiền đặt trước mà có sự thay đổi thông tin của cuộc đấu giá. Điều 37 của Dự thảo quy định trường hợp thay đổi địa điểm đấu giá sau khi hết hạn nộp hồ sơ. Theo đó, nếu thay đổi địa điểm đấu giá vì lý do khách quan sau khi hết hạn nộp hồ sơ và tiền đặt trước, chỉ cần thông báo với người đã đăng ký tham gia và nộp tiền đặt trước, không cần được sự đồng ý của những người này. “Quy định này gây rủi ro cho những người đã nộp tiền đặt trước nhưng do thay đổi địa điểm nên không thể tham gia đấu giá, dẫn đến mất tiền đặt trước” – đồng chí Ung Thị Xuân Hương nhấn mạnh.

Theo khoản 3 Điều 39 của Luật Đấu giá chỉ quy định trường hợp có sự thay đổi về giá khởi điểm, số lượng, chất lượng tài sản, người tham gia đấu giá có quyền từ chối tham gia và nhận lại tiền đặt trước. Các trường hợp thay đổi nội dung khác của cuộc đấu giá như thay đổi thời gian đấu giá, hoặc thay đổi Quy chế đấu giá chưa được quy định.

Với các lý do đó, đồng chí Ung Thị Xuân Hương đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng, mọi sự thay đổi thông tin tại Khoản 4 Điều 57 phải được sự đồng ý của những người đã nộp tiền đặt trước. Trong trường hợp người đã nộp tiền đặt trước không đồng ý với sự thay đổi đó, có quyền lấy lại tiền đặt trước.

Góp ý về xử lý tình huống đấu giá không thành, một số ý kiến cho rằng, hiện nay, trong trường hợp đấu giá không thành. Theo ý kiến của đại biểu, mỗi loại tài sản có cách xử lý khác nhau. Đối với tài sản thi hành án, khoản 5 Điều 104 của Luật Thi hành án dân sự cho phép mỗi lần đấu giá sau sẽ được giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá trước đó. Trong khi đó, các loại tài sản khác lại không được áp dụng cơ chế này, mà vẫn phải đấu giá lại với giá khởi điểm giữ nguyên. Điều này có thể khiến việc xử lý tài sản này kéo dài không hiệu quả. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tổng kết kinh nghiệm của việc giảm giá 10% của tài sản thi hành án, nếu phù hợp có thể áp dụng rộng rãi cho các loại tài sản khác.

Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM Ung Thị Xuân Hương góp ý Luật tại hội thảo Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM Ung Thị Xuân Hương góp ý Luật tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, hiện nay quy định về thù lao dịch vụ đấu giá tài sản tại Thông tư số 45/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính về khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại Luật Đấu giá tài sản và Thông tư số 108/2020/TT- BTC của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính về khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại Luật Đấu giá tài sản, quy định khống chế mức tối đa 400 triệu đồng/ 1 hợp đồng, đã tạo nhiều hạn chế bất lợi cho các tổ chức đấu giá tài sản, không khuyến khích các tổ chức đấu giá tài sản đấu giá được giá thành cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, điều chỉnh khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản phù hợp với tình hình thực tế và quy luật thị trường hiện nay trong lĩnh vực đấu giá tài sản, khuyến khích các tổ chức đấu giá tài sản đấu giá được giá thành cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm.

Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị cần quy định tất cả các thủ tục, trình tự đấu giá, tài sản đấu giá, giá khởi điểm,... đều phải bảo đảm được thông tin đến Cổng đấu giá tài sản quốc gia. Trường hợp thiếu sót bất cứ thông tin, thì là căn cứ để hủy bỏ kết quả đấu giá. Quy định vấn đề này cực kỳ quan trọng để tăng cường quản lý Nhà nước về đấu giá, bảo vệ và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản bị đấu giá.

Bên cạnh đó, cần quy định về giờ làm việc tại tổ chức hành nghề đấu giá và tại cuộc đấu giá vì việc thông báo cụ thể về giờ làm việc sẽ góp phần hạn chế tiêu cực trong việc nộp hồ sơ, trong quá trình bắt đầu và kết thúc cuộc đấu giá. Ngoài ra, quy định về nghi thức đấu giá như truyền thống của hoạt động đấu giá, như nghi thức ở một số nước vì nghi thức sẽ tác động tâm lý và tăng cường tính quan trọng của việc đấu giá tài sản.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo