Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Cần nâng cao chất lượng điều tra và kịp thời phong tỏa tài sản tham nhũng

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, ngày 20/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án. Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình chịu trách nhiệm trả lời chính. Có 35 đại biểu (ĐB) Quốc hội đăng ký phát biểu, 29 ĐB đặt 50 câu hỏi, 6 ĐB phát biểu tranh luận.

Trả lời chất vấn các ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận), Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong số các tồn tại của ngành tòa án hiện nay, vẫn còn một số tình trạng như án hành chính chưa được thực thi, hoặc thực thi không nghiêm túc, vẫn còn tình trạng nể nang, tuy nhiên số lượng không nhiều, đại đa số các đồng chí trong ngành đều chấp hành nghiêm, xử lý đúng theo các quy định pháp luật. Chánh án TANDTC cho rằng, để hạn chế tình trạng cả nể, nâng cao chất lượng xét xử án hành chính, cần thực hiện: đối với vụ án kiện ở huyện thì giao tỉnh xử lý, vụ án của tỉnh thì giao tòa chuyên biệt xử.

Đáng chú ý, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang đề xuất đưa các tranh chấp đất đai sang Tòa án giải quyết. Chánh án TANDTC cho rằng, nếu đưa hết khiếu kiện sang tòa án là đã giới hạn lựa chọn của người dân, trong khi đó, nếu có lựa chọn cho UBND giải quyết thì nhiều trường hợp sẽ đảm bảo được yêu cầu về tiến độ giải quyết hơn. Do đó, Chánh án TANDTC đề nghị cân nhắc, không đưa hết các khiếu kiện đất đai sang Tòa án như trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đối với câu hỏi làm cách nào nâng cao chất lượng xét xử, Chánh án TANDTC cho biết, so với khối lượng công việc, biên chế của Tòa án hiện nay rất ít. Điều này tạo nên áp lực đối với hệ thống Tòa án, ảnh hưởng chất lượng xét xử. TANDTC mong muốn Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền xem xét việc này, đảm bảo vấn đề biên chế cho Tòa án.

ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) chất vấn, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều cán bộ, thẩm phán vi phạm pháp luật. Theo báo cáo của TANDTC, từ năm 2021 đến nay có 106 trường hợp cán bộ, công chức ngành toán đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 7 trường hợp tham nhũng và tiêu cực. ĐB đề nghị Chánh án cho biết trách nhiệm của mình về các nội dung trên, đồng thời làm rõ những giải pháp căn cơ về công tác đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng chất vấn về trách nhiệm của Chánh án TANDTC và cán bộ lợi dụng chức quyền tham nhũng, tiêu cực trong thi hành công vụ?

Phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/3 Phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/3

Trả lời, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, cho biết ngành tòa án không bao che và tất cả các thẩm phán vi phạm đều bị xử lý nghiêm với nguyên tắc không có vùng cấm. TANDTC cũng ban hành bộ quy tắc cho thẩm phán, đã được giảng dạy trong trường của hệ thống toà án. Các trường hợp vi phạm, ngành tòa án chủ động chuyển cho cơ quan thanh tra, điều tra chứ không bao che.

Vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng cũng được nhiều ĐB quan tâm. Trả lời nội dung này, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, qua tổng kết, 10 năm chúng ta thu được 40% số tài sản tham nhũng. Để nâng cao hơn nữa, chỉ thu hồi những tài sản tham nhũng nếu quá trình tố tụng các cơ quan chứng minh được tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Muốn thu hồi được thì công tác chứng minh phải rất chất lượng. Do đó cần nâng cao chất lượng điều tra và kịp thời phong tỏa tài sản. Theo Chánh án, tham nhũng là tội đặc thù nên bên cạnh chứng minh tài sản tham nhũng còn phải tăng nghĩa vụ giải trình của nghi can, nếu như nghi can có tài sản mà không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp tài sản đó thì bị coi là tham nhũng. Nếu Việt Nam làm được điều này như các nước thì việc thu hồi tài sản tham nhũng trong tương lai rất cao.

Nói thêm về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng cho rằng, đây là nhiệm vụ trọng tâm. Thời gian tới, cần tăng cường bám sát, thực hiện tốt chỉ thị của Ban Bí thư, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung vào các vụ án lớn đang được xã hội quan tâm, thường xuyên báo cáo Chính phủ để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ này. Đồng thời, Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan dân cử, đoàn ĐBQH tăng cường quá trình giám sát để tập trung vào việc này; hạn chế tẩu tán, dấu các tài sản tại các vụ tham nhũng, vụ án kinh tế.

Kết thúc nội dung chất vấn đối với lĩnh vực tòa án, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, phiên chất vấn Chánh án TANDTC diễn ra với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao. Với tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực quản lý đã từng có kinh nghiệm trả lời chất vấn nhiều lần nên Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã trả lời rõ ràng, đúng trọng tâm câu hỏi của đại biểu, giải trình cụ thể những vấn đề đại biểu quan tâm tranh luận. Chánh án cũng nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành Tòa án trong thời gian tới, nhất là tập trung vào các khâu, nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của ngành Tòa án.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo