Tại tọa đàm, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, hiện nay tình hình kinh tế còn khó khăn, có thể kéo dài đến năm 2024. Tuy nhiên, kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi. Cụ thể, trong bối cảnh chung của quốc tế, Việt Nam có nhiều điểm tích cực. Đó là nỗ lực chống chịu của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, nỗ lực lớn của Chính phủ,… nhằm tạo niềm tin “Chính phủ đồng hành, chia sẻ gỡ khó cho doanh nghiệp ".
Trước thực tế hiện nay, TS Trần Du Lịch kiến nghị cần tháo gỡ các điểm nghẽn đến nơi đến chốn, trong đó Ngân hàng Nhà nước cần rà lại tất cả các gói tín dụng. Theo TS Trần Du Lịch, yêu cầu mang tính thời đại là phải chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Do vậy, kiến nghị cần có đạo luật chuyển đổi xanh để không lỡ mất cơ hội.
Cũng theo TS Trần Du Lịch, nếu trước Covid-19, tình hình có khó khăn nhưng trong bối cảnh thế giới chung hiện nay, Việt Nam có nhiều cơ hội. Vì vậy, cần tận dụng cơ hội khi doanh nghiệp còn sức lực, còn chống chịu được. Tập trung tháo gỡ vướng mắc thị trường bất động sản ở cả cung và cầu, bởi lĩnh vực này có tác động tới nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế; cần củng cố thị trường tài chính để tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế. TS Trần Du Lịch cũng cho rằng, năm nay có thể không đạt mục tiêu nhưng quan trọng là thể chế chính sách tạo được nền tảng cho tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Thị Kim Ngọc, hiện nay, tình hình kinh tế khó khăn, việc tiêu dùng nội địa và thương mại nội địa đang đóng vai trò quan trọng, trong đó là một trong 3 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng năm 2023. Trong thời gian tới, TPHCM sẽ chú trọng các nội dung về giá cả hàng hóa, lưu thông hàng hóa trên thị trường, lượng hàng bình ổn thị trường nhất là phục vụ Tết 2024. Bên cạnh đó, Sở Công thương TP sẽ tập trung tổ chức các chương trình khuyến mại, thực hiện các chương trình, kết nối cung cầu, trong đó đặc biệt chú ý liên kết vùng để tạo nguồn hàng hóa dịp cuối năm, bảo đảm chất lượng hàng hóa, làm sao đem chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng. Ngoài ra, cũng tham mưu nhiều chương trình kích cầu, tổ chức các hội chợ, triển lãm để các doanh nghiệp giới thiệu nguồn hàng trong nước và quốc tế.
Chia sẻ những khó khăn của ngành dệt may của Việt Nam, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại TPHCM (Vitas) Nguyễn Thị Tuyết Mai cho rằng, năm 2023, ngành dệt may cực kỳ là khó khăn do các thị trường quốc tế giảm tiêu dùng cho quần áo may mặc, giá thành nguyên liệu tăng… trong khi doanh nghiệp hầu hết lệ thuộc vải nhập khẩu. Một khó khăn nữa là toàn thế giới chuyển sang xu thế phát triển bền vững nên những cam kết về môi trường, lao động rất khắt nghiệt.
Để ngành dệt may Việt Nam vượt qua khó khăn, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết, Vitas khuyến nghị các doanh nghiệp thành viên cần phải chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc… Bên cạnh đó, trong vấn đề môi trường, yêu cầu của các thị trường tiêu thụ, nhãn hàng buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… khiến giá thành sản xuất tăng.
Ngoài ra, cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên đa dạng hóa mặt hàng; doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Theo đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Mai, ngành dệt may có tới 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ nên gặp khó khăn trong chuyển đổi số nhưng đó là việc buộc phải làm. Có thể bắt đầu bằng việc sử dụng các phần mềm thiết kế 3D, chủ động chọn vải để bán với giá cao hơn hoặc quản trị số giúp giảm rủi ro, gia tăng hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, triển khai các giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp…
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Mai phát biểu tại tọa đàm. Trao đổi những giải pháp hỗ trợ thúc đẩy thị trường bất động sản, TS Huỳnh Phước Nghĩa, Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, thời gian qua Nhà nước đã triển khai khá đầy đủ các chính sách để hỗ trợ và thúc đẩy thị trường bất động sản. Vì vậy, để phát triển, nhìn ở góc độ nhà đầu tư cá nhân, cần phải chấp nhận sự điều chỉnh của thị trường.
Theo TS Huỳnh Phước Nghĩa, bất động sản phải gắn liền với sự phát triển đô thị và công nghiệp. Hiện phát triển đô thị vẫn còn hấp dẫn, Việt Nam cũng cần nhiều khu công nghiệp nên còn dư địa cho phân khúc này phát triển. Do vậy, cần cơ cấu lại phân khúc bất động sản nhà ở để phát triển bền vững; tiếp tục phải hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, các đại biểu cho rằng, đừng ra nghị quyết chung, cách tiếp cận là cắt bỏ, chứ không phải đơn giản hóa. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ cần liệt kê ra khỏi 5-10 vấn đề đang là bức xúc nhất, cản trở nhất của người dân và doanh nghiệp và giao cho đơn vị cụ thể, tạo áp lực để giám sát, cải thiện để thay đổi.
Tại tọa đàm, Tổng Biên tập báo Người Lao Động Tô Đình Tuân cho rằng, các đại biểu đã chia sẻ các giải pháp lớn từ đây đến hết 2023, 2024 và tầm nhìn đến 2025 như: tập trung là tháo gỡ điểm nghẽn về vốn, cơ chế chính sách để khơi thông nguồn vốn, sao cho dòng vốn luân chuyển để doanh nghiệp tiếp nhận và phát triển; tập trung xây dựng hành lang pháp lý về chuyển đổi xanh; tăng cường xuất khẩu, mở mới thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phục hồi và phát triển du lịch, đặc biệt là tại những TP lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng vì đây là ngành công nghiệp chủ lực để kích thích các ngành khác. Ngoài ra, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để góp phần kích thích nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới; tiếp tục thúc đẩy thu hút đầu tư FDI; cần sớm khôi phục thị trường bất động sản để kích thích các ngành kinh tế khác phát triển theo…