Đã giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của một bộ phận người thu nhập thấp
Báo cáo tại kỳ họp, Giám đốc Sở Xây dựng TP Trần Hoàng Quân cho biết, từ khi Luật Nhà ở ra đời đã tiếp tục nới rộng các điều kiện để được hưởng chính sách nhà ở xã hội, diện tích bình quân hiện trạng nhà ở nhỏ hơn 10m2 sàn/người; Chính phủ đã có gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho các chủ đầu tư vay để thực hiện dự án nhà ở xã hội và người dân vay để mua nhà ở xã hội… Kết quả, giai đoạn 2016 – 2020 là giai đoạn nhà ở xã hội tại TP phát triển mạnh mẽ, đã có 19 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn này, cung ứng cho thị trường 1,23 triệu m2 sàn, tương ứng 14.954 căn hộ; 1 dự án nhà lưu trú công nhân, tổng diện tích đất 7,0 ha, quy mô 1.449 phòng, đáp ứng 7.596 chỗ ở cho công nhân.
“Kết quả phát triển nhà ở xã hội của TP trong thời gian qua mặc dù chưa thể đáp ứng hết nhu cầu rất lớn về nhà ở của các nhóm đối tượng có nhu cầu về nhà ở xã hội, nhưng đã giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của một bộ phận người thu nhập thấp và cán bộ công chức, viên chức có khó khăn về nhà ở trên địa bàn TP”- đồng chí Trần Hoàng Quân nhấn mạnh.
Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, đồng chí Trần Hoàng Quân cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp 3.208 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà ở xã hội thuộc 6/20 dự án nhà ở xã hội đã xây dựng hoàn thành, đạt tỷ lệ 21,45% trên tổng số 14.954 căn hộ; còn 1.309 căn hộ đang giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi có đề nghị của chủ đầu tư và người mua nhà.
Quang cảnh phiên giám sát tại kỳ họp. Về phương hướng đến năm 2025, đồng chí Trần Hoàng Quân cho biết, TP phấn đấu hoàn thành các thủ tục pháp lý đầu tư xây dựng khoảng 35.000 căn nhà ở xã hội tưng ứng 2.5 triệu m2 sàn. Trong đó, phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 12.000 căn với tổng mức đầu tư khoảng 11.500 tỷ đồng, tương đương 1,15 triệu m2 sàn.
Về đầu tư, đồng chí Trần Hoàng Quân cho biết, sở tham mưu ban hành quy trình giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo quy định của pháp luật; Cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi, thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản tham gia và triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tạo nguồn cung cho thị trường…
Đồng chí Trần Hoàng Quân cho biết, TP sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương có ý kiến hướng dẫn cụ thể liên quan đến các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện, cụ thể kiến nghị Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng để các địa phương triển khai thực hiện theo hướng cắt giảm hoặc liên thông các thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng…
Ngoài ra, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá phù hợp, nhà ở cho thuê, nhằm tạo thêm nguồn cung về nhà ở cho các đối tượng công nhân người lao động có thu nhập thấp; Bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, cho các doanh nghiệp vay để đầu tư phát triển nhà ở xã hội…
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Vân báo cáo tại kỳ họp. Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Báo cáo của đoàn giám sát HĐND TPHCM, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Thị Thanh Vân đánh giá UBND TP, các sở, ban - ngành, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức đã có nhiều giải pháp triển khai thực hiện các nội dung, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội tăng thêm trên địa bàn TP theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở TP. Các dự án phát triển nhà ở xã hội của TP trong thời gian qua mặc dù chưa thể đáp ứng hết nhu cầu rất lớn về nhà ở của các nhóm đối tượng có nhu cầu về nhà ở xã hội, nhưng đã giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của một bộ phận người dân có thu nhập thấp và cán bộ, công chức, viên chức có khó khăn về nhà ở trên địa bàn TP…
Đối với các chương trình cho vay vốn ưu đãi về nhà ở xã hội, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Vân cho biết, theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP được triển khai rộng rãi, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm, thời hạn cho vay dài 25 năm và mức cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc mức cho vay tối đa không quá 900 triệu đồng nhưng không quá 70% giá trị căn hộ, lãi suất ưu đãi 4,7%/năm với thời hạn vay 20 năm từ Quỹ Phát triển nhà ở TP, có thể nói nguồn vốn từ chương trình đã giúp nhiều gia đình chính sách, công chức, viên chức, người có thu nhập thấp… có điều kiện được mua, thuê mua nhà ở xã hội, góp phần ổn định cuộc sống và an tâm làm việc.
Đoàn giám sát HĐND TP kiến nghị HĐND TP đề nghị UBND TP khẩn trương rà soát, điều chỉnh Quyết định số 4151/QĐ-UBND của UBND TP về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021 – 2025, trong đó cần rà soát kỹ danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để làm cơ sở phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật nhà ở. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025 với chỉ tiêu dự kiến phát triển thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn xây dựng, tương đương khoảng 35.000 căn hộ…
Đồng chí Phạm Thành Kiên điều hành giám sát chuyên đề Bên cạnh đó, chấn chỉnh, khắc phục các thiếu sót trong công tác rà soát, tổng hợp, báo cáo số liệu dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP, đảm bảo sự thống nhất, chính xác và đầy đủ về số liệu phát triển và quản lý nhà ở xã hội, làm cơ sở để thực hiện việc đánh giá toàn diện, chính xác trong tổ chức triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, trong đó có các nội dung, chỉ tiêu về nhà ở xã hội trên địa bàn TP.
Về công tác quy hoạch, đoàn giám sát HĐND TP đề nghị UBND TP khẩn trương hoàn chỉnh việc lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, trong đó có quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân; đảm bảo trình phê duyệt trong năm 2024 để làm cơ sở phê duyệt các Đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu đang được UBND quận, huyện và TP Thủ Đức tổ chức lập, cũng như làm cơ sở cho việc triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của TP trong giai đoạn tiếp theo.
Đồng thời, cần nghiên cứu, khảo sát, đánh giá toàn diện để đưa vào quy hoạch diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội, cũng như quy hoạch khu vực riêng lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, khi phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu nghiên cứu đào tạo, đảm bảo thực hiện đúng quy định. Bên cạnh đó, cần lưu ý đối với việc bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải đảm bảo có trong các đồ án quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội…
Về chính sách hỗ trợ, ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội, đề nghị UBND TP cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục đầu tư nhà ở xã hội; sớm ban hành Quy trình thủ tục rút gọn thời gian thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân; cần có chính sách hỗ trợ tài chính để thu hút chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Ngoài ra, UBND TP cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, công khai các dự án nhà ở xã hội, các nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ Phát triển nhà ở TP để cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động dễ dàng tiếp cận, đồng thời quan tâm kiểm tra đảm bảo đúng đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội…