Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Cần chính sách đặc thù để đãi ngộ xứng đáng trí thức có tài năng, cống hiến quan trọng

Lãnh đạo chụp hình cùng đại biểu các chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới” Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Thành ủy TPHCM và Đại học Quốc gia TPHCM diễn ra vào sáng 24/2 đã ghi nhận nhiều ý kiến, hiến kế về chính sách thu hút, đầu tư đào tạo, bồi dưỡng trí thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới.

Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng trí thức gắn với đào tạo nhân tài

Nêu một số giải pháp về chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH-CN) của Đại học Quốc gia TPHCM, PGS-TS. Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Đại học Quốc gia TPHCM đề xuất một số nhóm giải pháp về tuyển dụng, đãi ngộ trí thức KH-CN. Đó là xây dựng chính sách, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trí thức KH-CN gắn với đào tạo nhân tài; thường xuyên đánh giá và rà soát nhu cầu nâng cao năng lực để xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng thích hợp đối với trí thức KH-CN; bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi để tham gia đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phù hợp với năng lực, sở trường công tác. Cần hoàn thiện chính sách “đầu ra” (tuyển dụng) đối với những trí thức KH-CN được đào tạo theo đặt hàng sau khi tốt nghiệp.

Dựa trên đặc điểm và nhu cầu cụ thể, mỗi địa phương, cơ quan cần có những chiến lược và chính sách linh hoạt để trọng dụng nguồn nhân lực trí thức KH-CN một cách phù hợp. Không nên áp dụng rập khuôn, máy móc, hưởng ứng theo phong trào, không thiết thực, gây lãng phí ngân sách cũng như nguồn “chất xám” của đất nước. Cần có chính sách đặc thù để đãi ngộ xứng đáng với những trí thức KH-CN có tài năng, có cống hiến quan trọng; khuyến khích việc huy động nguồn lực và tăng thêm nguồn lực tài chính đầu tư để đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ trí thức KH-CN.

Bên cạnh đó, các địa phương, cơ quan, tổ chức cần nhận thức rõ về vị trí, vai trò của trí thức KH-CN trong sự nghiệp xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cần tạo môi trường thuận lợi để trí thức KH-CN chuyên tâm cống hiến. Xây dựng cơ chế thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ điều kiện để gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với đào tạo và sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ. Có cơ chế, chính sách phát hiện và hỗ trợ những sáng kiến, cải tiến và phát minh phục vụ xã hội và mang lại nhiều lợi ích. Mở rộng xã hội hóa hoạt động đào tạo trí thức, xây dựng cơ chế thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ điều kiện để gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với đào tạo và sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ. Tăng cường thành lập các quỹ phát triển tài năng khoa học và công nghệ để giúp đỡ những trí thức KH - CN (đặc biệt là trí thức trẻ) có ước mơ theo đuổi lĩnh vực KH – CN.

PGS-TS. Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn phát biểu tham luận tại hội thảo PGS-TS. Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn phát biểu tham luận tại hội thảo

Thu hút trí thức kiều bào, lao động người Việt Nam ở nước ngoài

Chia sẻ về chính sách thu hút trí thức kiều bào, lao động người Việt Nam ở nước ngoài, GS.TS. Võ Văn Tới, Trợ lý Ban Giám hiệu về Phát triển Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ Sức khỏe và Sự sống, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM đề xuất thí điểm với cơ chế đặc biệt và tập trung vào việc thu hút nhân tài cho ngành kỹ thuật y sinh (KTYS), đó là thành lập “Trung tâm xuất sắc về KTYS cho các nước đang phát triển” trực thuộc Khoa KTYS của trường ĐH Quốc tế. Trung tâm này sẽ đón tiếp các chuyên gia từ các nước tiên tiến đến làm việc và tiếp nhận các sinh viên từ các nước đang phát triển đến học tập và chịu trách nhiệm thực hiện với cơ chế phi nghị định.

Theo GS.TS. Võ Văn Tới chính sách thu hút trí thức kiều bào, lao động người Việt Nam ở nước ngoài sẽ thành công hơn trong nếu kết hợp được cơ chế thông thoáng, quy định rõ ràng và nhất là có người thừa hành có tâm có tài. Với kinh nghiệm và thành quả đạt được, chúng tôi đề xuất một mô hình thử nghiệm với cơ chế phi nghị định và trung tâm xuất sắc KTYS cho các nước đang phát triển. Với thế mạnh của trí thức Việt Nam và hệ sinh thái của một nước đang phát triển, thí điểm này sẽ giúp thu hút trí thức người Việt Nam cũng như người nước ngoài và đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết các nước tiên tiến và các nước đang phát triển.

GS.TS. Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM cho rằng, chính sách thu hút đội ngũ trí thức và những người có tài cần định hướng cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm để đạt được mục tiêu, hiệu quả, bền vững. Tiếp tục cụ thể hóa các nhiệm vụ giải pháp đã đề cập trong Nghị quyết số 27-NQ/TW, GS.TS. Nguyễn Văn Phước đề xuất một số giải pháp cụ thể: Đối với đội ngũ trí thức cần có giải pháp cải thiện điều kiện sống như có chính sách tăng lương, giảm bớt các thủ tục hành chính trong công tác tài chính thông qua nâng định mức chi tiêu các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, khóan đến sản phẩm cuối cùng...

PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu kết luận hội thảo PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu kết luận hội thảo

Đối với các viện nghiên cứu, trường đại học tư nhân cần được các chính sách ưu đãi tối đa, khuyến khích và tạo điều kiện về thể chế để phát triển và từ đó phát triển đội ngũ trí thức. Chính quyền cần có kế hoạch định kỳ tổ chức các cuộc tiếp xúc, làm việc với trí thức và tổ chức các buổi gặp mặt theo yêu cầu của đội ngũ trí thức để lắng nghe ý kiến, đối thoại với trí thức về những vấn đề kinh tế, xã hội quan trọng và qua đó cung cấp thông tin, đặt hàng cụ thể cho đội ngũ trí thức. Đồng thời, tôn vinh trí thức, nhà khoa học tiêu biểu có những đóng góp tích cực cho sự phát triển. Tạo môi trường làm việc thực sự phát huy dân chủ và khuyến khích trí thức tự do sáng tạo trong nghiên cứu.

Phát triển đội ngũ trí thức đòi hỏi các giải pháp đồng bộ trong đó cần tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH-CN phục vụ sản xuất và đời sống; đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại và các phòng thí nghiệm thực hành... Phát huy vai trò các tổ chức hội trí thức, chủ động nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan chức năng để đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, tập hợp sức mạnh và trí tuệ của đội ngũ trí thức, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong tình hình mới. Tăng cường các hoạt động nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội...

Kết luận hội thảo, PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM nhấn mạnh, đội ngũ trí thức KH-CN có đóng góp quan trọng trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong xây dựng, thực hiện cơ chế chính sách về đội ngũ khoa học, công nghệ thời gian qua vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Đặc biệt là trong bối cảnh đất nước, quốc tế thay đổi nhanh chóng như hiện nay, khi xây dựng chính sách mới cần cập nhật, đưa những vấn mới nhất vào dự thảo Nghị quyết mới về phát triển triển đội ngũ trí thức thời gian tới. Để qua đó, phát huy tốt nhất vai trò đội ngũ trí thức, vai trò của khoa học, công nghệ đóng góp cho sự phát triển đất nước. 

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo