Thứ Sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024

Cần bổ sung nghiêm cấm hành vi mua bán bào thai trong Luật Phòng, chống mua bán người

Luật sư Trương Thị Hòa góp ý tại hội thảo.

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 19/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý cho dự án Luật Phòng, chống mua bán người (MBN) (sửa đổi). Đồng chí Hà Phước Thắng, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM chủ trì hội thảo.

Phải nghiêm trị những người có hành vi mua bán người

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, khoản 1, điều 2 cần bổ sung MBN được thể hiện bằng lời nói cụ thể, bằng hành vi cụ thể, bằng văn bản, bằng giao dịch thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Theo đại biểu, để tương thích với Điều 119 khoản 1, Bộ luật Dân sự về giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

Góp ý về nạn nhân là người bị hại, các đại biểu đề nghị có quy định bổ sung về quyền của nạn nhân là trẻ em, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người mất năng lực hành vi dân sự. Theo đại biểu, thực tế những đối tượng này cần phải được bảo vệ đặc biệt để phòng, chống MBN và nhất là phải nghiêm trị những người có hành vi MBN. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung người đang trong quá trình xác định là nạn nhân cũng là đối tượng được gia đình động viên, hỗ trợ hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền trong phòng, chống MBN.

Góp ý về các hành vi bị nghiêm cấm, Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, cần bổ sung mua bán bào thai vì theo quy định của pháp luật hiện hành, bào thai chưa được xác định là người nhưng thực tế đã có nhiều trường hợp mua bán bào thai, MBN từ khi còn là bào thai.

Đối với nguyên tắc phòng, chống MBN, luật sư Trương Thị Hòa đề nghị, xử lý nghiêm trường hợp MBN với nạn nhân là trẻ em, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi người mất năng lực hành vi dân sự.

Góp ý thêm về hợp tác quốc tế trong phòng, chống MBN, luật sư Trương Thị Hòa đề nghị bổ sung điều khoản Hợp tác quốc tế về việc nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng chống MBN, xây dựng và phát triển pháp luật về phòng, chống MBN.

Góp ý về chính sách của Nhà nước về phòng, chống MBN, một số ý kiến cho rằng, nhà nước cần tăng cường việc thường xuyên tuyên truyền phổ biến Luật Phòng, chống MBN và các kinh nghiệm về phương thức thực hiện công tác phòng chống MBN của Việt Nam và các nước.

Đối với trách nhiệm gia đình tham gia phòng ngừa MBN, các đại biểu cũng cho rằng, cần bổ sung việc tuyên truyền, phổ biến về hoạt động phòng, chống MBN đối với các gia đình có thân nhân là trẻ em, người chưa thành niên, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Đồng chí Hà Phước Thắng điều hành tại hội thảo Đồng chí Hà Phước Thắng điều hành tại hội thảo

Xây dựng và vận hành các mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em

Góp ý về cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, đại biểu Nguyễn Thị Kim Liên, Sở Tư pháp TPHCM cho rằng, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân như là loại hình tổ chức mới được thành lập để tiếp nhận, hỗ trợ đối tượng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người đi cùng. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành đã có quy định về cơ sở trợ giúp xã hội và các tổ chức như Hội Liên hiệp Phụ nữ… cũng có nhiều mô hình cơ sở để hỗ trợ, trợ giúp những đối tượng trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có trường hợp là nạn nhân của tội phạm MBN.

Vì vậy, đồng chí Nguyễn Thị Kim Liên đề nghị xem xét quy định theo hướng bổ sung chức năng, nhiệm vụ và sử dụng các mô hình cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân đang hoạt động hiện nay để thực hiện việc tiếp nhận, hỗ trợ đối tượng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người đi cùng.

Góp ý về trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Loan đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM đề nghị, bổ sung về trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam theo hướng “Xây dựng và vận hành các mô hình hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của MBN”. Theo đại biểu, viêc bổ sung trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm cơ sở pháp lý cho Hội thực hiện chức năng bảo vệ phụ nữ, trẻ em quy định tại Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới và các văn bản pháp luật khác, đóng góp vào trách nhiệm chung của xã hội trong công tác phòng chống MBN nói riêng và công tác bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới nói riêng.

Một số ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc quy định quản lý đối tượng khác có dấu hiệu thực hiện hành vi MBN. Theo đó, để xác định đối tượng nào đó có “dấu hiệu” thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nói chung, vi phạm pháp luật MBN nói riêng là nghiệp vụ của cơ quan điều tra, chỉ các cơ quan, cán bộ điều tra mới có thể xác định, nhưng họ không thể tiết lộ vì thuộc bí mật trong nghiệp vụ điều tra.

Quang cảnh hội thảo Quang cảnh hội thảo

Về quyền của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, một số ý kiến cho rằng, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp thân thiện, bố trí cán bộ làm việc phù hợp với giới tính của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Theo đại biểu, phần lớn nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em gái, với mục đích chủ yếu là bóc lột tình dục. So với nạn nhân là nam giới thì nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái có mức độ tổn thương nặng nề hơn.

Thực tiễn đã phát sinh những khó khăn về “nhạy cảm giới” trong quá trình giải cứu, bảo vệ, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân MBN. Đặc biệt, lực lượng công an, bộ đội biên phòng có chức năng giải cứu, điều tra hầu hết là nam giới, còn nạn nhân bị mua bán, nghi bị mua bán chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái…

Vì vậy, Dự thảo luật cần quan tâm đề cập sâu hơn về các biện pháp đảm bảo nhạy cảm giới trong suốt cả quá trình từ khâu tiếp nhận, giải cứu đến điều tra, truy tố và xét xử, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, ngoài giới tính nam và nữ, có những người thuộc giới tính thứ ba. Việc bố trí biện pháp thân thiện, cán bộ làm việc phù hợp với giới tính nạn nhân là điều quan trọng. Việc nhận định “phù hợp” cần xuất phát từ nhu cầu của nạn nhân, do nạn nhân có quyền lựa chọn. Do đó, nạn nhân cần được bổ sung quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp thân thiện, bố trí cán bộ làm việc phù hợp với giới tính của nạn nhân.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo