Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận (Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 24/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Về cơ bản, các đại biểu tán thành với các nội dung của dự thảo luật về quy định, phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự; về công trình lưỡng dụng, về chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự gắn với chuyển đổi đất, chuyển đổi đất quốc phòng thống nhất với Luật Đất đai và giải quyết cho được những vướng mắc trong thực tiễn về phá dỡ công trình quốc phòng và di dời khu công trình quốc phòng…
Cùng với đó, các đại biểu cũng cho ý kiến về xác định vi phạm về bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, về chế độ bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ vành đai an toàn công trình quốc phòng, khu quân sự vành đai an toàn, kho đạn dược, hành lang kỹ thuật an toàn kỹ thuật, hệ thống ăng ten quân sự.
Các ý kiến cũng thảo luận về xử lý công trình và kiến trúc, quản lý, sử dụng mặt đất, sử dụng đất mặt nước dưới lòng đất trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự; về chế độ chính sách đối với tổ chức, cá nhân và địa phương bị tác động bởi hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến về một số nội dung khác như thẩm quyền của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, bảo đảm phù hợp với thực tiễn để làm thế nào luật hóa được những quy định đã rõ nhưng vẫn phải bảo đảm bí mật quân sự.
Đại Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho biết, dự thảo luật quy định khung pháp lý về khoảng không pháp lý để nếu có những công trình quân sự trên không, để công trình đó tồn tại trên khoảng không tối đa là 100 km tính từ mặt biển. Khi xuất hiện công trình như trạm nghiên cứu trên không, lúc đó mới tính đến giới hạn không gian bên cạnh; quy định như vậy để có khoảng không pháp lý về vấn đề này.
Trong khi đó, đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cho rằng, khu vực cấm của công trình quốc phòng và khu quân sự là khu vực cần được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt, do vậy việc xác định phạm vi khu vực cấm là hết sức quan trọng, vừa phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh nhưng cũng vừa phải bảo đảm cả những yêu cầu khác về phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đề nghị cần làm rõ việc quản lý, bảo vệ công trình lưỡng dụng.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự trong dự thảo luật được nghiên cứu kế thừa quy định hiện hành về quy chế bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng loại, nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở xác định phạm vi, yêu cầu, nội dung quản lý, bảo vệ và chế độ, biện pháp quản lý bảo vệ phù hợp đối với từng loại nhóm, là cơ sở để xây dựng chế độ, chính sách cho các đối tượng liên quan. Do tính chất đa dạng của công trình quốc phòng, khu quân sự cũng như yêu cầu của việc quản lý, bảo vệ, nên việc phân loại trong dự thảo luật là phù hợp, thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, thống nhất với các quy định của pháp luật.
Công trình quốc phòng, khu quân sự được phân loại theo chức năng, nhiệm vụ, mục đích sử dụng của mỗi loại: loại A phục vụ nhiệm vụ tác chiến phòng thủ bảo vệ Tổ quốc; loại B phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập của lực lượng quân đội và dân quân tự vệ; loại C phục vụ cất trữ, sửa chữa, tiêu hủy đạn dược, vũ khí, trang bị, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất các sản phẩm quốc phòng; loại D phục vụ sinh hoạt, học tập, làm việc thường xuyên của quân đội.
Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo luật đạt chất lượng cao.