Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội, TPHCM phải gắn với tái thiết đô thị

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM)

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 5/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sau khi nghe trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại hội trường, các đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ về dự án luật này.

Cơ bản các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành luật, đồng thời các đại biểu cũng dành nhiều sự quan tâm góp ý cụ thể đối với các nội dung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; chính sách phát triển nhà ở xã hội; ưu đãi đối với chủ đầu tư nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê. Cùng với đó là các vấn đề về nhà lưu trú công nhân; đối tượng được hưởng chính sách về nhà lưu trú công nhân; xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.

Nhiều ý kiến trong tổ ĐBQH TPHCM đề nghị có chính sách quan tâm hỗ trợ để phát triển loại hình nhà trọ, nhà ở cho thuê, thiết thực cải thiện chất lượng sống cho người lao động. Với mặt bằng giá cả và thu nhập hiện nay, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, ngay cả với những người lao động thuộc diện phải chịu thuế thu nhập thì sau khi trừ các chi phí sinh hoạt đi cũng rất khó mua được nhà ở, kể cả nhà ở xã hội. ĐB đề nghị dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần có chính sách hỗ trợ phát triển loại hình nhà trọ đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người lao động. Điều này sẽ giúp huy động được nguồn lực xã hội trong việc xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở cho người lao động. ĐB Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng nếu chỉ quy định hướng đến công nhân trong các khu công nghiệp, khu kinh tế thì sẽ bỏ sót hàng triệu đối tượng khác cũng rất cần được hỗ trợ. Ví dụ như TPHCM có 2-3 triệu công nhân, nhưng làm việc trong các khu công nghiệp chỉ khoảng 330.000 người, nên nếu chỉ quan tâm đối tượng trong khu công nghiệp thì bỏ sót tới 80-90% người cần hỗ trợ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

Trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng đã dành những điều khoản nhấn mạnh đến việc xây dựng nhà ở xã hội. Nhiều ĐB cho rằng, việc giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở cho công nhân cần được quy định rõ trong luật. Nếu đầu tư thì việc quản lý và giao sử dụng như thế nào cũng cần được làm rõ hơn ở trong luật. Mặt khác, việc xác định giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng cũng cần được đề cập kỹ lưỡng hơn trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Đóng góp ý kiến vào xây dựng nhà ở xã hội cho người nghèo, người thu nhập thấp, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) cần quy định rõ chất lượng xây dựng nhà ở xã hội phải đảm bảo yêu cầu đề ra, đảm bảo các tiêu chí theo yêu cầu mới. Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người dân sở hữu nhà ở xã hội, chủ đầu tư không nên có sự phân biệt khi ghi tên ở từng khu như: Khu nhà ở dành cho công nhân, khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp... Việc làm này cũng là để đảm bảo lợi ích, quyền lợi cho người dân khi có nhu cầu muốn bán nhà khi không còn nhu cầu sử dụng nữa.

Liên quan đến quy định UBND tỉnh, thành phải lập kế hoạch phát triển nhà ở theo nhiệm kỳ hoặc hàng năm, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) cho rằng, chỉ nên tập trung lập kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, nhà cho người thu nhập thấp, tức là những đối tượng mà Nhà nước cần phải hỗ trợ thôi, nếu đưa cả nhà ở thương mại vào thì vừa không chính xác, vừa không cần thiết và làm chậm trễ tiến độ các dự án.

ĐB tỉnh Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và TP Hải Phòng thảo luận tại tổ ĐB tỉnh Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và TP Hải Phòng thảo luận tại tổ

Vấn đề xây dựng, cải tạo chung cư cũ được các đại biểu đặc biệt quan tâm. ĐB Lê Trường Lưu (Thừa Thiên – Huế) phân vân khi dự thảo luật chưa đề cập đến việc sở hữu nhà chung cư vĩnh viễn hay có thời hạn, bởi sở hữu là vĩnh viễn nhưng nhà chung cư có tuổi thọ công trình, do đó trong thực tiễn dễ phát sinh mâu thuẫn khi cải tạo nhà chung cư liên quan đến định giá, phương án bồi thường cần có giải pháp. ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng dự thảo luật.

Một trong những vướng mắc lớn hiện nay cần phải khắc phục khi sửa đổi Luật Nhà ở là tình trạng khó khăn trong phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, đã bị xuống cấp, hư hỏng. ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, để đảm bảo chất lượng của các nhà chung cư, trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) cần quy định rõ về thời hạn xây dựng nhà chung cư. Nếu thấy chung cư bị cũ nát, hư hỏng, người dân có quyền đề xuất xây dựng nhà chung cư mới. Để thực hiện việc này thì trước khi xây dựng chung cư mới hay cải tạo, nâng cấp chung cư cũ thì cơ quan chức năng phải có sự kiểm định chất lượng nhà ở tại khu chung cư mà người dân đang sinh sống.

Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ ngày 5/6 Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ ngày 5/6

Về cải tạo chung cư cũ, với các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, việc làm này dứt khoát phải gắn với tái thiết đô thị. Việc cải tạo chung cư cũ, nên thực hiện từng cụm. Đối với xây dựng nhà ở để phục vụ tái định cư, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu quan điểm, việc sửa đổi Luật Nhà ở nên có hướng mở như nên giao cho cấp tỉnh được điều chuyển từ nhà tái định cư sang nhà ở xã hội và ngược lại.

Bên cạnh đó, đa số các ý kiến nhất trí việc xây dựng nhà chung cư cần đảm bảo đồng bộ về hạ tầng, cơ sở vật chất để phục vụ cuộc sống, các nhu cầu thiết yếu của người dân, đảm bảo an toàn cho các khu chung cư. Theo ĐB Nguyễn Ngọc Tuấn (Hà Nội), thực tế thời gian qua, đã xảy ra cháy nổ tại khu chung cư nên ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, tài sản của người dân. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Nhà ở phải có thêm những quy định về an toàn, trách nhiệm đảm bảo phòng cháy, chữa cháy ở các nhà chung cư. Bên cạnh đó, khi xây dựng chung cư, các chủ đầu tư cũng cần chú ý hơn đến việc thiết kế khu vực để xe cho người khuyết tật,…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo