
Võ Minh Lâm, Tú Sương, Bình Tinh trong trích đoạn Mai trắng se duyên. Ảnh: H.K
Không quá sang trọng, hoành tráng, cũng không rầm rộ, ồn ào, giữa không gian ấm áp, trữ tình mà lắng tai nghe những câu vọng cổ ngọt ngào, mùi mẫn bên cạnh mùi hương cà phê thoang thoảng thì thật là “đã”. Vậy đó, cải lương phòng trà mang đến cho khán giả một cảm giác cổ điển đầy hoài niệm, về những giọng ca vang bóng một thời và cả những gương mặt trẻ hôm nay…
Rạp Hưng Đạo bị tháo dỡ, dự án xây lại đến nay vẫn còn nằm trên giấy. Mọi hoạt động của cải lương dồn về rạp Thủ Đô, vốn đã xuống cấp, cũ kỹ và từ lâu đã không còn là địa điểm quen thuộc của nghệ sĩ và công chúng cải lương; khiến việc tổ chức biểu diễn bị ảnh hưởng. Trước thực trạng cải lương thiếu sàn diễn, Trần Anh Khoa, phóng viên báo Tiếp thị - gia đình, một “fan bự” của cải lương, quyết định đứng ra tổ chức chương trình cải lương phòng trà, mỗi tháng một lần. Khó khăn nhiều bề, lại chưa có tên tuổi nên các chương trình đầu tiên khá vắng khách. Không nản lòng, Khoa cùng anh chị em nghệ sĩ tiếp tục hoàn thiện, đổi mới chương trình cũng như chăm chút khâu dịch vụ như giảm giá vé, ưu đãi khách hàng. Trời không phụ người có lòng, đến nay chương trình đã ra được 12 số, từ phòng trà Tiếng Xưa đã mở rộng đến Nam Quang và thu hút được một lượng khán giả khả quan. Được biết, đây là ý tưởng được Khoa ấp ủ từ rất lâu, nhằm tạo ra một sân chơi để khán giả và nghệ sĩ cùng gặp nhau, xem lại những vở cải lương hay và nghe những giọng ca vang bóng một thời. Anh tâm sự: “Tôi cũng không biết sao mình lại “gan” đến thế, vì bản thân vốn không phải dân cải lương chuyên nghiệp. Thành công hôm nay là công sức của các cô chú, anh chị em nghệ sĩ và khán giả đã hết lòng ủng hộ chương trình”.
Nói là nhỏ, nhưng số ghế của phòng trà Nam Quang cũng không kém cạnh sân khấu chính thức với khoảng 300 ghế, được xếp đặt rất khéo, vừa ấm áp, gần gũi mà không hề chật chội, bức bối. Trong không gian khép kín đó, khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả gần như không có. Một mô hình rất giống câu lạc bộ sân khấu nhỏ ngày xưa. Các nghệ sĩ vừa hát vừa tâm tình với khán giả về chuyện đời, chuyện nghề một cách tự nhiên. Mỗi chương trình có một chủ đề riêng, nhưng đều tuân thủ theo tiêu chí giới thiệu những gương mặt trẻ triển vọng cùng song hành với các tên tuổi đang là hàng sao và các giọng ca thời hoàng kim.
 |
NSND Ngọc Giàu và NS Hồng Nga trong tiểu phẩm Hai bà hàng xóm. Ảnh: H.K |
Đến với chương trình Cải lương Phòng trà lần thứ 12 chủ đề Hội ngộ mùa xuân, khán giả đã có những giây phút thư giãn và lắng đọng với cả ba thế hệ. Các gương mặt trẻ như Minh Trường, Nhã Thi, Thanh Nhường từng vào chung kết cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, nay tràn đầy sức sống trong những bài tân cổ giao duyên vui tươi rộn rã đậm chất xuân: Đêm giao thừa nghe khúc dân ca, Câu chuyện đầu năm, Vui Tết miệt vườn… NSND Ngọc Giàu và Hồng Nga không hổ là cặp đôi ăn ý khi “quậy tưng” sân khấu bằng tiểu phẩm hài Hai bà hàng xóm, tung hứng cực kỳ duyên dáng vừa khiến khán giả cười nghiêng ngả, vừa “sướng lỗ tai” bởi những câu vọng cổ ngọt ngào, mượt như nhung. Mới cười đã đời, lại phải lặng đi trước Hạng Võ biệt Ngu Cơ (trích đoạn cải lương). Giọng ca Võ Thành Phê không hổ là giải nhất Chuông vàng Vọng cổ, anh thể hiện sự bi thương mùi mẫn, lại không mất khí chất anh hùng của một nhà vua thất trận, tiếng vỗ tay vang vọng khán phòng. Nữ hoàng nhạc nhẹ Thanh Thúy lần đầu tiên hát vọng cổ nhưng bất ngờ thuyết phục được khán giả với chất giọng ngọt ngào, điêu luyện. Tài danh đất Bắc NSƯT Thanh Thanh Hiền cũng mang đến một hương vị lạ bằng những ca khúc mang âm hưởng tiền chiến rất hiếm được biểu diễn. Và Bình Tinh, Tú Sương, Hữu Quốc, Võ Minh Lâm rất sôi nổi với các trích đoạn cải lương Phụng Nghi Đình, Mai trắng se duyên. Một đêm, được xem và nghe khá mãn nhãn. Ở đây không có hát nhép, nghệ sĩ cứ “cháy” hết mình và khán giả được sống lại cảm giác thưởng thức nghệ thuật cải lương chân chính.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn một vài thiếu sót nhỏ. Chương trình khá dài cho đến tận khuya và hơi đơn điệu vì quá nhiều vọng cổ. Lẽ ra mỗi nghệ sĩ chỉ cần hát một bài vọng cổ thôi, còn lại nên ca bản vắn. Cải lương có nhiều bản vắn rất hay như Tứ đại oán, Văn Thiên Tường, Đoản khúc Lam giang… nên tận dụng để làm phong phú chương trình và dễ tiếp cận với người trẻ. NSƯT Thanh Thanh Hiền ca giọng Nam có phần không hay phần giọng Bắc, thiết nghĩ chị ca một bản vọng cổ Bắc vừa thể hiện hết sở trường của mình vừa tạo nên sự khác lạ, càng phong phú cho chương trình. Khán giả phía Nam từng râm ran về vở Cung phi Điểm Bích mà chị tỏa sáng tài hoa, chỉ tiếc là lần này chị lại lỡ hẹn. Giá như có thêm một, hai trích đoạn cải lương mới, đừng lặp lại những tác phẩm quá cũ, quá quen thuộc trong các cuộc thi… Dù sao, “ông bầu” Anh Khoa đã dũng cảm tạo ra một sân chơi tử tế cho cải lương, song, vẫn muốn góp thêm vài ý kiến, những mong chương trình ngày càng đa dạng, hấp dẫn hơn. Hy vọng khán giả tiếp thêm “lửa” cho những người tâm huyết với nghề, đừng để cải lương phải bỏ cuộc giữa thời điểm đất nước đang giai đoạn hội nhập mạnh mẽ. Đây cũng là việc thuận với chủ trương của Đảng, Nhà nước theo Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.