Chủ Nhật, ngày 8 tháng 9 năm 2024

Cách làm, kinh nghiệm trong tổ chức phiên giải trình và chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND huyện Cần Giờ ​

Đồng chí Nguyễn Văn Nho, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện phát biểu tại hội nghị

(Thanhuytphcm.vn)- Ngày 18/6, Thường trực HĐND huyện Cần Giờ chủ trì Hội nghị giao ban Chuyên đề 1 giữa Thường trực HĐND huyện với HĐND xã, thị trấn về “Cách làm, kinh nghiệm trong tổ chức phiên giải trình và chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND huyện nhiệm kỳ 2021 – 2026”. Đồng chí Nguyễn Văn Nho, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo đề dẫn, để chuẩn bị phiên giải trình, ngay từ đầu năm, khi ban hành chương trình công tác năm, Thường trực HĐND huyện đã xác định nội dung giải trình và nội dung đó thuộc lĩnh vực nào thì giao trực tiếp Ban của HĐND chủ trì, phối hợp nghiên cứu, thu thập thông tin, tổ chức khảo sát, tham vấn..., lựa chọn tổ chức, cá nhân liên quan đến nội dung cần giải trình, để Thường trực HĐND xem xét, cho ý kiến và quyết định yêu cầu tổ chức, cá nhân báo cáo theo yêu cầu của Thường trực. Sau khi nhận được báo cáo của tổ chức, cá nhân giải trình, Thường trực HĐND gửi các Ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND nghiên cứu, xem xét và nêu các vấn đề chưa rõ, chưa thống nhất cần tiếp tục trao đổi hoặc làm rõ tại phiên họp.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND huyện tổ chức 2 phiên giải trình, nội dung giải trình tập trung công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân và công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (lần đầu) và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn huyện, đối với UBND huyện.

Nhìn chung, nội dung các phiên giải trình đều đảm bảo là những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, một số nội dung giải quyết kéo dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm gây bức xúc đối với những người liên quan. Tại các phiên giải trình, Thường trực HĐND huyện đã yêu cầu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, từ đó yêu cầu cơ quan, đơn vị, cá nhân giải quyết kịp thời. Qua theo dõi, đến nay các nội dung Kết luận giải trình đã và đang được UBND huyện, các cơ quan, đơn vị giải quyết, nhiều nội dung đã giải quyết dứt điểm, từ đó đã được Thường trực, đại biểu Hội đồng nhân dân, cử tri và nhân dân đánh giá cao. Thông qua hoạt động giải trình nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương đã được giải quyết, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri, tạo được sự đồng thuận và lòng tin của nhân dân đối với cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Tuy nhiên, đại biểu được mời tham dự phiên giải trình còn ít tham gia phát biểu và đặt câu hỏi giải trình, còn có tâm lý nể nang, ngại va chạm; các câu hỏi yêu cầu giải trình chủ yếu do các đại biểu chuyên trách đặt ra. Một số đại biểu nắm vấn đề chưa thực sự sâu, phiến diện nên trong tranh luận chưa thật sự sôi nổi, chưa đi đến cùng những vấn đề còn có quan điểm khác nhau…

Việc tổ chức chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND, được tiến hành theo trình tự quy định tại khoản 2 Điều 69 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, Qua đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay Thường trực HĐND huyện chưa thực hiện chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND, chủ yếu chất vấn tại kỳ họp thường lệ của HĐND.

Tại hội nghị, đại biểu HĐND huyện, xã, thị trấn đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức phiên giải trình; hoạt động phiên giải trình và chất vấn tại phiên họp.

Kết luận tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Văn Nho khẳng định, việc lựa chọn nội dung (hay chủ đề) là yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả của phiên giải trình. Trước khi tổ chức hoạt động giải trình, Thường trực phải giao cho các Ban tổ chức khảo sát, nắm tình hình vấn đề giải trình; thu thập thông tin, số liệu để phục vụ phiên giải trình. Các tư liệu khi đi khảo sát thực tế thu thập được giúp cho phiên giải trình rõ hơn vấn đề, giúp chủ tọa điều hành, kết luận nội dung trọng tâm, chính xác.

Đồng chí cho biết, người chủ trì điều hành phiên giải trình phải thực sự linh hoạt, nắm chắc vấn đề, đặc biệt là những tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện, liên quan đến nội dung của ngành nào, cơ quan, đơn vị nào thì yêu cầu ngành, cơ quan, đơn vị đó có giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện; trường hợp có những ý kiến trái chiều phải phân tích, làm rõ trên cơ sở quy định của pháp luật cũng như chức năng, nhiệm vụ của từng ngành để thống nhất kết luận.

Đồng chí Nguyễn Văn Nho đề nghị Thường trực HĐND các xã, thị trấn cần lựa chọn và xác định nội dung giải trình là yếu tố quan trọng hàng đầu. Giao nhiệm vụ, khuyến khích khả năng phát hiện vấn đề qua giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri của đại biểu, các Ban để có nhiều nội dung đưa vào chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực. Cần nâng cao kỹ năng điều hành của chủ tọa, dân chủ, khoa học, nắm chắc nội dung liên quan đến vấn đề đưa ra giải trình. Điều hành nội dung cần linh hoạt, gợi mở, tập trung, khuyến khích đối thoại, tranh luận đến cùng; nếu vấn đề nào chưa rõ thì chủ tọa điều hành phiên giải trình có kết luận hoặc yêu cầu người giải trình, trả lời trực tiếp đại biểu bằng văn bản. Khuyến khích, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đại biểu, nhất là các đại biểu chuyên trách, các đại biểu là thành viên của các Ban trong nghiên cứu, đề xuất, tham gia hoạt động giải trình với phương châm: Rõ nội dung, chính xác về thông tin, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật liên quan đến nội dung, yêu cầu giải trình…

Thanh Tâm

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo