Bác Hồ chụp hình cho nhà tình báo “Cố vấn Vũ Ngọc Nhạ”
Có một lần vợ chồng tôi đến thăm nhà tình báo - Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ tại nhà riêng của ông ở đường Nguyễn Văn Mai - gần chợ Tân Định, TPHCM. Khi ấy, tiểu thuyết “Ông cố vấn” của nhà văn Hữu Mai đã được làm phim và nhà tình báo đã nổi tiếng khắp đất nước.
Nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ ôm hôn con trước khi vào Nam năm 1955. Ảnh tư liệuLà người con của Thái Bình tham gia kháng chiến, được tuyển chọn vào lực lượng tình báo, vào Nam và hoạt động làm cố vấn cho những chính trị gia cao cấp của chính trường Sài Gòn. Ông xây dựng được mạng lưới tình báo chiến lược Anh hùng A22. Từng bị bắt tù đày Côn Đảo và được trao trả sau Hiệp định Paris năm 1973.
Lúc chúng tôi đến thăm, ông đã cao tuổi và sức khỏe yếu hơn, nhưng ánh mắt nhìn, sự thân thiện và vui tươi vẫn toát lên từ con người chân tình, thông minh và mạnh mẽ.
Trong lúc trò chuyện vui vẻ, ông cho chúng tôi xem một số hình ảnh. Tiếc rằng ngày đó chưa có phổ biến các phương tiện như điện thoại di động ngày nay nên chúng tôi không ghi lại được bao nhiêu. Nhất là tấm hình ông được Bác Hồ chụp cho trước khi vào Nam hoạt động. Ông quý tấm hình, bao nhiêu nhà báo đã không xin được tấm hình ấy, nhưng tôi chắc gia đình ông sẽ lưu giữ nó cẩn thận.
Câu chuyện ông kể về tấm hình mà chúng tôi ghi nhớ được, đó là sau khi được gặp Bác nghe dặn dò nhiệm vụ, trước khi ra về, ông được “nhà nhiếp ảnh” Bác Hồ (nghề cũ khi xưa lăn lộn kiếm sống ở nước ngoài để tìm con đường giải phóng cho xứ sở) chụp cho tấm hình.
Ông nhớ, mình đứng ở cái sân nhỏ có những cây cột làm trụ cho giàn hoa leo lên, trên đầu là trời xanh gió mát. Đầu tiên ông đứng cạnh cây trụ, nhưng Bác vẫy tay chỉ đứng xa ra - Bác bảo: Người chiến sỹ sắp vào mặt trận cam go bí mật và tự lực cao, không nương dựa vào ai. Đó là chí khí người hoạt động độc lập nguy hiểm giữa đối phương.
Ông bật cười kể, mình đứng “tạo dáng” như ý rồi, Bác đang ngắm máy khá lâu không thấy bấm. Hóa ra, Bác bảo đợi chút để chờ “rình chộp” một đám mây đẹp phía sau đang sắp trôi vào góc ngắm. Đời người tình báo sắp bước vào trận - mạnh mẽ như “mây bay gió cuốn”. Bác cười giải thích thêm.
Ngày ấy các nhà báo hay “mượn” ảnh của nhân vật để về in báo - hứa trả lại nhưng hầu như ít người giữ lời hứa. Vì thế, tôi cũng bị mất tấm hình của Vũ Ngọc Nhạ đứng trên boong tàu vào Nam, giữa trời mây non nước (gửi minh họa cho một bài báo tôi viết về ông). Thôi thì nó đã được in ra cho công chúng thấy và sẽ lưu giữ ở đó mãi với lịch sử. Tôi còn biết một tấm hình quý - đó là hình người bố trẻ Vũ Ngọc Nhạ ôm hôn con đầu lòng trước khi xuống tàu vào Nam đầu năm 1955 tại Hải Phòng.
“Cô ấy sẽ khổ lắm” – Kỷ niệm của Ông Trần Trọng Tân gặp Bác
Ông Trần Trọng Tân - cháu của nhà cách mạng Trần Quốc Thảo – mà đường phố mang tên. Ông Trần Trọng Tân là Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương và TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, hoạt động cách mạng sớm, 24 tuổi đã là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị thời Kháng chiến chống Pháp. Ông từng bị tù đày Côn Đảo. Là một người lãnh đạo lão thành, có nhiều đóng góp cho công tác và nghiên cứu lý luận.
Tôi từng là “lính” của ông - đã có may mắn nghe nhiều chuyện ông kể để viết cuốn ký sự nhân vật “Trần Trọng Tân - Lòng son trước mọi thử thách” (NXB Văn hóa Văn nghệ TPHCM - 2015).
Ông Trần Trọng Tân với Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh tư liệuKỷ niệm của ông với Bác Hồ khá độc đáo. Ông được gặp Bác nhiều lần, cả khi ông lên báo cáo cho Bác nghe tình hình Quảng Trị trong kháng chiến. Sau này ông còn làm thư ký của Tiểu ban chuẩn bị dự thảo báo cáo chính trị cho Đại hội Đảng lần thứ 3 năm 1960. Tiểu ban này do chính Bác Hồ phụ trách.
Chúng ta đã nghe nhiều lần chuyện Bác Hồ sâu sát đời sống cán bộ, đến nói chuyện với lớp học, Bác còn kiểm tra cả… nhà bếp và khu vệ sinh. Và người đưa Bác đi kiểm tra kiểu “bất ngờ đáng sợ” như thế chính là… ông Hai Tân khi đó phụ trách khóa học ở Trường Nguyễn Ái Quốc - dù chỉ là người được phân công lo phụ đạo giảng dạy.
Đi thăm hết, Bác phê nhà bếp có ruồi, nhắc cẩn thận cái giếng ở gần nhà trẻ sao không có nắp đậy. Đất vườn trường bỏ trống sao không trồng cây. Rồi Bác nói chuyện về học chính trị, hỏi cán bộ nhiều điều bất ngờ hồi đó, như: “Học Chủ nghĩa Mác có biết ông Mác có được ghi câu gì trên mộ phần?”, “Triết học không chỉ để giải thích thế giới mà nhằm để cải tạo nó” - Bác kể cho cán bộ nghe và hiểu sâu về học chính trị, lý luận.
Nhưng lần cảm động sâu sắc khi ông Hai Tân được điều động vào Nam hoạt động bí mật, để lại gia đình ở miền Bắc. Ông kể: “Tôi theo đồng chí Trần Lương được đến ăn cơm với Bác. Bác hỏi: “Chú có mấy con?”. “Dạ, 3 con rưỡi ạ” - Lúc đó vợ tôi đang mang bầu đứa con thứ tư” (là Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM hiện nay - anh Trần Trọng Dũng - người viết).
“Bác im lặng nghĩ ngợi rồi bảo: Vậy là cô ấy sẽ khổ lắm. Tổ chức dù có lo bao nhiêu cũng không bằng con có cha, vợ có chồng”.
Chính vì được đào tạo và được tình thương của Bác - học Bác nhiều điều mà ông Hai Tân đã có thêm sức mạnh vượt bao gian nan tù đày, cống hiến nhiều, có cuộc sống và gia đình gương mẫu.
“Chú là người miền Nam, phỏng?”
Trong các cuốn sách viết ký sự nhân vật của tôi “Đời người xuyên thế kỷ” (NXB Trẻ - 2012) được giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ của tỉnh Bình Dương trao - vì viết về nhà tình báo Hoàng Đạo vốn xuất thân từ công nhân nhà máy xe lửa Dĩ An thời Pháp - ông Hoàng Đạo và nhóm A13 đã góp sức cho chiến công lớn đầu tiên của lịch sử tình báo Việt Nam hiện đại - đánh tàu Amyot D’inville của Pháp tại biển Thanh Hóa từ năm 1950. Ông cũng là nhân vật mẫu cho các cuốn tiểu thuyết lớn của các nhà văn trong lực lượng Công an nổi tiếng như Văn Phan, Lê Tri Kỷ…
Tôi đã cùng ông gặp gỡ nhiều lần để viết sách chân dung. Ông hoạt động nhiều ở Nam bộ, một giám đốc công an của Việt minh, được người Pháp tin dùng, làm đến Quốc vụ Khanh cho vua Bảo Đại, sống như chính khách giữa lúc một Việt Nam có nhiều đảng phái trong vùng tạm chiếm.
Trong câu chuyện về cuộc đời dài ấy, có giai đoạn ông làm Trưởng ty Công an tỉnh Thanh Hóa khi cách mạng mới thành công và được gặp Bác Hồ khi làm nhiệm vụ trên một chuyến phà.
Chuyện được ông kể lại như sau:
“Vào khoảng năm 1946 khi nước nhà mới giành độc lập, chính quyền còn non trẻ, Bác Hồ có chuyến đi làm việc ở vùng Công giáo Phát Diệm. Tôi lúc đó còn là cán bộ lăn lộn thực tế ít học hành nên chưa biết hết tầm vĩ đại của Hồ Chí Minh như sau này.
Lúc đó đường sá còn bị phá, nghe nói có khúc phải khiêng cả chiếc ô tô qua chỗ lội. Tôi là cán bộ Công an phụ trách lo đảm bảo cho chuyến đi của Bác. Lúc xuống, Bác chống cây ba toong đứng dưới phà. Tôi vội thưa: Bác đừng đứng trước mũi xe như vậy, cái thắng nó vô cùng, mời Bác đứng qua một bên.
Chắc nghe tôi gọi cái phanh xe ô tô là cái thắng, Bác liền hỏi, giọng rất vui mừng: “Chú người miền Nam, phỏng?”. “Dạ thưa cháu là công nhân nhà máy xe lửa Dĩ An”. Bác hỏi tôi làm gì ở Thanh Hóa. Sau khi biết tôi làm công an, Bác liền cùng trò chuyện trong lúc chờ con phà trôi qua sông.
Bác hỏi thăm: “Làm công an có phê và tự phê không? Dạ có! Có rút kinh nghiệm công tác không? Dạ có! Có bàn bạc với anh em không? Dạ có! Bác cười hiền hậu: Cái gì cũng “có” hết. Thế làm có tốt không? Đến đây tôi không dám “Dạ có” nữa.
Nhưng sau này, chính các câu hỏi vui lúc qua phà ấy giúp tôi dựa vào mối quan tâm của Bác các lĩnh vực ấy để tự soạn nội dung tài liệu học tập nội bộ cho Công an lúc đó chưa có sách vở gì. Tôi viết về dân chủ bàn bạc kế hoạch, phê và tự phê, làm việc phải rút kinh nghiệm. Những câu hỏi ngắn của Bác trở thành phương pháp công tác”.
Ông Hoàng Đạo cho biết, ở Bảo tàng Thanh Hóa, ngoài bức tượng của ông để ghi dấu chiến công A13, còn có cây gậy chống của Bác tặng cho nghành điệp báo. Rồi ngành đem làm quà tặng cho người lập công trong ngành.
“Ông Nguyễn Tạo trao cho tôi cùng cái thư. Ông dặn: Bác thưởng cho những ai lập công lớn nhất. Vì vậy anh phải giữ gìn kỷ vật, ngoài những huân chương gì Nhà nước tặng anh, tôi không cần biết”. - Ông Hoàng Đạo nhớ lại.
Cây gậy sau được gửi nhờ ông Vũ Kỳ trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh.