Thứ Ba, ngày 17 tháng 12 năm 2024

Các địa phương cần mạnh dạn thực hiện tự chủ, chưa tự chủ hoàn toàn thì cũng có thể tự chủ một phần

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, đầu giờ làm việc buổi sáng 5/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời các câu hỏi mà các ĐBQH đặt ra trong chiều 4/11.

ĐB Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) và nhiều ĐB chất vấn về vấn đề tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập.

Được mời giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP trong đó xác định là tự chủ một phần hoặc là tự chủ toàn diện. Về nguyên tắc, đối với các dịch vụ thiết yếu thì Nhà nước đảm bảo về mặt kinh phí. Đối với các dịch vụ cơ bản thì Nhà nước hỗ trợ kinh phí. Đối với dịch vụ đặc thù của một số ngành, lĩnh vực thì thực hiện theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu để tạo điều kiện cho các đơn vị ngoài công lập tham gia.

Quốc hội sáng 5/11 Quốc hội sáng 5/11

Tuy nhiên, vừa qua có một bệnh viện thực hiện thí điểm tự chủ tài chính toàn phần như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K hay Bệnh viện Việt Đức đề nghị chỉ tự chủ về chi thường xuyên, còn tự chủ đầu tư chưa thực hiện do có quá nhiều khó khăn. Nguyên nhân là hiện nay huy động nguồn lực xã hội để thực hiện cho công tác tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó khăn, như nguồn thu, liên doanh, liên kết đều khó khăn…, do đó các đơn vị xin thôi không thực hiện tự chủ toàn phần mà xin thực hiện tự chủ một phần. Tức sẽ tự chủ phần chi thường xuyên; còn chi đầu tư, ví dụ như mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng cơ sở mới… thì ngân sách nhà nước phải đảm bảo. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng điều này là hợp lý để miễn sao phục vụ cho người dân tốt nhất và làm thế nào để cho đơn vị ngày càng phát triển nhất. Từ tự chủ chi thường xuyên sẽ tiến tới khi có nguồn thu ổn định và phát triển thì sẽ tự chủ toàn bộ. Có như vậy chất lượng dịch vụ ngày một tăng lên và phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, giáo dục và y tế là hai trụ cột an sinh xã hội quan trọng nhất hiện nay. Người dân được nhờ từ hai lĩnh vực này, nếu phục vụ không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, sức khoẻ và tình hình học tập của người dân. Nếu tự chủ 2 lĩnh vực này tốt thì dân được hưởng lợi lớn, nhưng đây là 2 lĩnh vực quan trọng, do đó tự chủ phải thận trọng, hiệu quả, tránh theo phong trào.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, nếu đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo tự chủ tài chính 100% sẽ thực hiện được việc trả lương theo kết quả lao động. Nếu đảm bảo tự chủ chi thường xuyên thì trả lương theo quy định, số tiền còn lại được đưa vào quỹ thu nhập hưởng vào cuối năm và là quỹ của cơ quan, đơn vị để tái đầu tư cơ sở vật chất. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đảm bảo tốt nhất chất lượng dịch vụ để phục vụ người dân. Những đơn vị nào không thu hút được nguồn lực từ bên ngoài thì ngân sách nhà nước phải đảm bảo để luôn luôn đổi mới trang thiết bị, công nghệ và đảm bảo giữ được người có tài nhằm phục vụ người dân tốt nhất.

Bộ trưởng cũng cho rằng, các ý kiến nói phục vụ công hay tư đều là phục vụ nhân dân, nhưng ở nhiều quốc gia, khu vực công được trả lương cao hơn tư để giữ chân người giỏi, tinh hoa nhất trong bộ máy nhà nước, đặc biệt là y tế, giáo dục để kiến tạo chính sách, xây dựng, hoạch định chiến lược và để có thể quản lý nhà nước một cách tốt nhất, thúc đẩy và làm nền tảng cho sự phát triển đất nước. “Cần phải giữ được lực lượng tinh hoa nhất, tinh tuý nhất trong bộ máy nhà nước, đặc biệt trong giáo dục và y tế để phục vụ nhân dân tốt nhất.” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.

Trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Bộ trưởng cho biết, tự chủ về tài chính, về chi thường xuyên và chi đầu tư đã đạt 6,6%; tự chủ toàn phần đạt 18,7% số các đơn vị sự nghiệp trên cả nước. Tự chủ đại học đã có nhiều thành tựu nổi bật. Tuy nhiên, so với yêu cầu của Trung ương thì chưa đạt.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn về vấn đề tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn về vấn đề tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập

Bộ trưởng cho rằng, còn nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình tự chủ này, nhất là thể chế vẫn chưa hoàn thiện; một bộ phận những người đứng đầu vẫn chưa thực sự quyết tâm; sự hướng dẫn của cơ quan chủ quản, cơ quan chức năng chưa thực sự quyết liệt. Bên cạnh đó, do hoàn cảnh khó khăn khách quan, ví dụ như tự chủ y tế trong mấy năm qua khó khăn do dịch Covid-19. Bộ trưởng dẫn lời của ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, bệnh viện chưa thực hiện tự chủ được là một sự thất bại, là do thiếu quyết tâm... Bộ trưởng cho rằng, đây là điều rất thấm thía. Bộ trưởng cho biết, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, rào cản trong thực hiện tự chủ, tới đây Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, từ đó chỉ rõ những gì đã làm được, những gì chưa làm được, khơi thông những bế tắc; rà soát sửa đổi toàn diện, nhất quán, liên thông các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này.

Bộ trưởng cũng cho rằng, các địa phương, ở cơ sở cần mạnh dạn thực hiện tự chủ, chưa tự chủ hoàn toàn thì cũng có thể tự chủ một phần, vừa để giảm ngân sách nhà nước để có nguồn tăng lương, vừa để bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân tốt hơn. Ví dụ các cơ sở giáo dục mầm non hoàn toàn có thể tự chủ một phần để nâng cao chất lượng dạy trẻ. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh quan điểm: ở những nơi có điều kiện thì tự chủ mạnh hơn.

Bộ trưởng cũng trả lời chất vấn ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) về chính sách thu hút sinh viên, nhà khoa học trẻ, người tài vào hệ thống công. Bộ trưởng thừa nhận đã có chính sách nhưng việc thực hiện còn hạn chế. Dẫn chứng ở Bộ Nội vụ vừa qua tuyển dụng được một số trường hợp, rất chất lượng, bộ coi đó là nhân lực chất lượng cao. Do đó, đề nghị các bộ ngành, địa phương quan tâm có cơ chế, chính sách để hút người tài vào hệ thống công vụ. Tới đây, Chính phủ cũng sẽ có đề án chiến lược quốc gia thu hút người tài vào hệ thống công lập, với những chính sách đủ mạnh để hấp dẫn người tài. Tuy có thể chưa so sánh được với chính sách hấp dẫn của khu vực tư nhân, nhưng Bộ trưởng cho rằng, đề án cũng sẽ phần nào đáp ứng được nhu cầu, sẽ có những cơ chế, chính sách đặc thù để hấp dẫn người giỏi vào làm ở bộ máy nhà nước…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo