Thứ Hai, ngày 12 tháng 5 năm 2025

Các chính sách áp dụng tại Trung tâm tài chính quốc tế cần đột phá, tận dụng lợi thế của quốc gia đi sau

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nêu rõ, theo báo cáo của Chính phủ, dự thảo luật chỉnh lý cắt giảm 7/24 (khoảng 30%) thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian tuân thủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Liên quan tới hạn chế trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị cần quy định cụ thể các trường hợp hạn chế doanh nghiệp nhà nước đầu tư trong dự thảo luật và đề nghị Chính phủ đề xuất bổ sung các ngành, nghề doanh nghiệp nhà nước không được đầu tư, kinh doanh.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần tách bạch chức năng quản lý nhà nước, đại diện chủ sở hữu vốn, không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và lãnh đạo doanh nghiệp. Cùng với đó, quy định tăng tỷ lệ trích lập Quỹ đầu tư phát triển từ lợi nhuận sau thuế để động viên doanh nghiệp phát triển, có chính sách tiền lương đảm bảo cạnh tranh, thu hút nhân lực chất lượng cao.

Về cổ phần hóa và thoái vốn, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị quy định rõ trong luật để không thất thoát tài sản của Nhà nước. Doanh nghiệp có vốn nhà nước cần có quy định về nguyên tắc để nhà nước nắm trên 50% cổ phần, tăng tính chủ động của quỹ đầu tư phát triển…

Liên quan đến những hạn chế trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng, cần quy định quy định cụ thể hơn các trường hợp hạn chế đầu tư khác đảm bảo kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn nhà nước vào hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, tránh gây thất thoát.

Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam được xây dựng với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, qua đó xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế, đặt tại TPHCM và Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu, vận hành theo các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, kết nối với các thị trường và trung tâm tài chính lớn trên thế giới, nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho rằng, dự thảo Nghị quyết chưa quy định rõ ràng cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập Trung tâm tài chính quốc tế. Vì vậy, thường trực Ủy ban đề nghị quy định rõ theo hướng: Quốc hội chỉ quyết định chủ trương và ban hành Nghị quyết về chủ trương thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam; Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Quyết định thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM và Đà Nẵng.

Qua thảo luận, các ủy viên UBTVQH tán thành việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam và trình Quốc hội xem xét, quyết định dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 9 tới. Về mô hình của trung tâm tài chính, dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng thành lập một Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại hai thành phố (TPHCM và Đà Nẵng). Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Chính phủ cần làm rõ mô hình của Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam và các chính sách áp dụng cho mô hình được đưa ra.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày báo cáo của Chính phủ Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày báo cáo của Chính phủ

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, Chính phủ tiếp thu ý kiến của UBTVQH để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết. Các chính sách đề xuất áp dụng tại trung tâm tài chính quốc tế cần đột phá, không rập khuôn, có chọn lọc, và tận dụng lợi thế của quốc gia đi sau để vận dụng kinh nghiệm tốt của quốc tế, khắc phục hạn chế và tạo sức cạnh tranh quốc tế. Đồng thời, cần bổ sung các kinh nghiệm quốc tế; có cơ chế quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát hiệu quả; kiểm soát rủi ro để bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, ổn định chính trị, an toàn trật tự xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại…

Cũng trong ngày 17/4, UBTVQH cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.

Chính phủ đã điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.800.000 đồng/tháng lên 2.340.000 đồng/tháng (tăng 30%), thực hiện từ ngày 1/7/2024. Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương để triển khai triệt để định hướng tại các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nghị quyết của Quốc hội, trong đó cần lưu ý thực hiện tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm một cách thực chất, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập…

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý cải cách tiền lương là một vấn đề phức tạp đòi hỏi phải cân nhắc nhiều yếu tố kinh tế - xã hội, chính trị; cần quan tâm tăng lương tối thiểu cần phải phù hợp với chi phí sinh hoạt; đồng thời cần khuyến khích trả lương theo hiệu suất công việc, áp dụng chỉ tiêu đánh giá hiệu suất rõ ràng để thưởng, để tăng thúc đẩy việc làm. Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu thời gian tới cần tính đến việc giảm phụ thuộc vào phụ cấp; đảm bảo tăng quyền lợi của người lao động trong đơn vị Nhà nước, trong các doanh nghiệp sao cho hài hòa, hợp lý; đồng thời nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của một số quốc gia.

Lưu ý về nguồn lực tài chính trong báo cáo của Chính phủ về thực hiện cải cách tiền lương, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải gắn cải cách tiền lương với cải cách tài chính công và tăng trưởng kinh tế bền vững, vì vậy, cần triển khai từng bước thí điểm ở một số ngành hoặc khu vực khi áp dụng rộng rãi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận Phiên họp Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận Phiên họp

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Chính phủ dự báo những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo