Theo ông Phan Sử, nguyên Phái viên tác chiến đặc khu Hà Nội trong những ngày toàn quốc kháng chiến cách đây tròn 70 năm, bom ba càng được coi là biểu tượng của tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, gắn liền với cuộc chiến đấu 60 ngày đêm của quân và dân Thủ đô chống lại thực dân Pháp.
Ðầu năm 1946, khi vào Hà Nội, quân Pháp có một số phân đội xe cơ giới đi cùng. Đó là xe tăng 18 tấn có gắn đại bác 40 ly, xe bọc thép bánh hơi gắn đại bác 20 ly, trên các tháp pháo xe tăng, xe bọc thép đều bố trí súng đại liên; xe bọc thép bánh xích có hai tổ súng 12,7 ly và súng đại liên Brown. Ðây là lực lượng cơ động, đột kích lợi hại mà ta sẽ phải đối mặt trong chiến đấu.
Vào cuối tháng 10 đầu tháng 11/1946, tình hình ngày càng căng thẳng, quân Pháp đã có những hành động khiêu khích, gây hấn; xe tăng, xe bọc thép cơ động rầm rập trên các tuyến phố. Chúng còn cho máy móc san lấp chiến hào, chiến lũy, ụ súng của ta. Vì tránh không để chúng kiếm cớ gây chuyện làm cho tình hình thêm phức tạp, trong khi cần thời gian để chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài, quân dân ta đã hết sức kiềm chế trước những hành động khiêu khích của chúng. Cũng trong tháng 11, Cục Quân giới (Bộ Quốc phòng) cấp cho Mặt trận Hà Nội ngót 100 quả bom ba càng, hơn một nửa số bom này được dành cho Liên khu I, nơi có nhiều khả năng phát huy hiệu quả diệt xe cơ giới địch.
Bom ba càng (cấu tạo theo nguyên lý đạn bom như đạn Bazoka, B40, B41 sau này) có dạng hình phễu, miệng phễu đường kính 22 cm, có vành gang gắn ba càng sắt, mỗi càng dài 12 cm; đáy phễu là bộ phận gây nổ, gồm hạt nổ, kim hỏa và chốt hãm an toàn; bom được lắp vào một cây gậy gỗ dài 1,2 m.
Tuy chỉ được sử dụng trong quãng thời gian ngắn ngủi nhưng loại vũ khí thô sơ này và những người sử dụng nó lại có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử quân đội ta.
Ðánh bom ba càng phải là những chiến sĩ mưu trí, quả cảm, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng với phương châm diệt được xe cơ giới địch và phải tổn thất thấp nhất về sinh mạng. Muốn vậy phải giữ được yếu tố bí mật bất ngờ. Khi xuất kích, tiếp cận mục tiêu phải được sự yểm trợ tối đa của hỏa lực nhằm khống chế, vô hiệu hóa hỏa lực trên xe cơ giới và áp đảo tiêu diệt lực lượng bộ binh đi cùng.
Khi đánh bom, động tác phải dứt khoát, tay trái hoặc tay phải nắm nơi tiếp giáp đuôi bom và gậy, tay còn lại nắm chắc 2/3 của gậy, mặt bom chếch 45 độ về phía trước. Khi cách mục tiêu 2-3 m phải hạ bom ngang tầm vai, hai tay lao bom vào vị trí đã chọn, phải bảo đảm ba càng của bom cùng lúc chạm trên mặt phẳng mục tiêu. Với xe tăng, xe bọc thép bánh hơi thì chọn thành bên hông xe, dưới tháp pháo; xe half-track thì chọn thành xe phía giáp cửa lên xuống, sát buồng lái trên nơi gắn thùng nhiên liệu - để bộ phận gây nổ kích nổ chuẩn xác.
Điểm khác biệt của bom ba càng với các loại vũ khí khác là phải dùng sức người tạo thành lực nổ để tiêu diệt mục tiêu. Bom nổ gây áp lực cháy nổ rất lớn (do nhiên liệu và đạn trên xe cùng bị kích nổ), sức ép một phần dội ngược lại phía sau hất người đánh bom bật ngửa xuống đường, khi đó tổ cứu hộ phải sẵn sàng dìu chiến sĩ đánh bom vào nơi an toàn.
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm (Trưởng Ban Liên lạc Truyền thống quyết tử Liên khu 1) kể rằng, các chiến sĩ đều được phổ biến về cách đánh xe tăng bằng bom ba càng. Số bom tự tạo này không nhiều, mỗi đại đội chỉ có chừng 5-6 quả nhưng ai cũng muốn được chọn để đâm bom ba càng.
Để đánh được xe tăng, phải áp sát mục tiêu và đâm mạnh quả bom vào xe tăng, khi đó kim hỏa đẩy về phía sau và bom phát nổ. Cách đánh này hiệu quả nhưng rất nguy hiểm cho tính mạng của người đánh bom. Lệnh của trên là phải chọn những người có sức khỏe, nhanh nhẹn để thực hiện việc đánh bom ba càng. Nhưng chọn người rất khó vì hầu hết các chiến sĩ đều xung phong, không ai muốn nhường cho ai.
Mỗi khi có một người ôm bom ba càng đi đánh, anh em ở nhà hồi hộp lắm, nhưng không phải vì sợ chết mà chỉ sợ xe tăng không cháy. Đại đội của ông Hàm đánh cháy 3 chiếc xe tăng của Pháp và cũng có 3 chiến sĩ anh dũng hy sinh.
Trong số những chiến sĩ nhận bom ba càng đi đánh địch, hiện chỉ có một người còn sống. Đó là ông Tống Bá Hiển. Ông Hiển đã nhận bom, nhưng đến phút cuối, trên có lệnh không đánh nữa.
|
Tượng đài "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" tại vườn hoa Hàng Đậu, Hà Nội. |
Sau khi rút ra vùng kháng chiến, Bác Hồ đã chỉ thị không sản xuất bom ba càng nữa bởi sự hy sinh, mất mát là quá lớn. Những người nhận nhiệm vụ đánh bom ba càng ra đi đều không trở về. Họ còn rất trẻ, người lớn tuổi cũng chỉ mới ngoài 20. Khi ra trận, sự sống và cái chết rất mong manh, nhưng với nhiệm vụ ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch thì người chiến sĩ đã thấy trước sự hy sinh.
Chính vì vậy, hình ảnh cảm tử quân Thủ đô đánh bom ba càng đã được ghi vào sử sách, trở thành tấm gương, niềm tự hào và động lực cho thế hệ trẻ Việt Nam noi theo.
Hành động của các cảm tử quân là biểu tượng cho ý chí quật cường, thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước của đồng bào, chiến sĩ cả nước nói chung, quân, dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và đó cũng là nỗi kinh hoàng của quân xâm lược.