Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan (Thanhuytphcm.vn) - Chiều 11/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế. Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trở thành vấn đề “nóng” khi được nhiều đại biểu (ĐB) tập trung chất vấn, tranh luận.
ĐB Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) đề nghị Bộ trưởng Đào Hồng Lan đánh giá về thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vốn đang là mối nguy hiểm cho sức khỏe con người, nhất là đối với thanh thiếu niên. Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, tỷ lệ người sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh, đặc biệt giới trẻ. Điều tra tại 34 tỉnh thành vào năm 2020, tỷ lệ thuốc lá điện tử của người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên tăng 18 lần từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong đó tập trung cao nhất từ 15-24 tuổi…Về tác hại, Bộ trưởng cho biết, có nhiều báo cáo về ảnh hưởng đến tim, gan, phổi, đặc biệt là loạn thần…, gây nguy cơ cao đối với sức khỏe của người dân, giới trẻ.
Cũng theo Bộ trưởng, hiện nay thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử vẫn trôi nổi trên thị trường, dù không cho phép kinh doanh nhưng với lợi nhuận hấp dẫn, việc buôn lậu mặt hàng này vẫn phức tạp. Bộ Y tế cũng đã báo cáo Chính phủ phải có giải pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn việc buôn bán mặt hàng này, mong muốn sớm có nghị quyết của Quốc hội về ngăn chặn thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử trước khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá được sửa đổi. Bộ Y tế mong cấm thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử để bảo vệ sức khỏe người dân.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, cơ bản các bộ, ngành đều tán thành cần cấm thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử sau khi Bộ Y tế báo cáo bằng chứng về tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử. Bộ đang hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử để trình Chính phủ. Quan điểm của Bộ Y tế về vấn đề này là rất nhất quán, đã đề nghị phải cấm thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử. “Nếu thu một đồng thuế của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử thì cần phải bỏ ra 5 đồng để khắc phục hậu quả đối với sức khỏe của nhân dân, tổn hại đến sức khỏe của giới trẻ. Bộ Y tế rất mong Quốc hội ủng hộ cấm thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử”, Bộ trưởng tái khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công thương đã đồng ý với đề xuất này của Bộ Y tế, thống nhất rằng đây là sản phẩm có hại cho sức khỏe, phải sớm có khung khổ pháp lý để cấm sản phẩm này. “Bộ Công thương và cá nhân Bộ trưởng không đề xuất tiếp tục thí điểm đề án này. Thực tế, thời gian qua, Bộ Công thương luôn từ chối cấp phép kinh doanh, cấp đăng ký thông báo cho website thương mại điện tử kinh doanh thuốc lá thế hệ mới. Đồng thời, bộ đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra và xử lý hàng trăm vụ việc đối với việc kinh doanh sản phẩm này”, Bộ trưởng Bộ Công thương nêu. Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đề xuất Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành chính sách, hoàn thiện khung pháp lý để quản lý chặt chẽ, rõ ràng đối với loại sản phẩm này.
Trả lời câu hỏi về quản lý dược và chính sách thu hút phát triển ngành dược, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hiện toàn quốc đã có 180 cơ sở nhập khẩu dược, khoảng trên 5.000 cơ sở bán buôn và 65 nghìn cơ sở bán lẻ. Tuy nhiên, để sản xuất thuốc mới và để đảm bảo thu hút đầu tư cho ngành dược, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, các chính sách trong thời gian qua chưa có gì đặc biệt, và việc ưu tiên cho ngành dược thực tiễn thời gian qua cũng chưa thu hút được các doanh nghiệp phát triển đầu tư cho ngành dược. Bộ Y tế đã trình Quốc hội và Chính phủ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, trong đó có các chính sách thu hút đầu tư, phát triển ngành dược.
Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, nhiều ĐB quan tâm đến việc quản lý, cấp phép hành nghề y dược; quản lý thị trường thực phẩm chức năng hiện nay đang có nhiều vấn đề nổi cộm; giải pháp thu hút, giữ chân bác sĩ, y tá cho công tác khám chữa bệnh ở cấp y tế cơ sở trong thời gian tới... Nhiều ĐB đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế làm rõ thực trạng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc được quảng cáo, bày bán tràn lan trên thị trường, được thổi phồng công dụng, quảng cáo sai sự thật, thậm chí có chứa chất cấm khiến cử tri vô cùng lo lắng, bức xúc.
Các đại biểu dự phiên chất vấn chiều 11/11 Bộ trưởng cho biết, quy định trong Luật Dược là rất chặt chẽ nhưng thực tế có việc lách luật, lợi dụng để quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng sai sự thật để buôn bán thực phẩm chức năng giả, hoặc thổi phồng công dụng để thu lợi… Thừa nhận thực tế nhiều người có nhu cầu mua thực phẩm chức năng, nhất là hàng xách tay, Bộ trưởng cho biết, thực phẩm chức năng xách tay được sử dụng bởi người tiêu dùng, do người đi nước ngoài mang về. Khi các thực phẩm chức năng mang từ nước ngoài về, sử dụng cho cá nhân thì không trong diện quản lý, nhưng nếu dùng các thực phẩm đó mang bán thì phải được cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm và sản phẩm đó phải được dán nhãn phụ theo quy định. Bán hàng với các sản phẩm không có công bố này là vi phạm. Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Y tế phối hợp với các bộ liên quan để quản lý tốt hơn về thị trường này, tuyên truyền để người dân nhận thức đúng về các thực phẩm chức năng, quản lý chặt việc bán hàng qua mạng xã hội cũng như xử lý nghiêm các vi phạm…
Đối với chất vấn về tình trạng thiếu thuốc hiện nay ở các cơ sở chữa bệnh, nhất là ở tuyến huyện, tuyến xã, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết được phần nợ đọng tiền bảo hiểm y tế là trên 11.000 tỷ đồng. Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đang phối hợp với các địa phương để phân bổ cho các cơ sở y tế để giải quyết vấn đề nợ đọng. Bộ trưởng cho rằng, số tiền nợ đọng này nếu được gửi lại cho các cơ sở y tế và theo quy định thì đây là một nguồn lực rất lớn để các cơ sở y tế đảm bảo được điều kiện mua thuốc, đấu thầu thuốc…