Thứ Bảy, ngày 4 tháng 1 năm 2025

Bỏ tục đốt vàng mã – nét văn minh trong tín ngưỡng

Nếu bất cẩn, đốt vàng mã sẽ gây ra cháy nổ. Ảnh: Internet

(Thanhuytphcm.vn) – Trong những ngày đầu năm, có lẽ thông tin được dư luận quan tâm, đồng tình ủng hộ là việc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành Công văn số 31 đề nghị bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Bởi lẽ ngay thời điểm này, thời điểm cả nước đang vào mùa lễ hội, việc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có đề nghị chính thức bằng văn bản như một sự cộng hưởng, tạo thành hiệu ứng domino với hy vọng tác động mạnh đến sự thay đổi có hiệu quả trong thực hành tín ngưỡng người Việt. Vấn đề được dư luận quan tâm trong nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Dẫn lời Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, trong các nghi thức, nghi lễ và gốc rễ văn hóa Phật giáo không có tục đốt vàng mã. Đây là hành động không được khuyến khích trong đạo Phật. Hòa thượng cho biết thêm, việc đốt vàng mã là một tín ngưỡng dân gian du nhập từ Trung Quốc, tồn tại lâu dài theo thời gian, người dân mặc định thành hình thức tâm linh nhằm kết nối, gửi gắm nguyện vọng tới người đã khuất. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm, gây lãng phí nhiều tiền của và tiềm ẩn những nguy cơ cháy nổ cao. Trong khi đó, số tiền dùng để mua vàng mã mang đốt có thể dùng vào các hoạt động an sinh xã hội (giúp đỡ người nghèo, xây dựng trường học, bệnh viện…) sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Vậy nhưng, nhiều người với quan niệm “trần sao âm vậy”, cho rằng người cõi âm cũng có nhu cầu như khi ở dương thế và vì quá thương tiếc người thân đã mất, họ sắm đủ thứ vàng mã như quần áo, nhà lầu, xe hơi, điện thoại thông minh, tiền VNĐ, tiền USD... để đốt (hóa), cúng nhân ngày giỗ hoặc các dịp lễ như Rằm tháng bảy, Tết Nguyên đán…, để người đã mất sử dụng ở cõi âm, qua đó cầu mong được đáp lại bằng sự giúp đỡ để đạt được giá trị lợi ích bản thân.

Như vậy, nếu trước đây, tục đốt vàng mã mang tính tượng trưng, mỗi gia đình chỉ cần vài sấp vàng mã cho đủ lễ thì nay nó thay đổi theo hướng thương mại hóa bởi họ cho rằng hàng mã đem hóa vàng “giá trị” cao thì bản thân sẽ được nhận lại lợi ích có giá trị tương ứng, nhiều người đã lạm dụng hàng mã, “lấy tiền thật đổi ra tiền giả”… chỉ để đốt.

Có những nơi thờ tự Phật giáo do không kiểm soát được việc đốt vàng mã tràn lan nên đã xây một hỏa lò lớn làm khu vực dành riêng cho hóa vàng. Vào những dịp lễ, Tết, khu vực này luôn đỏ lửa với số tiền mua hàng mã lên đến hàng tỷ đồng.

Có thể nói, tín ngưỡng là một niềm tin có hệ thống mà con người tin vào để giải thích thế giới nhằm thể hiện giá trị cuộc sống bền vững. Tín ngưỡng là nhân tố cơ bản tạo nên đời sống tâm linh của con người, cũng giống như đời sống vật chất, đời sống xã hội tinh thần, tư tưởng, đời sống tình cảm... Với xã hội phát triển, đời sống văn hóa tâm linh cũng có cơ hội phát triển. Nhu cầu tâm linh cũng là nhu cầu chính đáng của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, kèm theo đó là sự bùng phát những hiện tượng mê tín, dị đoan, không ít người từ quan niệm có thờ có thiêng có kiêng có lành chuyển sang cầu cúng và đốt vàng mã như một “kênh đầu tư” cho cõi âm để mong có thêm những phù trợ cho mình toại ý ở trần gian.

Theo Thượng tọa Thích Nhất Từ, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo: “Trên thực tế, toàn bộ kiêng cữ mang tính tập tục thường là mê tín, thường không có quy luật nhân quả, không có căn cứ khoa học. Do đó, chúng ta không cần thiết phải lo sợ về nó. Vì các lo sợ này là kẻ thù của hạnh phúc. Về bản chất lo sợ là thực phẩm làm cho các tập tục mê tín dị đoan này sống dai, sống dài và sống dở trong cuộc đời của mình”.

Sự thật, trong vòng xoay lẫn lộn giữa tín ngưỡng và mê tín, nhiều người dùng vàng mã để đổi lấy lời xin xỏ, những ham muốn bản thân chứ không phải thể hiện tấm lòng thành kính với người đã khuất. Kính hiếu ông bà tổ tiên là đạo làm người nhưng điều đó nên chăng phải làm nhiều hơn khi còn sống trên đời chứ không phải cứ đốt gửi càng nhiều “của cải” là thể hiện tấm lòng thành kính. Bên cạnh đó, hoạt động đốt vàng mã cũng làm mất đi tính tôn nghiêm ở nơi thời tự và tiềm ẩn nguy cơ gây hỏa hoạn.

Rõ ràng, sự lên tiếng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với vai trò là tổ chức làm công tác dẫn dắt đời sống tâm linh mang sức nặng cần thiết khẳng định tính vô lý, lãng phí của lạm dụng đốt vàng mã. Hy vọng với nỗ lực của các tổ chức tôn giáo và cơ quan quản lý, một tập tục bị lạm dụng gây lãng phí sẽ dần được loại bỏ khỏi đời sống hôm nay và mai sau...

Quốc Việt

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo