Thứ Ba, ngày 10 tháng 12 năm 2024

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Hoàn thiện thể chế để chống tin giả, tin sai sự thật

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 12/11, Quốc hội tiếp hành phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐB) về lĩnh vực thông tin và truyền thông (TTTT).

Trả lời ĐB Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) phương án như thế nào để quản lý mạng xã hội? Về vấn đề quản lý mạng xã hội chống tin giả, tin sai sự thật? Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà mang tính toàn cầu. Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đầu tiên là vấn đề hoàn thiện thể chế. “Trước đây, chúng ta mới quy định xử lý cá nhân sử dụng mạng xã hội khi đưa thông tin sai sự thật, tin giả. Mới đây, chúng ta đã đưa vấn đề xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm luật pháp Việt Nam. Trước đây, chúng ta cho rằng đây là trách nhiệm của quản lý nhà nước, nhưng thật ra trách nhiệm lớn là đối với các nền tảng xã hội” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần truyền thông để mọi người có kỹ năng số, biết sử dụng các nền tảng số, có khả năng đề kháng cho không gian số, đào tạo cho cả thế hệ tương lai (học sinh, sinh viên) là rất cần thiết. Bên cạnh đó, hiện Bộ TTTT đang tập trung vào 3 nhóm, trong đó khi người dân bị ảnh hưởng bởi thông tin sai, tin xấu độc thì có nơi để họ phản ánh, có nơi đề nghị giúp đỡ. Do đó, Bộ TTTT đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm chống tin giả quốc gia và các địa phương cũng thành lập các Trung tâm tương tự.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề, tình trạng tiêu cực của phóng viên, biên tập viên thời gian qua phải chăng do sự bùng nổ của báo chí, tạp chí chuyên ngành trên các lĩnh vực, dẫn đến chất lượng chuyên môn thấp, đi xa tôn chỉ mục đích, vi phạm pháp luật. ĐB đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng trên và cho biết giải pháp để có sự cạnh tranh lành mạnh giữa quảng cáo mạng và thông tin truyền thống?

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Cà Mau Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Cà Mau

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, vấn đề đạo đức phóng viên đang rất được quan tâm trong những năm gần đây. Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế báo chí. Trước đây 80% quảng cáo trực tuyến thuộc về báo chí thì nay thuộc về mạng xã hội, tức là nguồn thu từ quảng cáo đối với các cơ quan báo chí giảm đáng kể. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị năm 2023 về truyền thông chính sách, trong đó xác định rõ chính quyền các cấp phải coi truyền thống chính sách là nhiệm vụ của mình, có bộ máy và có ngân sách hàng năm để đặt hàng cho báo chí. Đây cũng sẽ là nguồn tăng thêm cho báo chí thực hiện.

Về kinh tế báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, báo chí cũng phải thay đổi công nghệ. Hiện đang có chiến lược chuyển đổi số quốc gia cho báo chí để đưa công nghệ của báo chí tương đương với các nền tảng xã hội. Như vậy, vấn đề quan trọng nhất vẫn là đạo đức người làm nghề báo chí. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý, nếu báo chí chạy theo mạng xã hội, chúng ta sẽ đứng ở phía sau, do vậy phải có sự khác biệt với mạng xã hội là dùng công nghệ số để lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, từ đó quảng cáo cũng sẽ tăng lên. Đặc biệt, trong quy hoạch báo chí, có một nội dung rất quan trọng là nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông; đồng thời trong quá trình sửa luật theo hướng, Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực.

Đối với vai trò của báo chí chính thống, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi mạng xã hội ra đời, vai trò đưa tin của báo chí có chiều hướng giảm sút. Vì vậy, báo chí muốn giữ vững vị thế của mình thì cần làm khác mạng xã hội, quay về với giá trị cốt lõi của báo chí là tính xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp. Thay vì đưa tin, thì cần phân tích, đánh giá, đưa ra giải pháp, dẫn dắt, định hướng xã hội. Bộ trưởng nhấn mạnh, báo chí cần nâng cao chất lượng nội dung, để thông tin trên báo chí mang tính chất dẫn dắt dư luận trên mạng xã hội.

Trả lời về việc tắt sóng 2G, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ, nhà mạng phải dùng máy công nghệ mới để bù cho bà con đang sử dụng máy cũ khi tắt sóng 2G. Ở các nước, việc tắt sóng một công nghệ cũ được thực hiện khi chỉ còn dưới 2% số lượng người sử dụng. Ở nước ta, khi tắt sóng 2G, chỉ còn 0,2% người dùng, nên các nhà mạng có thể dễ dàng trong việc bù máy cho bà con. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, về vùng phủ sóng, công nghệ 3G, 4G phủ sóng tương đương với 2G.

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Về tình trạng lừa đảo trực tuyến gia tăng, Bộ trưởng cho biết, có tình trạng nhà nhà thu thập thông tin cá nhân, mà không biết rằng thu thập thông tin cần xin phép, khi thu thập thông tin phải có hệ thống an toàn để bảo vệ thông tin không bị tấn công… Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, năm 2023, 2024, Bộ TTTT coi đây là trọng điểm, tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị dễ để xảy ra lộ lọt thông tin cá nhân. Bộ đã công bố những sai sót của các doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, để nhắc nhở các doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Bộ trưởng cũng nêu rõ, không gian mạng không khác gì không gian thực, nếu không gian thực có bộ, ngành, địa phương, thì không gian mạng cũng có bộ, ngành, địa phương… “Chỉ khi nào việc của nhà nào, nhà đó thực hiện, ai làm gì trong thế giới thực, thì cũng phải thực hiện công tác quản lý ở không gian mạng, chỉ như vậy không gian mạng mới lành mạnh được” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo