Thứ Năm, ngày 10 tháng 7 năm 2025

Bí thư Thành ủy TPHCM đề xuất giải pháp tăng năng suất lao động

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM phát biểu sáng 27/10. Ảnh Vinh Quang
(Thanhuytphcm.vn) - Tại buổi thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng 27/10, cuối buổi sáng, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã có ý kiến phát biểu sâu về giải pháp để tăng năng suất lao động.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phân tích, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 là 4.019 USD, thấp hơn so với Thái Lan (11.633 USD) 3 lần. Trong khi đó, năng suất của Malaysia gấp chúng ta 5 lần; năng suất Hàn Quốc gấp 14 lần, Nhật Bản gấp 18 lần và Singapore gấp 25 lần. Nhiều ý kiến cho rằng sau hơn 40 năm đổi mới mà năng suất lao động Việt Nam bằng 34% của Thái Lan là quá thấp. Đó là vấn đề phải xem lại sự chỉ đạo của Chính phủ triển khai ở các địa phương.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, chúng ta có sự tiến bộ rất đáng kể về năng suất lao động so với các nước xung quanh. Năm 1975, GDP đầu người chúng ta là 79 USD. Năng suất lao động của Thái Lan gấp chúng ta 5 lần thì đến năm 2008 còn gấp 4 lần và 2017 gấp 3 lần, như vậy khoảng cách được thu hẹp liên tục. Năng suất lao động của Mailaysia năm 1975 gấp chúng ta 10 lần, đến 2008 còn gấp 7 lần và 2017 gấp 5 lần. Năng suất lao động ở Nhật Bản năm 1975 gấp chúng ta 50 lần, năm 2008 gấp 30 lần và năm 2017 gấp 18 lần. Như vậy, Việt Nam đã liên tục thu hẹp khoảng cách năng suất so với một số nước trong hoàn cảnh họ cũng tăng năng suất. “So với năm 1975 thì chúng ta thu hẹp với Thái Lan từ 5 xuống 3 lần, Nhật Bản từ 50 lần xuống 18 lần. Tuy nhiên, cũng phải hỏi rằng chúng ta có thể tăng năng suất lao động nhanh hơn được không thì để trả lời có thể tăng nhanh hơn. Nhưng không thể nhanh đến mức không phù hợp với điều kiện của nền kinh tế và quy luật kinh tế”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu.

Mặt khác, ĐB TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng lo lắng trước xu hướng năng suất lao động tăng, trong đó yếu tố vốn đóng vai trò quan trọng, việc này đã kéo dài suốt 30 năm qua. Theo đồng chí Nguyễn Thiện nhân, năng suất lao động có 2 loại thước đo khác nhau là năng suất lao động kỹ thuật và năng suất lao động kinh tế. Năng suất lao động kỹ thuật đo bằng giá trị hiện vật, bằng sản phẩm do một người lao động tạo ra trong một giờ (số áo một người công nhân may được trong một giờ, số diện tích m2 tường xây dựng công nhân xây trong một giờ và số điện thoại di động công nhân lắp ráp được trong một giờ hay số lúa thu hoạch trong một 1ha sau một vụ, số kg rơm/m2 trong một vụ..). Năng suất lao động kỹ thuật này phụ thuộc vào trình độ công nghệ năng suất và thiết bị máy móc được ứng dụng, phụ thuộc vào chất lượng vật tư, trình độ lao động, phương pháp trả lương, chất lượng quản lý. Trong đó yếu tố quyết định của năng suất lao động kỹ thuật chính là trình độ công nghệ của thiết bị và khả năng của người lao động sử dụng thiết bị. Còn năng suất kinh tế đo bằng giá trị gia tăng một lao động tạo ra và nó bằng năng suất kỹ thuật nhân với giá bán một sản phẩm trừ đi chi phí làm ra sản phẩm, không kể chi phí lao động. “Khác với năng suất lao động kỹ thuật, năng suất lao động kinh tế còn có yếu tố thị trường, đó là giá bán sản phẩm và chi phí làm ra sản phẩm, không kể chi phí lao động”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phân tích.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh, năng suất cà phê của Việt Nam rất cao, sản lượng thuộc loại cao nhất thế giới, nhưng thu nhập không cao. Bài học là sản xuất công nghiệp nếu chỉ dựa vào khâu sản xuất mà không phủ 2 khâu là thiết kế và tiêu thụ thì không thể có năng suất kinh tế cao. Trong nông nghiệp, hộ nông dân cá thể có thể là người sản xuất giỏi nhưng không thể là kinh doanh giỏi vì không biết dự báo nhu cầu thị trường, không biết tiêu thụ sản phẩm.

Từ những phân tích đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị để xử lý bài toán năng suất ở Việt Nam cần quan tâm đến 8 nhóm yếu tố chi phối năng suất lao động. Một là nâng cao trình độ công nghệ của sản xuất, trong đó có một xu hướng tương quan rất quan trọng. Năng suất lao động của các quốc gia tỷ lệ thuận trực tiếp với vốn của xã hội trên lao động. Nói một cách khác, đầu tư xã hội trên 1 lao động bao nhiêu thì năng suất lao động cũng tương thích bấy nhiêu. Thứ hai, cần xác định mô hình sản xuất phù hợp, cơ chế kinh tế bao cấp, sản xuất theo tập trung không đem lại hiệu quả cao, chúng ta phải chuyển sang cơ chế thị trường. Nhưng trong nông nghiệp, hộ sản xuất cá thể vẫn còn đa số, điều đó không cho phép năng suất kinh tế cao phải chuyển sang mô hình tập thể, hợp tác xã. Thứ ba, phải đi đồng độ 3 khâu sản xuất, đó là thiết kế sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu.Thứ tư, thị trường tín dụng phải đủ mạnh, phù hợp cho các loại hình doanh nghiệp để phục vụ nhu cầu tăng vốn. Thứ năm, quan tâm đến thị trường sản phẩm cả trong nước và nước ngoài đó là kích cầu trong nước. Thứ sáu, nâng cao trình độ người lao động. Thứ bảy, đầu tư cho nghiên cứu khoa học một cách xứng đáng.

Cuối cùng, đó là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, công khai, minh bạch, nghe dân, vì dân. Một thống kê cho thấy, không cần tăng đầu tư nhưng nếu chính quyền minh bạch sẽ giúp doanh nghiệp quyết định đầu tư nhanh hơn, hiệu quả hơn và GDP có thể tăng thêm 0,5 - 1,5 %.

Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo