Ban tổ chức trao Tập thống kê hiện vật thuộc di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố cho 7 di tích.(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 23/11, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM và Hội Di sản văn hóa TPHCM tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ XVI (23/11/2005 - 23/11/2021) và tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị đình làng ở TPHCM”.
Tham dự có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thọ Truyền, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao TPHCM Trần Thế Thuận, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM Lê Tú Cẩm.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM Lê Tú Cẩm khẳng định, Đình là ngôi nhà chung có kiến trúc đặc biệt, là biểu tượng của cộng đồng làng xã. Đình làng không chỉ là nơi thờ vị Thần Thành Hoàng của làng mà còn là nơi hội họp để giải quyết việc làng, nơi tổ chức hội hè, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng làng xã người Việt đã có từ lâu đời. Đình làng xưa thực hiện 3 chức năng chủ yếu: chức năng tín ngưỡng, chức năng hành chính và chức năng văn hóa.
Ngày nay, TPHCM còn khoảng 300 ngôi đình làng và thực hành chức năng tín ngưỡng để duy trì việc tổ chức lễ hội cúng đình hàng năm. Hiện TPHCM có 185 di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP xếp hạng di tích, trong đó có Đình làng chiếm tỷ lệ cao, gồm 53 di tích, các Đình làng TPHCM có quá trình hình thành và phát triển từ trên 100 đến hơn 300 năm.
Ở TPHCM, có những ngôi đình không chỉ chứa đựng giá trị kiến trúc nghệ thuật, giá trị di sản văn hóa phi vật thể về tập quán thờ cúng, tưởng nhớ người có công mà còn chứa đựng cả giá trị lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm như đình Bình Đông, đình Phong Phú, đình Cây Sộp, đình Hanh Phú…
Theo ý kiến của các chuyên gia tại tọa đàm, không chỉ di tích Đình làng mà bất kỳ di tích lịch sử, văn hóa nào cũng cần phải bảo tồn cả giá trị di sản vật thể là công trình kiến trúc, lẫn các giá trị di sản phi vật thể chứa đựng bên trong nó. Có bảo tồn được cả hai thì di tích mới có linh hồn, có sức sống, mới phát huy được giá trị của di tích. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể Đình làng luôn được UBND TP đầu tư ngân sách năm sau cao hơn năm trước, cùng với nguồn vốn xã hội hóa của nhân dân trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích, trong đó có các di tích Đình làng đã góp phần to lớn trong công tác bảo vệ di tích. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế cần tu bổ vì sự xuống cấp ngày càng nhiều của di tích.
Những năm gần đây, một số đình đã quảng bá hình ảnh, giới thiệu về giá trị văn hóa của đình để thu hút khách du lịch. Nhưng bên cạnh đó, cần có những hoạt động sống động thường xuyên tại đình, tái hiện những sinh hoạt vốn có từ xa xưa của các ngôi đình như tập luyện võ nghệ, truyền bá kiến thức và thực hành y học cổ truyền dân tộc, là nơi sinh hoạt cộng đồng về ca nhạc dân tộc, diễn xướng dân gian…
Tại buổi lễ, Trung tâm Bảo tồn di tích và Hội Di sản văn hóa TPHCM tổ chức trao Tập thống kê hiện vật thuộc di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố cho 7 di tích.