Trung tướng, GS-TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân kết luận tại hội thảo (Thanhuytphcm.vn) - Trong giai đoạn hiện nay, an ninh và phát triển Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức lớn. Bảo vệ quyền con người là một trong những nội dung trọng tâm của đảm bảo an ninh con người ở Việt Nam, vì vậy, cần chính thức đưa vấn đề an ninh con người vào chương trình xây dựng pháp luật, mở rộng chiến lược bảo vệ an ninh tổ quốc; chủ động tham gia vào các diễn đàn quốc tế về an ninh con người. Đó là nhận định của các đại biểu tại hội thảo khoa học “Đảm bảo an ninh xã hội, an ninh con người kinh nghiệm của Việt Nam và Quốc tế” diễn ra vào ngày 10/11 do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp tổ chức.
Tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo quyền con người
Tại hội thảo, PGS-TS Vũ Văn Nhiêm, Trường Đại học Luật TPHCM cho rằng, an ninh quốc gia là một trong những hình thức đảm bảo an ninh xã hội, đồng thời là một trong những phương diện chủ yếu của an ninh con người. “Quyền con người có quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời với an ninh con người” - PGS-TS Vũ Văn Nhiêm khẳng định.
Còn Thiếu tướng, PGS-TS Vũ Đức Khiển, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II cho rằng, an ninh con người và bảo đảm an ninh con người đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đối với TPHCM, trong những năm qua, vấn đề “An ninh con người” ở TPHCM, đã được Đảng bộ, chính quyền TP quan tâm thực hiện và cũng có những bước phát triển như đảm bảo công bằng xã hội trong mối quan hệ hài hoà và gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, giữa đầu tư phát triển kinh tế với đầu tư bảo đảm phúc lợi xã hội.
Thiếu tướng, PGS-TS Vũ Đức Khiển đề nghị TP cần phát huy vai trò và trách nhiệm của từng cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng theo tinh thần xã hội hoá; thực hiện chính sách xã hội để giảm nghèo, bảo đảm đời sống của mọi người dân, góp phần quan trọng tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, tạo sự công bằng, đồng thuận xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, để đảm bảo an ninh con người của TP. Bên cạnh đó, TP cũng cần tập trung nguồn lực vào các công trình, dự án để thực hiện chương trình đột phá nhằm giải quyết căn bản ùn tắc giao thông, chống ngập nước và ứng phó biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, hướng đến đô thị thông minh… TP cần giải quyết có hiệu quả các khiếu kiện của công dân, không để xảy ra điểm nóng để đảm bảo an ninh chính trị, an ninh cộng đồng, an ninh cá nhân cho con người.
Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân
Cũng tại hội thảo, các đại biểu nêu nhiều ý kiến trao đổi về khái quát kinh nghiệm của quốc tế trong bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người hiện nay; mối quan hệ biện chứng giữa an ninh xã hội, an ninh con người hiện nay với an ninh quốc gia; những nội dung để bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người hiện nay trong điều kiện mới; các giải pháp khả thi góp phần bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người hiện nay ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay; một số vấn đề an ninh xã hội, an ninh con người trên địa bàn TPHCM hiện nay.
Theo Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Đức Khiển (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân II), để bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam hiện nay, Nhà nước cần phải thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản sau: xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội; đảm bảo cung cấp các dịch vụ công cho xã hội; thực hiện quá trình phân phối nguồn lực và lợi ích theo nguyên tắc đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động của đời sống xã hội; xây dựng, quản lý và điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; Nhà nước đại diện cho quốc gia, dân tộc tham gia vào các hoạt động chung của khu vực và thế giới.
PGS-TS Vũ Đức Khiển, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II phát biểu PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP nêu thực trạng về tình hình an ninh, trật tự đang diễn ra tại các cơ sở y tế trên cả nước, trong đó có TPHCM, cho thấy các sự cố liên quan đến an ninh y tế, nhất là trong hoạt động khám chữa bệnh, nhất là tình trạng “cò” tại các bệnh viện; tệ nạn buôn bán gây mất trật tự trong bệnh viện và giả dạng người đi thăm bệnh để trộm cắp tài sản của người bệnh và cả tài sản của bệnh viện; hành hung nhân viên y tế, đập phá bệnh viện khi có sự cố y khoa xảy ra; không phải là cơ sở y tế nhưng lợi dụng, giả dạng hình ảnh cơ sở khám chữa bệnh để trục lợi trên sức khỏe người bệnh… ngày càng diễn biến phức tạp cả về số lượng và mức độ ảnh hưởng.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP phát biểu tham luận Trước thực trạng trên, ngành y tế đã triển khai tiếp nhận đường dây nóng phản ánh những bức xúc của người bệnh, triển khai hệ thống ki ốt khảo sát không hài lòng của người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện; triển khai cổng thông tin điện tử của ngành y tế, chủ động đưa các thông tin của ngành nhằm giảm bớt tác động có thể gây nên khủng hoảng truyền thông. PGS-TS Tăng Chí Thượng kiến nghị cần tăng cường phối hợp giữa lực lượng an ninh với ngành y tế để quản lý địa bàn, tránh xảy ra các tình trạng biểu hiện rối loạn thần kinh gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự; đồng thời Quốc hội sớm ban hành bộ luật riêng về đảm bảo an ninh y tế.
Kết luận tại hội thảo, Trung tướng, GS-TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp cho hội thảo khoa học “Đảm bảo an ninh xã hội, an ninh con người kinh nghiệm của Việt Nam và Quốc tế”; đồng thời khẳng định: Việc nghiên cứu an ninh xã hội, an ninh con người, từ đó lựa chọn các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, phù hợp vận dụng vào thực tế của TP, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học và khu vực là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa chiến lược trong giai đoạn hiện nay.