Bối cảnh lịch sử và sự chú ý của báo chí thế giới
Chiến tranh Việt Nam kéo dài hơn hai thập kỷ là một trong những cuộc xung đột được báo chí quốc tế theo dõi sát sao nhất trong thế kỷ XX. Từ những năm 1960, các hãng thông tấn lớn như Associated Press (AP), Reuters, Agence France-Presse (AFP) hay các tờ báo danh tiếng như The New York Times, The Washington Post, Le Monde, Le Figaro, The Guardian… đã cử phóng viên đến Việt Nam để đưa tin trực tiếp từ chiến trường. Đến năm 1975, khi các lực lượng Quân Giải phóng miền Nam tiến hành chiến dịch Hồ Chí Minh, báo chí thế giới tập trung mạnh mẽ vào những diễn biến cuối cùng tại Sài Gòn.
Ngày 30/4/1975, hình ảnh xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập và lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tung bay trên nóc dinh đã trở thành biểu tượng được các nhiếp ảnh gia quốc tế ghi lại. Nổi bật trong số đó là bức ảnh của nữ nhiếp ảnh gia người Pháp Françoise Demulder (1947 – 2008), người đã chụp được khoảnh khắc xe tăng số 390 phá cổng Dinh Độc Lập, xác nhận sự kiện lịch sử này. Bức ảnh của bà, được công bố rộng rãi trên các tờ báo phương Tây, rất nhanh trở thành một trong những hình ảnh biểu tượng của sự kiện ngày 30/4/1975.
Báo chí phương Tây: Sự thất bại của Hoa Kỳ và đồng minh
Báo chí phương Tây, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, tập trung phân tích sự kiện 30/4/1975 như một thất bại quân sự và chính trị lớn của Hoa Kỳ. Tờ The New York Times trong số ra ngày 1/5/1975 đã đăng bài viết với tiêu đề Communists Take Over Saigon; U.S. Rescue Fleet Is Picking Up Vietnamese Who Fled in Boats (Cộng sản tiếp quản Sài Gòn; Hạm đội cứu hộ Hoa Kỳ đang đón người Việt tháo chạy bằng thuyền). Bài viết này được xuất bản vào ngày 30/4/1975 (theo giờ Mỹ, tức ngày 1/5/1975 theo giờ Việt Nam) và mô tả chi tiết sự kiện quân Giải phóng miền Nam tiến vào Sài Gòn cùng với cuộc di tản hỗn loạn của người Mỹ và một số người Việt Nam. Bài viết cũng đề cập sự hỗn loạn tại Đại sứ quán Mỹ, nơi hàng trăm người tìm cách di tản bằng trực thăng trong khuôn khổ Chiến dịch Gió lốc (Operation Frequent Wind).
Một bài viết nổi bật của The Washington Post vào thời điểm đó là Saigon Falls to Communists; U.S. Rescues 6,000 by Copter (Sài Gòn thất thủ vào tay Cộng sản; Hoa Kỳ giải cứu 6.000 người bằng trực thăng), ra ngày 30/4/1975 (theo giờ Mỹ). Bài viết của phóng viên Don Oberdorfer này tập trung vào sự kiện quân Giải phóng miền Nam chiếm Dinh Độc Lập, về cuộc di tản hỗn loạn của người Mỹ và sự đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh…
Ở Anh, tờ The Guardian, có bài The Fall of Saigon (Sài Gòn thất thủ), ra ngày 1/5/1975 của phóng viên Martin Woollacott (1940 – 2021), mô tả sự sụp đổ của Sài Gòn, cuộc di tản hỗn loạn của người Mỹ và sự đầu hàng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Bài viết cũng đề cập tác động địa chính trị, bao gồm việc thất bại của Mỹ làm suy yếu “thuyết Domino” và ảnh hưởng đến uy tín của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh.
Trang nhất tờ The New York Times trong số ra ngày 1/5/1975, số báo thông tin đậm nét về thắng lợi của lực cách mạng tại miền Nam Việt Nam.Góc nhìn của báo chí châu Âu: Sự ngưỡng mộ và đồng cảm
Báo chí châu Âu, đặc biệt là từ Pháp và Đức, thể hiện sự ngưỡng mộ trước chiến thắng của một quốc gia nhỏ bé như Việt Nam trước một siêu cường như Hoa Kỳ. Tờ Le Monde của Pháp trong bài viết La Chute de Saigon (Sự sụp đổ của Sài Gòn) ngày 1/5/1975 mô tả chiến thắng của Quân Giải phóng như “một kỳ tích quân sự và chính trị”. Tác giả nhấn mạnh vai trò của sự đoàn kết dân tộc và chiến lược quân sự sáng tạo dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong khi đó, Le Figaro, một trong những tờ báo hàng đầu của Pháp, đại diện cho tiếng nói của tầng lớp trung lưu và thượng lưu, với quan điểm chính trị bảo thủ hoặc trung hữu, trong bài phân tích của Jean d'Ormesson, đăng ngày 2/5/1975, đã nhìn nhận sự sụp đổ của Sài Gòn là kết quả của một chuỗi xung đột kéo dài hơn 30 năm ở Việt Nam. Ông nhấn mạnh rằng thất bại của Việt Nam Cộng hòa không chỉ về quân sự mà còn là sự thất bại của chiến lược phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ. D'Ormesson cho rằng sự kiện này là một bài học lớn cho các nước phương Tây, buộc họ phải xem xét lại cách tiếp cận trong các cuộc xung đột tương lai. Còn trong bài xã luận trên số ngày 3/5/1975, báo này viết: “Đối với Hoa Kỳ, cùng với trận Trân Châu Cảng, đây là thất bại có lẽ nghiêm trọng nhất trong toàn bộ lịch sử 20 năm đã qua”…
Còn tờ Der Spiegel, một tạp chí nổi tiếng của Tây Đức, đã đưa tin về sự kiện 30/4/1975 trong số báo xuất bản ngày 5/5/1975. Bài viết chính liên quan đến sự kiện này nằm trong mục “Ausland” (Quốc tế) với mô tả: “Thế giới chứng kiến những người Mỹ cuối cùng ở Sài Gòn chạy đến trực thăng của họ: Cuộc rút lui của Mỹ khỏi Việt Nam giống như một cuộc chạy trốn. Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ tự hỏi giá trị liên minh của một siêu cường phải đối mặt với thảm họa chính sách đối ngoại lớn nhất trong lịch sử của mình đáng giá bao nhiêu”…
Bức ảnh của nữ nhiếp ảnh gia người Pháp Françoise Demulder (1947 – 2008), người đã chụp được khoảnh khắc xe tăng số 390 phá cổng Dinh Độc LậpNhững lời ngợi ca từ Cuba
Cuba, dưới sự lãnh đạo của Fidel Castro, là một trong những nước xã hội chủ nghĩa nhiệt tình ủng hộ Việt Nam, coi cuộc chiến ở Việt Nam là biểu tượng của cuộc đấu tranh chống đế quốc toàn cầu. Báo chí Cuba tập trung vào khía cạnh cảm xúc và tinh thần cách mạng, xem Việt Nam như một hình mẫu cho các nước Mỹ Latin đang đấu tranh chống Mỹ và các chế độ độc tài thân Mỹ.
Granma (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba) trong bài La caída de Saigón, derrota de EE.UU. que sacudió al mundo (Sự sụp đổ của Sài Gòn, thất bại của Hoa Kỳ làm rung chuyển thế giới) – đăng ngày 30/4/2008, mô tả chi tiết về sự kiện Sài Gòn thất thủ, nhấn mạnh rằng đây là một thất bại lớn của Hoa Kỳ và đã gây chấn động toàn cầu. Bài báo cũng đề cập những hình ảnh lịch sử, như việc Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin rời khỏi Sài Gòn bằng trực thăng từ nóc tòa đại sứ, biểu tượng cho sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn.
Bài viết Vietnam, epopeya de ayer y hoy (Việt Nam, bản anh hùng ca của hôm qua và hôm nay), đăng ngày 30/4/2010, đã tái hiện lại khoảnh khắc lịch sử khi Sài Gòn được giải phóng, đánh dấu sự kết thúc của chiến tranh Việt Nam. Bài báo ca ngợi tinh thần chiến đấu bất khuất của nhân dân Việt Nam và nhấn mạnh rằng chiến thắng này không chỉ là của Việt Nam mà còn là biểu tượng cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc trên toàn thế giới.
Còn bài La victoria definitiva de Vietnam (Chiến thắng cuối cùng của Việt Nam), đăng ngày 30/4/2015, phân tích sâu sắc về thất bại của Hoa Kỳ tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng chiến thắng của nhân dân Việt Nam đã làm đảo lộn chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ. Bài báo cũng đề cập những hậu quả nặng nề mà Việt Nam phải gánh chịu sau chiến tranh, như hơn 1 triệu người thiệt mạng và hậu quả của chất độc hóa học. Tuy nhiên, với tinh thần kiên cường, Việt Nam đã vượt qua khó khăn và đạt được những thành tựu đáng kể trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước…
Nhìn chung, báo chí thế giới không chỉ đưa tin về ngày 30/4/1975 mà còn phân tích sâu sắc ý nghĩa và di sản của sự kiện này. Nhiều báo cho rằng chiến thắng của Việt Nam sẽ có tác động lâu dài đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, buộc nước này phải xem xét lại chiến lược can thiệp quân sự. Báo chí quốc tế cũng ghi nhận rằng chiến thắng ngày 30/4/1975 đã truyền cảm hứng cho các phong trào giải phóng dân tộc trên toàn cầu. Nhiều bài viết nhấn mạnh rằng chiến thắng này là minh chứng cho sức mạnh của ý chí dân tộc và sự hỗ trợ quốc tế.
Ngày 30/4/1975 là một sự kiện có tầm vóc lịch sử, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với thế giới. Báo chí quốc tế đã phản ánh sự kiện này qua nhiều lăng kính: từ sự thất bại của Hoa Kỳ, sự ngưỡng mộ trước chiến thắng của Việt Nam, đến những lo ngại về tương lai của đất nước và khu vực. Hầu như các báo lớn trên thế giới đều đã cung cấp những góc nhìn đa dạng, từ phân tích quân sự, chính trị đến khía cạnh nhân đạo và văn hóa. Những bài viết này không chỉ ghi lại lịch sử mà còn góp phần định hình cách thế giới nhìn nhận về Việt Nam và cuộc chiến tranh kéo dài hơn hai thập kỷ.
Dù có những cách tiếp cận khác nhau, báo chí thế giới đều đồng ý rằng ngày 30/4/1975 là một bước ngoặt và mở ra một chương mới cho Việt Nam.