Đối ngoại Việt Nam trong những năm đổi mới
Nội dung chính của bài viết này đã đánh giá toàn diện những thành tựu của công tác đối ngoại trong 35 năm đổi mới, nhìn lại những bài học kinh nghiệm và truyền đi thông điệp yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam đến với cộng đồng thế giới.
Tổng Bí thư khẳng định rằng bất cứ một quốc gia nào cũng đều phải xử lý 2 vấn đề căn bản là đối nội và đối ngoại. Và, đối ngoại ngày nay là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư đã nhắc lại truyền thống, bản sắc riêng của đối ngoại Việt Nam đầy hào khí, đây tính nhân văn, hòa hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo!”; “Dập tắt chiến tranh cho muôn thở”; “Mở rộng nền hòa bình muôn thuở” (Nguyễn Trãi). Truyền thống và bản sắc tốt đẹp ấy đã được bồi đắp, phát huy và tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh.
Từ chiều sâu văn hóa của dân tộc, từ truyền thống đối ngoại hòa bình, hòa hiếu đặc sắc của dân tộc, nhất là phát huy tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư đã khẳng định, Đảng ta đã kế thừa và không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở vì hòa bình, hợp tác, phát triển và đã thu được những thành tựu vượt bậc, nhất là qua 35 năm đổi mới đất nước.
Năm 1975, nước Việt Nam đã độc lập thống nhất. Ngày 20/9/1977, Việt Nam đã chính thức được kết nạp là thành viên Liên hợp quốc (LHQ). LHQ hiện có 193 nước thành viên, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 nước. LHQ có nhiều cơ quan, tổ chức, trong đó có cơ quan quan trọng nhất là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đây là cơ quan chính trị quan trọng nhất và hoạt động thường xuyên của LHQ, chịu trách nhiệm chính về việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, khuyến nghị kết nạp các thành viên mới của LHQ vào Đại hội đồng và thông qua bất kỳ thay đổi nào đối với Hiến chương LHQ. Những nghị quyết của Hội đồng Bảo an được thông qua mà phù hợp với Hiến chương LHQ thì bắt buộc các nước hội viên của LHQ phải thi hành. Hội đồng Bảo an có 5 nước thành viên thường trực và 10 nước không thường trực. Việt Nam đã 2 lần được bầu là thành viên cơ quan tối cao này của LHQ. Ngày 6/10/2007, Việt Nam đã được bầu cho nhiệm kỳ 2008 - 2009 với 183/190 thành viên LHQ khi ấy, đạt 96% (chỉ cần 127 phiếu là đạt). Ngày 7/6/2019, Việt Nam tiếp tục được bầu là Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ cho nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu gần như tuyệt đối là 192/193 phiếu bầu.
Trên các diễn đàn lớn của quốc tế, tiếng nói của Việt Nam ngày càng có trọng lượng và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam đã hoàn thành trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ cả 2 lần và đều để lại những ấn tượng sâu sắc trước cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, năm 2021, với vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ “Việt Nam đã công bố bảy ưu tiên quan trọng được thế giới ủng hộ và thúc đẩy bảy ưu tiên rất mạnh; có sáng kiến và thúc đẩy thành lập ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh (ngày 27/12). Ngoài ra, Nghị quyết về hợp tác ASEAN - LHQ do Việt Nam thay mặt ASEAN chủ trì soạn thảo nội dung và thương lượng đã được LHQ thông qua với con số kỷ lục là 110 nước đồng bảo trợ”. Đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế của Việt Nam ngày càng phát huy hiệu quả khi Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tham gia nhiều tổ chức quốc tế, nhiều hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc. Bằng vị trí chiến lược của mình trong địa chính trị thế giới, với uy tín và vị thế, Việt Nam được chọn tổ chức nhiều hoạt động, nhiều hội nghị, nhiều diễn đàn lớn của quốc tế, trong đó có cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Hội năm 2019…
Đảng Cộng sản Việt Nam từ một chính đảng bị thực dân Pháp đặt ra ngoài vòng pháp luật thì đến nay “Đảng ta đã có quan hệ với 247 chính đảng ở 11 quốc gia, bao gồm khoảng 90 đảng cộng sản và công nhân quốc tế, các đảng cầm quyền và tham chính có vai trò quan trọng[2]”.
Tất cả những thành tựu ấy chứng minh cho 4 thành tựu nổi bật mà Tổng Bí thư đã nêu lên trong bài viết của mình. Một là, từ phá thế bị bao vây, cấm vận, chúng ta đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá, thuận lợi cho công cuộc đổi mới. Hai là, chúng ta đã tạo dựng được môi trường quốc tế thuận lợi và huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế - xã hội. Ba là, đối ngoại đóng vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Bốn là, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm vào việc giữ vững hoà bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới.
Nét đặc sắc của bản sắc ngoại giao “Cây tre Việt Nam”
Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư khẳng định trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển" ("Thân gầy guộc, lá mong manh, mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi!"), thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch HĐNN và HĐBT Cuba Raul Castro Ruz (La Habana, 29/3/2018) (Ảnh: TTXVN) Nội hàm của ngoại giao bản sắc “Cây tre Việt Nam” là mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, "tuỳ cơ ứng biến", "lạt mềm buộc chặt"!
Nhìn lại lịch sử, chúng ta đều biết rằng năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời nhưng đã không được quốc gia nào trên thế giới công nhận. Để phá thế bị cô lập ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên tiếp ký với các đại diện Chính phủ Pháp các bản Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 (Hiệp định sơ bộ Pháp - Việt) và Tạm ước 14-9-1946. Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 có nội dung “Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do trong Liên bang Đông Dương và trong khối Liên hiệp Pháp, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng”. Có thể thấy đây là hiệp ước quốc tế đầu tiên công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Việt Nam đã trải qua quá trình đàm phán đầy cam go, vô cùng uyển chuyển, khôn khéo để ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam…
Phát huy ngoại giao đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam” trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế hiện nay
Tổng Bí thư khẳng định: Để “Ngoại giao cây tre” trở thành trường phái đối ngoại riêng của Việt Nam trong thời gian tới ngành ngoại giao cần quán triệt những quan điểm mới về ngoại giao đã nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng là: ngoại giao là một “mặt trận”, giữ vai trò “tiên phong”, tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam; ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chiến tranh, “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”…
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế[3]". Trong bài phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, Tổng Bí thư đã phân tích cặn kẽ, sâu sắc vai trò các nhiệm vụ ngoại giao: giữ vững hòa bình, ổn định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; nâng cao vị thế và uy tín đất nước là nhiệm vụ quan trọng. Từ đó, đề ra phương châm chỉ đạo: mạnh dạn đột phá, sáng tạo trong công tác, tìm ra cách làm mới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, tìm hiểu các đối tác mới, hướng đi mới.
Tổng Bí thư đã đúc kết năm bài học sâu sắc cho ngành Ngoại giao: Thứ nhất, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế. Thứ hai, kiên định nguyên tắc và linh hoạt về sách lược. Thứ ba, xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Thứ tư, bài học về công tác xây dựng tổ chức bộ máy và công tác cán bộ. Thứ năm, bài học về sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn[4]”. Trường phái ngoại giao bản sắc “Cây tre Việt Nam” mà người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nêu ra sẽ giúp cho “cái chiêng” (thực lực) của Việt Nam đã sẵn có thêm “cái tiếng” (ngoại giao) để Việt Nam cùng sánh bước với các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Vũ Trung Kiên
----------------
[1] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 201
[2] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 185
[3] Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t1, tr. 161 - 162
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 147