Phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn) (Thanhuytphcm.vn) - Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc trong hôm khai mạc, ngày 26/1/2021, đã nêu lên 5 bài học kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn công cuộc đổi mới, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Trong đó, bài học thứ tư là về sự hài hòa giữa các yếu tố có thể coi là một đúc kết hết sức quan trọng về phương hướng, cách thức phát triển đất nước. Đó là:
Thứ nhất, bảo đảm hài hòa giữa kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển. Báo cáo chính trị nhiều lần nhắc đến yêu cầu đổi mới, như đổi mới sáng tạo, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới tư duy, đổi mới giáo dục, đổi mới mô hình tăng trưởng… Điều đó cho thấy, đổi mới là một yêu cầu tất yếu của đất nước, của Đảng trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, Đảng ta cũng nhấn mạnh sự kiên định, như kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng… Như vậy, đổi mới để phát triển và phát triển mạnh mẽ hơn nữa nhưng nếu không kiên định thì sự phát triển đó có thể đi theo một hướng khác, nhất là chệch mục tiêu xã hội chủ nghĩa như Đảng ta đã nhiều lần cảnh báo. Điều đó có nghĩa, đổi mới là sự vận dụng linh hoạt các nguyên tắc, các định hướng, các mục tiêu, nhằm bảo đảm sự đổi mới mạnh mẽ nhất có thể nhưng trong khuôn khổ cho phép, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu cách mạng.
Thứ hai, hài hòa giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hóa, xã hội. Bài học của Liên Xô và một số nước Đông Âu trước đây trong cải tổ, đổi mới vẫn còn nguyên giá trị, khi các nước tập trung đổi mới chính trị trong khi đổi mới không đồng bộ kinh tế, văn hóa, xã hội, đã dẫn đến sụp đổ. Trong bối cảnh hiện nay, nếu vì mục tiêu đổi mới kinh tế nhằm có được tỷ lệ tăng trưởng nhanh, đạt các thành tựu kinh tế bề nổi thì có thể để lại những hậu quả nặng nề về chính trị, văn hóa, xã hội. Sự bùng phát của mặt trái kinh tế thị trường trong thời gian qua là một thí dụ. Nhưng ở khía cạnh khác, nếu đổi mới chính trị không theo kịp đổi mới kinh tế thì có thể làm kìm hãm phát triển kinh tế hoặc làm lệch lạc mục tiêu cách mạng về văn hóa, xã hội. Chẳng hạn, để kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ mà không thực hiện yếu tố định hướng xã hội chủ nghĩa thì sẽ phát sinh những vấn đề phức tạp như băng hoại đạo đức, hủy hoại môi trường, phân hóa giàu nghèo… Do đó, yêu cầu hài hòa này thực sự rất có ý nghĩa trong điều kiện của nước ta hiện nay.
Thứ ba, hài hòa giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự phát triển của nền kinh tế luôn chịu sự tác động của các quy luật thị trường, như quy luật giá cả, quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu…, và điều này có thể làm méo mó thị trường, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, nhất là với các nhóm đối tượng yếu thế. Do đó, yêu cầu bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa là rất cần thiết để có mục tiêu tiến bộ (như bảo đảm dân giàu, nước mạnh chứ không phải tạo ra lợi ích riêng cho một nhóm người…), có chế độ sở hữu phù hợp (thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về các tư liệu sản xuất chủ yếu, kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo…), có sự phân phối hợp lý (nhằm hạn chế cách biệt giàu nghèo, cách biệt vùng miền…). Đây thực sự một yêu cầu hài hòa rất quan trọng.
Thứ tư, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Ở nước ta, từng có lúc sự tăng trưởng kinh tế là mục tiêu hàng đầu mà các yếu tố khác về văn hóa, con người, môi trường… chưa được xem trọng đúng mức. Hậu quả là tài nguyên bị khai thác quá mức, đạo đức xã hội có dấu hiệu bị xuống cấp, ô nhiễm môi trường ở một số nơi ngày càng nghiêm trọng… Điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của người dân. Do đó, đặt ra yêu cầu bảo đảm hài hòa giữa các yếu tố này là hết sức cần thiết và trên thực tế cần có những giải pháp phù hợp để ngăn chặn sự lệch lạc trong định hướng phát triển, đồng thời phải triệt để khắc phục các hậu quả trước đây.
Thứ năm, hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề quốc phòng - an ninh vẫn hết sức phức tạp với các yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống đan xen nhau. Đảng ta nhận định xu thế hòa bình là chủ đạo nhưng cũng đồng thời nhìn nhận các nguy cơ về tranh chấp chủ quyền, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh kinh tế… vẫn diễn ra gay gắt. Đặc biệt, các âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ… vẫn luôn tiềm tàng nguy hiểm. Do đó, song song với phát triển kinh tế là phải bảo đảm quốc phòng - an ninh và hai yếu tố này có tác động qua lại với nhau; phát triển kinh tế nhằm tăng khả năng bảo đảm quốc phòng - an ninh, còn giữ vững quốc phòng - an ninh là để tạo điều kiện phát triển kinh tế. Việc xem nhẹ yếu tố nào cũng hết sức nguy hiểm.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Quốc Việt) Thứ sáu, hài hòa giữa độc lập, tự chủ với hội nhập quốc tế. Độc lập, tự chủ là một đòi hỏi tất yếu của nước ta trong bối cảnh hiện nay và toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải ra sức giữ vững quyền độc lập, tự chủ. Tuy nhiên, hiện nay, xu thế hội nhập là tất yếu; hội nhập bên cạnh là điều không thể tránh khỏi, đi liền với các thách thức thì cũng tạo ra nhiều cơ hội. Nước ta đã có được vị trí ngày càng cao trên trường quốc tế chính nhờ vào sự hội nhập một cách chủ động và tích cực. Do đó, trên phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, tức là phải “kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ”, nhưng cũng đồng thời “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả” như Báo cáo chính trị Đại hội XIII đã nêu.
Có thể nói, 6 vấn đề cần bảo đảm hài hòa mà Đảng ta đã nêu có tính chỉ nam quan trọng trong định hướng phát triển đất nước nói riêng và sự vận động của cách mạng nước ta nói chung trong thời gian tới. Suy cho cùng, sự hài hòa sẽ bảo đảm sự phát triển, sự vận động được toàn diện, nhiều chiều, phục vụ cho nhiều đối tượng, trong một thời gian dài, chứ không bị lệch về một hướng hoặc chỉ hướng đến một số ít chủ thể, chỉ ở một giai đoạn nhất định… Do đó, từ nhận thức này, Đảng ta cần có những giải pháp và phương thức cụ thể để bảo đảm sự hài hòa được thực hiện đầy đủ, thường xuyên và tích cực!