Bấy giờ, quân đội và chính quyền Pháp tại Đông Dương đã gần tan rã sau khi Nhật tiến hành đảo chính (ngày 9/3/1945); thậm chí trước đó, từ năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương thì thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, tự đánh mất vai trò cai trị của mình. Đến giữa tháng 8/1945, Nhật đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện, thậm chí trước khi đầu hàng, quân Nhật ở khắp nơi, kể cả ở chính quốc hay ở các thuộc địa – đặc biệt là ở Trung Quốc và Triều Tiên – đã bị quân Đồng minh đánh cho tan tác. Ngày 30/8/1945, vua Bảo Đại thoái vị, với lời lẽ khá chân thành và thống thiết: “Hạnh phúc của dân Việt Nam; Độc Lập của nước Việt Nam; muốn đạt mục đích ấy, Trẫm đã tuyên bố sẵn sàng hy sinh hết thảy, và muốn rằng sự hy sinh của Trẫm phải lợi ích cho Tổ quốc... Từ nay Trẫm lấy làm vui được làm dân một nước Độc Lập, quyết không để ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay danh nghĩa của Hoàng gia mà lung lạc quốc dân nữa”.
Như vậy, bối cảnh khách quan đã tạo ra một cơ hội (hay vẫn được gọi là “thiên thời”) vô cùng thuận lợi, trăm năm có một. Nhưng nếu chỉ có “thiên thời” mà không có “địa lợi”, và đặc biệt là “nhân hòa”, thì thời đó cũng chỉ là các sự kiện vô nghĩa. Vấn đề cốt yếu ở đây là khi trong tay đã có các điều kiện cụ thể mới có thể nhận thấy các sự kiện đó là một cơ hội thực sự.
Điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam bấy giờ có thể khái quát ở mấy điểm chính sau:
Thứ nhất, về việc xác định thời cơ, lúc này tình thế đã hoàn toàn khác với thời điểm ngày 9/3/1945, khi Nhật đảo chính Pháp. Lúc đó, trong Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (ngày 12/3/1945), Đảng ta đã nhận định là “những điều kiện khởi nghĩa chưa thực chín muồi”, do giữa Pháp và Nhật “chưa chia rẽ, hoang mang, do dự đến cực điểm”; sự giác ngộ và đồng lòng của nhân dân cần có thêm thời gian tuyên truyền, vận động; lực lượng chưa được chuẩn bị đủ và sẵn sàng. Đến tháng 8/1945, tình thế đã thay đổi: Pháp chưa nắm lại được chính quyền, Nhật thì hoang mang cực độ, chế độ quân chủ gần như sụp đổ, nhân dân đã vùng dậy (từ tự phát phá kho thóc của Nhật đến việc nổi dậy giành chính quyền ở cơ sở tại một số nơi), lực lượng đã được chuẩn bị cơ bản, không chỉ ở chiến khu Việt Bắc mà còn nhiều nơi khác…
Thứ hai, về chủ trương, từ tháng 3 đến tháng 8/1945, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương nhằm chuyển hướng đấu tranh cách mạng, củng cố lực lượng… Bằng nhiều hình thức, Trung ương Đảng đã chỉ đạo các Xứ ủy Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ đề ra các nhiệm vụ cụ thể trong phạm vi hoạt động của mình. Đặc biệt, ngày 17/7/1945, Tổng Bí thư Trường Chinh đã có bài viết Để thống nhất Đảng bộ Nam kỳ hãy kíp đi vào đường lối đăng trên báo Cờ giải phóng, nêu rõ các sai lầm, khuyết điểm của Đảng bộ trong việc đề ra các chủ trương cách mạng. Bài viết nêu rõ: “Khẩu hiệu cách mạng, nhất là khẩu hiệu chiến lược, phải đặt một cách hết sức khách quan, căn cứ vào sự phân tích khoa học tình hình trong nước và ngoài nước, căn cứ vào sự nhận định sáng suốt kẻ thù và các hạng đồng minh xa gần, và cố nhiên phải thích hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn”. Đây thực sự là một định hướng lớn của Đảng đối với phong trào cách mạng cả nước chứ không riêng gì của Nam kỳ.
Thứ ba, về lực lượng, đây là sự chuẩn bị rất dài hơi, nổi bật nhất từ khi lãnh tụ Hồ Chí Minh về nước hoạt động. Tháng 5/1941, chỉ hơn 3 tháng sau khi về nước, Người thành lập Mặt trận Việt Minh để tập hợp các lực lượng tham gia giành độc lập. Từ năm 1941, Người đã viết nhiều tác phẩm về quân sự, như về cách đánh du kích, về binh pháp Tôn Tử, kinh nghiệm chiến tranh của các nước… Người mở nhiều lớp huấn luyện quân sự cho cán bộ, xây dựng căn cứ địa[1]... Ngày 22/12/1944, Người giao đồng chí Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đơn vị vũ trang chính thức đầu tiên của cách mạng, nhưng nhiệm vụ chính không chỉ có hoạt động vũ trang mà còn có hoạt động tuyên truyền. Người cũng tranh thủ các đơn vị của Mỹ trong lực lượng Đồng minh để giúp đỡ vũ khí và tham gia huấn luyện quân sự, đây chính là lực lượng nòng cốt để hành quân về Hà Nội để cùng nhân dân giành chính quyền[2]. Dĩ nhiên, trong quá trình đó, lực lượng tối quan trọng vẫn là các tầng lớp nhân dân đã được giác ngộ, vận động và tập hợp trong nhiều tổ chức, dưới nhiều hình thức.
Thứ tư, về các chỉ đạo cụ thể, tháng 8/1945, Hồ Chí Minh đã có thư kêu gọi khởi nghĩa, ban hành mệnh lệnh khởi nghĩa, công bố Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa… Tiếp đó, Người cùng Trung ương Đảng họp Hội nghị toàn quốc của Đảng (ngày 14 và 15/8/1945) và tổ chức Đại hội Quốc dân ở Tân Trào (ngày 16/8/1945). Đại hội đã nhiệt liệt tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh. Đại hội quyết định toàn dân đoàn kết đứng lên vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền; thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh; bầu Ủy ban Dân tộc giải phóng (tức Chính phủ lâm thời) do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; thống nhất quy định Quốc hiệu, Quốc kỳ, Quốc ca của nước Việt Nam mới…
Như vậy, nếu không có những sự chuẩn bị đó, sự kiện Nhật đầu hàng Đồng minh, Thế chiến II kết thúc, chế độ phong kiến ở Việt Nam sụp đổ… cũng chỉ là các diễn biến khách quan mà không trở thành cơ hội cách mạng, không trở thành thời cơ của một cao trào mang tính quyết định của cách mạng. Bài học chớp thời cơ là rất quan trọng nhưng việc vận dụng thời cơ cũng có ý nghĩa quan trọng không kém. Điều này đã thể hiện rõ nét trong quá trình giành chính quyền ở Nam kỳ. Sau khi Hà Nội và miền Bắc tổng khởi nghĩa thắng lợi, ở Nam kỳ vẫn còn có sự do dự nhất định. Yếu tố khách quan là sự chỉ đạo của Trung ương chưa kịp đến với Xứ ủy Nam kỳ nhưng yếu tố chủ quan có vẻ chi phối: ám ảnh của Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 vẫn còn rất nặng nề, chính vì khởi nghĩa diễn ra khi thời cơ chưa chín muồi đã làm lực lượng bị hao tổn rất lớn. Đứng trước bối cảnh đặc biệt có thể để vuột thời cơ, đồng thời phải chịu trách nhiệm về tồn vong của Đảng bộ Nam kỳ, Xứ ủy và cá nhân Bí thư Xứ ủy Trần Văn giàu đã có quyết định rất sáng suốt là tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền ở Tân An, ngày 22/8/1945. Khởi nghĩa thắng lợi nhanh chóng và giòn giã nên ngày 25/8, khởi nghĩa nổ ra ở Sài Gòn và cũng nhanh chóng giành thắng lợi… Đó chính là năng lực vận dụng thời cơ của bộ máy lãnh đạo của Đảng.
Nắm vững bài học đó, Đảng ta đã nhiều lần giành thắng lợi trong suốt chiều dài đấu tranh giành độc lập. Nổi bật nhất là trong đại thắng mùa Xuân năm 1975, Đảng ta đã liên tiếp có những quyết định sáng suốt và kịp thời để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong đó có việc giải phóng các đảo trong quần đảo Trường Sa trước khi đánh bại hoàn toàn chế độ Sài Gòn.
Thời gian qua, toàn cầu hóa và xu hướng hội nhập quốc tế là một diễn biến khách quan mang tính tất yếu. Đảng ta đã biến nó thành cơ hội khi chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng hội nhập, bắt đầu từ kinh tế, rồi dần là văn hóa, thể thao… cho đến chính trị. Việt Nam đã gia nhập ASEAN, trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc… Vị thế, vai trò và uy tín của nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Hiện nay, dịch Covid-19 đã và đang gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế thế giới nhưng cũng có thể tạo ra một số cơ hội. Cùng với sự tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã có sự chuyển dịch địa bàn đầu tư và quy mô đầu tư, họ đã và đang chọn điểm đến là Việt Nam. Nước ta có thể nắm bắt cơ hội này để thúc đẩy phát triển đất nước trên tinh thần chuẩn bị các điều kiện cần thiết và hấp dẫn để “lót ổ đón đại bàng” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo.
Vì vậy, việc nắm bắt và vận dụng thời cơ của Cách mạng tháng Tám vẫn là bài học lớn của Đảng, của đất nước trong sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay và mai sau!
Vân Tâm
-----------------------------------
[1] Từ đầu tháng 5/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh cho chuyển “đại bản doanh” cách mạng từ Pắc Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Ngày 4/6/1945, Tổng bộ Việt Minh đã triệu tập hội nghị cán bộ, tuyên bố thành lập Khu Giải phóng.
[2] Từ cuối năm 1944 đến đầu năm 1945, bằng sự vận động cá nhân của Hồ Chí Minh, Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ (OSS) tại Côn Minh (Trung Quốc) quyết định cử toán “Con nai” (Deer Team) đến hoạt động ở chiến khu Tân Trào của Việt Minh. Nhiệm vụ của toán “Con nai” là nhảy dù xuống Tuyên Quang, chuẩn bị cơ sở cho Việt Minh tiếp nhận vũ khí và cố vấn huấn luyện quân sự… Ngày 16/8/1945, khi Quân giải phóng xuất phát từ Tân Trào tiến đánh quân Nhật tại thị xã Thái Nguyên, Đại đội Việt - Mỹ và toán “Con nai” cũng tham gia trận đánh này.