Chủ Nhật, ngày 30 tháng 3 năm 2025

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 – 9/7/2022)

Bài học từ tác phẩm Tự chỉ trích

Cuốn Tự chỉ trích do đồng chí Nguyễn Văn Cừ biên soạn sau cuộc tổng tuyển cử Hội đồng quản hạt ở Nam Kỳ, năm 1939. (Nguồn: Ảnh tư liệu)

(Thanhuytphcm.vn) - Tháng 11/1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - trong lúc tạm lánh ở gác xép trên sân thượng của Nhà băng Đông Dương (nay là trụ sở của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam) - đã viết cuốn Tự chỉ trích. Nhà xuất bản Dân chúng phát hành sách này vào ngày 20/7/1939 tại Hà Nội.

Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh giá: “Tự chỉ trích có ý nghĩa và tác dụng quan trọng trong cuộc đấu tranh tư tưởng trong Đảng; tác phẩm chỉ rõ những nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn dân ta trong cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, hòa bình. Đây thực sự là một công cụ sắc bén trong cuộc đấu tranh phê bình và tự phê bình trong Đảng, làm cho Đảng ngày càng thống nhất về tư tưởng và hành động, quần chúng nhân dân càng tin tưởng vào đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng”[1].

Xét tổng thể nhiều mặt, tác phẩm ra đời đã kịp thời lãnh đạo và giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân lao động đang có dấu hiệu phân hóa, chia rẽ, trong đó có việc tranh luận và bàn tán về nguyên nhân thất bại của Mặt trận Dân chủ trong việc tranh cử vào Hội đồng Quản hạt ở Nam kỳ. Trong phần mở đầu sách, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết: “Cũng như tất cả các đồng chí cộng sản khác tôi thấy có bổn phận phải phân tích xác thực hoàn cảnh, không bi quan hoảng hốt mà cũng không đắc chí tự mãn, để tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa lỗi và tiến thủ”. Điều đó cho thấy người đứng đầu Đảng đã không tránh né trước một vấn đề phức tạp về mặt nhận thức và cố gắng lý giải, định hướng bằng một cách hợp lý nhất, thuyết phục nhất, cầu thị nhất.

Tác phẩm Tự chỉ trích gồm các phần: 1. Nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng; 2. Bài học về cuộc tuyển cử Hội đồng Quản hạt Nam kỳ; 3. Đấu tranh về bảo vệ đường lối Mặt trận Dân chủ của Đảng chống tả khuynh và hữu khuynh; 4. Tóm tắt đường lối chiến lược và sách lược của Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Giá trị của tác phẩm này có thể được nhìn ở nhiều góc độ. Tuy nhiên, bài học ở từ tên gọi tác phẩm có sức sống riêng và mang tính lâu bền, nhất là đối với một đảng cách mạng như Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong tác phẩm của mình, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã nêu lên nhiều vấn đề quan trọng về sự tự chỉ trích. Từ đó, chúng ta có thể liên hệ, vận dụng trong bối cảnh hiện nay.

Thứ nhất, tự chỉ trích[2] không phải là công kích Đảng, mạt sát Đảng, đặt danh dự cá nhân lên trên tất cả quyền lợi của Đảng, của cách mệnh. Điều này có nghĩa là có phê bình, góp ý thì phải trên nguyên tắc tôn trọng tính kỷ luật, bảo đảm tính tập trung dân chủ, lấy lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết. Phê bình là để cho Đảng mạnh hơn, tốt hơn, có nghĩa là phục vụ nhân dân hiệu quả hơn. Vì vậy, trong Tự chỉ trích, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết: “Đối với uy tín của Đảng, thì danh dự cá nhân mình không có nghĩa lý gì, hay nói đúng ra không có nữa, vì một người đảng viên cộng sản chỉ biết lấy uy tín lấy danh dự chung của toàn Đảng làm danh dự của mình thôi”.

Thứ hai, Đảng có thể có khuyết điểm, sự sai lầm; điều ấy Đảng phải luôn tự chỉ trích thành thật và mạnh dạn công nhận để sửa đổi. Việc thừa nhận Đảng có khuyết điểm, sai lầm là một sự thẳng thắn và có trách nhiệm. Dù Đảng không còn “trẻ tuổi” như đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết mà sau này khi có “nhiều tuổi” thì vẫn có thể có những hạn chế, sai lầm. Điều này đã được Đảng thừa nhận trong rất nhiều văn kiện. Đảng đã nhận lỗi thì mỗi đảng viên cũng cần tự chỉ trích và nhận lỗi, cả trong nhận thức lẫn hành động, cả trong hoạt động thực tiễn lẫn trong tư duy, cả trong công tác lẫn trong lối sống, cả trong công việc lẫn về mặt đạo đức…

Thứ ba, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ nhưng có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo. Trong Tự chỉ trích, đồng chí Nguyễn Văn Cừ viết: “Căn cứ theo tinh thần những báo cáo và nghị quyết của Đại hội thứ VII của Quốc tế Cộng sản, một sự "bớt tập trung" (décentralisation) là có thể và cần thiết. Phải cần để cho sáng kiến và sự hoạt động, do theo sáng kiến (activité autonome) của các đảng viên, được phát triển”, đồng thời, “mỗi đảng viên có quyền tự do thảo luận và chỉ trích, nhưng phải có nguyên tắc”. Ở đây, yếu tố “tập trung” trong bối cảnh Đảng còn hoạt động bí mật có thể cần được giảm bớt mà đề cao tính dân chủ để phát huy các sáng kiến, sáng tạo của đảng viên. Điều đó hiện hay vẫn có mặt cần học tập, chính là đề cao sự chủ động, tự giác, độc lập, sáng tạo của mỗi đảng viên, khi thực hiện các nhiệm vụ vì lợi ích chung. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ nêu rõ: “Phải làm cho các đảng viên giác ngộ, rõ ràng và đầy đủ trách nhiệm của mình, biết xoay phương hướng trong những hoàn cảnh khó khăn, nghiêm trọng, biết tự chỉ trích đúng và kịp thời những khuyết điểm, sai lầm”.

Thứ tư, chỉ trích, phê bình là để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng được càng thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi. Điều này có nghĩa là, trong Đảng luôn cần tự phê bình và phê bình nhưng phải đem lại lợi ích thiết thực cho Đảng, không vì các động cơ cá nhân. Sự lưu ý của đồng chí Nguyễn Văn Cừ rất đáng quan tâm: “Không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng, đem ý kiến riêng - dù cho đúng - đối chọi với Đảng, vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái chia rẽ trong hàng ngũ Đảng”. Trong bối cảnh hiện nay, điều này càng có ý nghĩa, khi mà thông tin nhiều chiều, đảng viên có nhiều kênh để bày tỏ chính kiến thì tất cả phải có trách nhiệm và phải bảo đảm tính đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Thứ năm, công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp... Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần “tự soi tự sửa” của Đảng ta hiện nay, đồng thời đề cao sự tự phê bình trong nội bộ Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ nhấn mạnh: “Làm như thế không sợ địch nhân lợi dụng, chửi rủa vu cáo cho Đảng, không sợ "nối giáo cho giặc". Trái lại, nếu "đóng kín cửa bảo nhau", giữ cái vỏ thống nhất mà bề trong thì hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa; hơn nữa, đó tỏ ra không phải một đảng tiền phong cách mạng, mà là một đảng hoạt đầu cải lương”. Trên thực tế, thời gian qua, Đảng ta đã đẩy mạnh việc phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũng, tiêu cực và đưa ra khỏi Đảng nhiều trường hợp có vi phạm nghiêm trọng. Tinh thần thẳng thắn, quyết liệt đó đã và đang tạo được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đã hơn 80 năm qua, dù ra đời khi Đảng chưa lên 10 tuổi và chưa giành được chính quyền, nhưng Tự chỉ trích đã nêu lên được nhiều “căn bệnh” của Đảng và soi chiếu với bối cảnh hiện nay, giá trị của tác phẩm vẫn còn nguyên vẹn. Và hẳn trong nhiều năm nữa, đòi hỏi về sự tự chỉ trích trong Đảng vẫn luôn được đặt ra, để bảo đảm Đảng luôn là một đảng cách mạng, luôn là một đảng cách mạng chân chính không có lợi ích tự thân nào khác lợi ích của nhân dân, của dân tộc.

Vân Tâm

____________

[1] Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.653-655, NXB. Chính trị Quốc gia, 2008.

[2] Trong Tự chỉ trích, nguyên văn là “tự chỉ trích Bônsơvích”, đó thể hiểu là tự chỉ trích theo nguyên tắc đảng cách mạng kiểu mới của Lenin, không phải tự chỉ trích theo kiểu vô tổ chức hoặc chỉ trích không theo những nguyên tắc nhất định.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo