Thứ Bảy, ngày 3 tháng 5 năm 2025

Bài 2: Biệt động Thành Sài Gòn - Gia Định - Những chiến công vang dội

Từ trái sang: Bà Vũ Minh Nghĩa (Chín Nghĩa) và bà Nguyễn Thị Bích Nga gặp gỡ các bạn trẻ đến tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định. (Ảnh: Nhandan.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Trong thời kỳ chống Pháp (1945 - 1954) dù biệt động Sài Gòn mới được thành lập, nhưng cũng đã có những trận đánh địch ngay giữa lòng địch ở nội đô gây được tiếng vang lớn cho cách mạng. Bước sang thời kỳ chống Mỹ, lực lượng biệt động phát triển đa dạng, nhiều loại hình tổ chức, đã liên tục có những chiến công vang dội.

Thứ nhất, Biệt động Thành giáng “búa tày xồi” vào đầu quân xâm lược

Trong thời kỳ “Chiến tranh đặc biệt” lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định, trong đó đóng vai trò chủ yếu là lực lượng biệt động đã tiêu diệt quân xâm lược Mỹ nhiều nhất trong toàn miền Nam. Từ những trận chiến đấu nhỏ lẻ như ném lựu đạn, ám sát đã phát triển lên những trận chiến đấu vang dội với kỹ năng chiến thuật tinh vi, điêu luyện như trận đánh cường tập của đội biệt động 159 vào rạp Kinh Đô, nơi có hàng trăm sĩ quan cố vấn Mỹ; đến trận đánh của đội biệt động 65 đánh tàu US Card chở máy bay vũ khí Mỹ; trận đánh khách sạn Caravelle, đặc biệt là trận đánh bằng “mìn nổ chậm” vào cư xá Brink  diệt hàng trăm tên Mỹ…, gây tiếng vang, hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh chính trị và đặc biệt tiêu diệt được một bộ phận lớn sinh lực quân xâm lược.

Thứ hai, Biệt động Thành giáng đòn phủ đầu Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968

Từ khi lực lượng biệt động cấp quân khu được xây dựng, đơn vị F100 được thành lập thì quy mô và hiệu quả của các cuộc chiến đấu trong nội thành ngày càng có tiếng vang lớn. Tiêu biểu là trận đánh cường tập vào Đại sứ quán Mỹ ở đường Hàm Nghi - Quận 1, nhằm “dằn mặt” sự leo thang của Mỹ theo Thông điệp đầu năm của Tổng Thống Lyndon B. Johnson ngày 04 tháng 01 năm 1965 “Mỹ phải có mặt ở miền Nam Việt Nam vì an ninh của bản thân nước Mỹ và hòa bình Châu Á” và cũng để đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của miền Bắc ruột thịt khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Trận đánh này diệt và làm bị thương 190 quan chức Mỹ, ngụy. Sau trận đánh này, quân Mỹ ở Sài Gòn rơi vào tình trạng khiếp sợ và luôn bất an, khi có tiếng nổ là tháo chạy, tìm nơi ẩn náu. Trong những năm từ năm 1965 đến năm 1967, biệt động Sài Gòn còn có nhiều trận đánh gây tiếng vang lớn, như trận đánh nhà hàng Mỹ Cảnh (6/1965 của đội 67), đánh Tổng nha cảnh sát ngụy (6/1965,) diệt gần 100 tên; trận tập kích vào khách sạn Metropol (12/1965); trận đánh vào cư xá hỗn hợp Victoria (4/1965), tiêu diệt 100 tên địch; pháo kích vào lễ đài ngày Quốc khánh ngụy quyền Sài Gòn (11/1966); tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất (12/1966)…

Đêm 30, rạng 31/1/1968 (đêm mùng 1, rạng 2 Tết), 12 chiến sĩ Đội biệt động số 3 đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn. Địch dùng cả xe tăng, bộ binh, máy bay đánh giải tỏa liên tục. Đội biệt động đã chiến đấu quả cảm, đến 6h ngày 31/1, 10 người hy sinh, 2 chiến sĩ biệt động cuối cùng buộc phải dùng bộc phá đánh hỏng các thiết bị phát thanh của địch. (Ảnh: Tư liệu TTXVN) Đêm 30, rạng 31/1/1968 (đêm mùng 1, rạng 2 Tết), 12 chiến sĩ Đội biệt động số 3 đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn. Địch dùng cả xe tăng, bộ binh, máy bay đánh giải tỏa liên tục. Đội biệt động đã chiến đấu quả cảm, đến 6h ngày 31/1, 10 người hy sinh, 2 chiến sĩ biệt động cuối cùng buộc phải dùng bộc phá đánh hỏng các thiết bị phát thanh của địch. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đó là những trận tập dượt cho sự vào cuộc oai hùng của biệt động Sài Gòn - Gia Định gây nên cú “choáng đột ngột” cho kẻ xâm lược trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đêm 30 rạng 31 tháng 01 năm 1968 (đêm mùng 1 rạng mùng 2 Tết), lực lượng biệt động Thành đồng loạt tiến công vào các mục tiêu đầu não của bộ máy Mỹ - ngụy: Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, Đài phát thanh, những nơi vốn được coi là “bất khả xâm phạm”.

Trước giờ G (2 giờ) ngày N (31/1/1968) 3 phút, Đội 5 biệt động Thành là đơn vị đặc biệt tinh nhuệ đã từng tập kích táo bạo nhiều mục tiêu trước đây, gồm 17 người do đồng chí Tô Hoài Thanh chỉ huy đã nổ súng vào mục tiêu trọng điểm là Dinh Độc Lập từ cổng đường Nguyễn Du, gần đường Huyền Trân Công Chúa. Bị địch phản kích dữ dội, Đội 5 buộc phải triển khai đội hình chiến đấu như bộ binh trên đường Nguyễn Du - Thủ Khoa Huân với quân địch đông gấp nhiều lần. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt đã diễn ra đến tận sáng mùng 3 Tết, vượt xa kế hoạch 2 giờ là đánh giữ mục tiêu được giao để quân tiếp viện đến. Dù phải dùng “sở đoản”, song với mưu trí và lòng dũng cảm vô song, lực lượng đã tiêu diệt 2 xe jeep Mỹ, diệt gần 50 tên Mỹ - ngụy. Đơn vị 17 người đã có 10 người hy sinh, còn lại bị thương rồi bị bắt vào sáng ngày 3 tháng 1, đến năm 1973 mới trao trả.

Mục tiêu Đại sứ quán Mỹ dù mới được Bộ Tư lệnh Tiền phương II (Cánh Nam - Tây Nam) giao chưa được một tuần, đội biệt động số 11 gồm 16 người do đồng chí Ngô Thanh Vân (Ba Đen) chỉ huy đã anh dũng chiến đấu, dùng bộc phá đánh thủng một mảng tường, dùng tiểu liên diệt bọn lính gác, đột nhập vào trong khuôn viên, chiếm tầng trệt đến tầng 3 Tòa Đại sứ Mỹ, bắt một số lính Mỹ, thu gom súng đạn. Dù bị phản kích mạnh từ nhiều lực lượng của địch đến ứng cứu, lực lượng biệt động vẫn giữ được mục tiêu 6 giờ; 15 chiến sĩ hy sinh, người chỉ huy - Ngô Thanh Vân (Ba Đen) bị bắt. Đây là trận đánh có tiếng vang xa, làm rung động xã hội Mỹ, làm cho nhân dân Mỹ bàng hoàng và hiểu rõ được thực chất của quân viễn chính Mỹ ở miền Nam Việt Nam, thấy được sự dối trá của chính quyền Mỹ, từ đó tạo nên phong trào đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới, gây sức ép lên chính quyền của Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson lúc bấy giờ.

Trận tập kích vào tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn đêm 30, rạng ngày 31/1/1968 đã gây chấn động dư luận Mỹ và thế giới. Ngày 1/2/1968, hình ảnh Tòa đại sứ Mỹ bị tấn công được đăng trên trang nhất tờ New York Times đã làm bàng hoàng cả nước Mỹ. Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chưa bao giờ người Mỹ lại được nhìn hình ảnh chiến tranh gần và nóng bỏng đến như vậy. (Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN phát) Trận tập kích vào tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn đêm 30, rạng ngày 31/1/1968 đã gây chấn động dư luận Mỹ và thế giới. Ngày 1/2/1968, hình ảnh Tòa đại sứ Mỹ bị tấn công được đăng trên trang nhất tờ New York Times đã làm bàng hoàng cả nước Mỹ. Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chưa bao giờ người Mỹ lại được nhìn hình ảnh chiến tranh gần và nóng bỏng đến như vậy. (Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN phát)

Tại mục tiêu Bộ Tổng Tham mưu ngụy, cụm biệt động 6 - 9 gồm 25 cán bộ chiến sĩ do đồng chí Đỗ Tấn Phong chỉ huy đã tấn công vào cổng số 5 ngã ba Trương Quốc Dung - Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ). Địch sử dụng cả bộ binh, thiết giáp bao vây, cho phi pháo yểm trợ, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Dù trong điều kiện không phải là “sở trường”  của biệt động, nhưng với một lực lượng nhỏ, biệt động Sài Gòn đã tiêu diệt và làm bị thương 100 tên địch, bắn cháy 2 xe GMC. Kết quả, đơn vị biệt động có 10 người hy sinh, 4 người bị bắt và 3 người mất tích.

Tại Đài Phát thanh Sài Gòn, Đội 4 biệt động Thành gồm 14 chiến sĩ do đồng chí Nguyễn Gia Lộc chỉ huy đã đánh chiếm mục tiêu một cách ngoạn mục, chỉ sau 5 phút nổ súng, 10 chiến sĩ Đội 4 đã chiếm lĩnh toàn bộ Đài. Rất đáng tiếc, bộ phận kỹ thuật của ta không vào được để phát sóng Tuyên ngôn của Mặt trận dân tộc giải phóng nên hạn chế tác động của chiến thắng. Sau 4 giờ 31 phút chiếm giữ mục tiêu, vượt xa kế hoạch của Bộ Chỉ huy Phân khu 6 giao, đã tiêu diệt được 38 tên địch, bắn cháy 1 xe bọc thép, 1 xe GMC, song ta cũng có 10 chiến sĩ hi sinh.

Tại mục tiêu Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, Đội 3 biệt động Thành gồm 16 chiến sĩ do đồng chí Nguyễn Văn Lém (Bảy Lớp) chỉ huy cùng đồng chí Mười Lợi, Hai Quốc, gồm 16 chiến sĩ đã chiến đấu ngoan cường trong suốt 4 giờ, diệt 12 tên địch. Kết quả, quân ta có 14 đồng chí hy sinh và 2 người bị bắt.

Tuy có một số đơn vị biệt động như cụm 7 - 8 và đội 90c không tiếp cận được mục tiêu Tổng Nha cảnh sát, Biệt khu Thủ Đô, Nhà lao Chí Hòa và đã phải chịu tổn thất hết sức lớn, song lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định đã “mở đầu xuất sắc cuộc tiến công ở Sài Gòn, gây chấn động lớn” đã lập công đầu  trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Các trận đánh của Biệt động Sài Gòn - Gia Định vào các cơ quan đầu não của bộ máy chiến tranh của địch đã gây tiếng vang lớn, làm rung động cả thế giới, tạo nên sức mạnh tinh thần bất diệt, cổ vũ, thôi thúc khí thế chiến đấu của quân và dân ta, xứng đáng là lực lượng đặc biệt, tinh nhuệ của Quân đội ta - Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng.

Thứ ba, đóng góp to lớn của nữ biệt động Sài Gòn - Gia Định

Biệt động Sài Gòn mang đặc trưng tiêu biểu của “Bộ đội Cụ Hồ” với nguyên nghĩa của nó “từ nhân dân mà ra”. Tham gia biệt động có công nhân, nông dân, thợ thủ công, dân nghèo thành thị, học sinh, trí thức, tiểu thương, tiểu chủ và có cả nhà tu hành, tư sản yêu nước. Trong đó, không thể không nói đến vai trò và vị trí của đội ngũ biệt động nữ Sài Gòn - Gia Định. Hầu như họ có mặt ở các bộ phận của biệt động, từ chiến đấu đến trinh sát, giao liên, cơ sở, cất giấu vũ khí. Từ thời chống Pháp, hình ảnh Nguyễn Thị Lan (Lan Mê Linh) trong bộ áo dài tím hoa cà, dũng cảm nổ súng vào tên phản động Hiền Sĩ trước tòa báo của hắn ở đường Bonard (nay là Lê Lợi) đã làm xôn xao dư luận và cổ vũ mạnh tinh thần kháng chiến của nhân dân Sài Gòn.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Biệt động Thành được thành lập từ các cánh, các đoàn thể, nhất là từ khi biệt động trực thuộc quân khu được thành lập, nữ tham gia biệt động ngày càng đông. Lực lượng giao liên, trinh sát, cơ sở, cất giấu vũ khí phần lớn là phụ nữ. Trong các đội biệt động đóng vai trò chủ lực tấn công vào các mục tiêu chiến lược Xuân Mậu Thân 1968, dường như đội nào cũng có nữ tham gia là thành viên chính. Điển hình như Đội 5 đánh vào Dinh Độc Lập có nữ biệt động Vũ Minh Nghĩa (Chính Nghĩa) là chiến đấu viên trực tiếp trong hơn 2 ngày liền. Hay ở mục tiêu Bộ Tổng Tham mưu ngụy có 5 nữ biệt động tham gia trực tiếp và gián tiếp như Nguyễn Thị Mỹ và Phạm Thị Mỹ (Oanh), Trần Thị Bí, Bùi Thị Lý và Phan Thị Thúy, trong đó, Phạm Thị Mỹ vừa làm liên lạc vừa chiến đấu rất dũng cảm, tạo điều kiện cho đơn vị diệt được hỏa lực trên nhà cao tầng, mặc dù bị thương vẫn bám trận địa chiến đấu đến cùng. Tháng 11 năm 1978, nữ biệt động Phạm Thị Mỹ được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Kể từ khi mới thành lập đến Mậu Thân 1968, Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã tập trung xây dựng các đơn vị biệt động mạnh và xây dựng các cơ sở trong nội thành, trong đó hệ thống kho vũ khí là một trong những công trình lớn nhất, với sự đóng góp quan trọng của nữ biệt động Sài Gòn. Nhắc đến, có thể thấy như 3 kho vũ khí dùng để tấn công mục tiêu Bộ Tổng Tham mưu địch như kho vũ khí số 246/35 đường Nguyễn Huỳnh Đức (nay là đường Huỳnh Văn Bánh, Phú Nhuận) do nữ đồng chí Bùi Thị Lý quản lý; kho 99/1c Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sỹ) Phú Nhuận do vợ chồng đồng chí Phan Thanh Thúy quản lý, Kho 348/386 đường Bình Hòa (Bình Thạnh) do vợ chồng đồng chí Trần Thị Sang quản lý. Đặc biệt, kho vũ khí dùng để tấn công Dinh Độc Lập tại 287/70 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3) là một chứng tích mang đậm dấu ấn kiên cường, dũng cảm của lực lượng biệt động Thành, do gia đình ông Trần Văn Lai (Năm U-som) xây dựng và quản lý, trong đó công lao của bà Đặng Thị Tuyết Mai hết sức to lớn. Căn hầm này đã được Nhà nước công nhận là “Di tích lịch sử cấp quốc gia”.

Sau Mậu Thân 1968, địch càn quét và kiểm soát gắt gao, nữ biệt động Thành đã phát huy được vai trò vị trí đặc biệt của mình trong bối cảnh hết sức khó khăn. Tiêu biểu cho đội quân nữ biệt động Thành thời gian này có các anh hùng lực lượng vũ trang như đồng chí: Nguyễn Thị Thu Trang, Đoàn Thị Ánh Tuyết, Trần Thị Mai… Đồng chí Nguyễn Thị Thu Trang (Nguyễn Thị Kiều) là người con của quê hương An Tịnh anh hùng, sau khi hoạt động cách mạng ở Tây Ninh bị lộ, đã được chuyển về nội đô Sài Gòn - Gia Định. Trong 2 năm 1970 - 1971, trong điều kiện bị giặc kiểm soát gắt gao, đồng chí Thu Trang đã xây dựng được cơ sở và lực lượng tham gia chiến đấu liên tục, tiêu biểu như trận đánh khách sạn Mỹ Phụng, Nha cảnh sát Sài Gòn, tiêu diệt hàng chục tên Mỹ ngụy. Đồng chí đã được tặng thưởng nhiều Huân chương, danh hiệu Dũng sĩ và năm 1978 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và còn rất nhiều nữ biệt động anh hùng với những chiến công gây tiếng vang lớn.

Nữ biệt động Sài Gòn tiếp tục có nhiều công lao đóng góp trong công tác xây dựng và chiến đấu của lực lượng vũ trang Thành Sài Gòn - Gia Định. Cho đến nay, hình dáng người chiến sĩ nữ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Trung Kiên ngồi trên xe tăng dẫn cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 23, Sư đoàn 10 Quân đoàn 3 tiến vào đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất vào sáng 30 tháng 4 năm 1975 chắc mãi mãi còn trong tâm trí của người Việt Nam.

Tiếp nối những chiến công anh hùng, cùng với lực lượng vũ trang toàn Miền bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định liên tiếp tổ chức nhiều trận đánh bằng các phân đội nhỏ, các tổ biệt động. Trong lúc các binh đoàn chủ lực của ta triển khai từ năm hướng tiến nhanh về Sài Gòn, các đơn vị biệt động đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đánh chiếm các cầu quan trọng, các căn cứ có giá trị bàn đạp trong trung tâm chiến dịch, hiệp đồng đắc lực với các binh đoàn thọc sâu vào trung tâm thành phố, đánh chiếm một số vị trí then chốt, phối hợp và hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành chính quyển, tiếp quản những mục tiêu chiếm được; dẫn đường cho lực lượng tiến vào giải phóng Thành phố Sài Gòn - Gia Định. Cùng với các mũi tiến công của các đơn vị bộ binh Thành đội Sài Gòn - Gia Định và các địa phương, lực lượng biệt động cũng phối hợp cùng các đội công tác vũ trang, các đoàn thể trong các quận nội thành, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng tại chỗ, đã tỏa ra theo nhiệm vụ được phân công, làm nòng cốt và hướng dẫn các tăng lớp nhân dân, từ ngoại ô vào nội thành nổi dậy giành chính quyền tại chỗ, tấn công bằng chính trị, binh vận vào tất cả các lực lượng của địch, khiến chúng phải bỏ súng đầu hàng hoặc quay về với gia đình.

Biệt động Sài Gòn - Gia Định là một lực lượng đặc biệt được xây dựng từ những chủ trương đúng đắn và đã giành được những thành tích đặc biệt quan trọng, góp phần không nhỏ vào lịch sử xây dựng và phát triển của quân đội Việt Nam anh hùng. Dù lực lượng không đông như các binh chủng khác, đến nay đã có 9 đơn vị và 34 cá nhân thuộc lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Từ những ý nghĩa to lớn, vai trò đóng góp vào thành công của dân tộc của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Với những người anh hùng, chiến sĩ hiên ngang đã hy sinh mà không cần danh phận, lực lượng biệt động Thành đã lập công lớn trong cuộc kháng chiến giành độc lập và cũng thấy rằng nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và không trở về. Chính vì thế, đại lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2025) chính là lúc mà mỗi người dân Việt Nam nhớ về lịch sử và tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc đất nước. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, từ năm 1983 đến nay các tổ chức xã hội liên quan đến biệt động Thành đã ra đời, từ câu lạc bộ truyền thống lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định đến câu lạc bộ con em tình báo, biệt động Sài Gòn - Gia Định, Bảo tàng biệt động Sài Gòn - Gia Định… đã tích cực tập hợp lưu giữ truyền thống và làm công tác ái hữu. Đó chính là tư liệu lịch sử, minh chứng mà chúng ta cần tiếp tục khai thác và hoàn thiện để đời đời lưu danh.

Bên cạnh đó, cũng cần hệ thống lại toàn bộ di tích liên quan đến lịch sử hoạt động của Biệt động Thành. Cho đến nay, đã có nhiều sách báo, công trình khoa học, văn học nghệ thuật về Biệt động Thành. Đó là điều hết sức quý báu và rất đáng trân trọng. Trên cơ sở đó, biên soạn một công trình khoa học chính thống, phản ánh trung thực, khách quan, đầy đủ, chính xác về lịch sử xây dựng, chiến đấu của biệt động Sài Gòn - Gia Định (1945 - 1975), đúc kết bài học lịch sử vừa để phát huy truyền thống trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay vừa để giáo dục truyền thống, vừa là tư liệu nghiên cứu cho quân sự Việt Nam thời kỳ hiện đại. Tất cả sẽ góp phần quan trọng vào việc tô thắm lịch sử oai hùng của Biệt động Thành, lực lượng vũ trang đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Phan Xuân Biên

_______________________

[1] Sau trận đánh vào cư xã Brink vào chiều tối ngày 24 tháng 12 năm 1964, Bí thư Khu ủy Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) và Tư lệnh Quân khu Trần Hải Phụng đã đến thăm đơn vị. Đồng chí Sáu Dân vui vẻ nói “Tụi mình đánh Mỹ kỳ này bằng búa tày xồi (búa tày xồi là từ dân gian chỉ loại búa lớn, dùng để đập các vật rắn và to). Theo Nguyễn Đức Hùng - Tư Chu, trong sách “Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia định…”. Sđd, tr.126.

[2] Sở trường của Biệt động là đánh nhanh, giải quyết mục tiêu lẹ và rút nhanh khỏi địa điểm tác chiến. Ở đây do Kế hoạch của quân tiếp viện đến sau 2 giờ chiếm mục tiêu không thực hiện được, nên phải đánh địch như bộ binh, kéo dài thời gian.

[3] Nguyễn Văn Linh (1998), Bài nói tại Hội thảo khoa học Kỷ niệm 30 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Theo Nguyễn Đức Hùng “Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định…”. Sđd, tr. 9.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo