Tuy nhiên, thực tế hiện nay, công cuộc chuyển đổi số, sản xuất nội dung đa nền tảng của các cơ quan báo chí ở nước ta hiện đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Vậy các cơ quan báo chí TPHCM cùng các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí Thành phố cần làm gì để chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số?
Đảng, Nhà nước và TPHCM đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn cho chuyển đổi số báo chí
Có thể thấy rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí hiện nay ở nước ta có nhiều thuận lợi vì được cả hệ thống chính trị đồng thuận về chủ trương, chính sách. Từ tháng 9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: "Phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế sổ, xã hội số"[1].
Hòa vào dòng chảy chung của thời đại, báo chí truyền thông cũng cần chuyển đổi số (Ảnh: HNV)Từ những chủ trương trên, ngày 3/6/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" hướng đến mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, tháng 11/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, theo đó sẽ hỗ trợ 3 nền tảng giúp các cơ quan báo chí chuyển đổi số: 1) Nền tảng quản lý tòa soạn điện tử, cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số; 2) Nền tảng phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội, giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần; 3) Nền tảng hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí.
Báo chí đang chịu nhiều thách thức từ thông tin trên mạng xã hội. Nguồn: InternetĐối với TPHCM, trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ngày 28/9/2020, Chủ tịch UBND TPHCM cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình chuyển đổi số của TPHCM giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu chuyển đổi số là đến năm 2030, Thành phố trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Thành phố đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TPHCM (DX Center). Tại Trung tâm này, sẽ có các nền tảng hỗ trợ cơ quan báo chí trong chuyển đổi số cũng như nền tảng quản lý tòa soạn điện tử; phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội. Thành phố cũng đã thành lập Trung tâm Giám sát an ninh mạng TPHCM (SOC) để giúp các cơ quan nói chung, báo chí nói riêng giải quyết, khắc phục kịp thời khi gặp sự cố nghiêm trọng về an toàn thông tin.
Báo chí Thành phố chịu ảnh hưởng rất lớn từ xu thế chuyển đổi số
Trong những năm gần đây và đặc biệt trong giai đoạn TPHCM chịu tác động nặng nề và trực tiếp bởi dịch Covid-19, các cơ quan báo chí Thành phố đóng vai trò là lực lượng trên tuyến đầu trong thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, góp phần quan trọng trong việc định hướng, tạo niềm tin cho người dân. Trong đại dịch Covid-19, cũng như các lĩnh vực, ngành nghề khác, báo chí Thành phố chịu tác động ảnh hưởng nặng nề, nhiều cán bộ, phóng viên, nhân viên tòa soạn bị nhiễm bệnh, một số tòa soạn phải thực hiện cách ly, làm việc 3 tại chỗ, số lượng báo in suy giảm nghiêm trọng do không thể đưa đi phát hành vì chiến lược cách ly của cả hệ thống để chống lây lan dịch Covid-19. Cùng với đó, nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân đã chuyển mạnh sang báo điện tử và mạng xã hội.
Trước những biến động mạnh mẽ do xu thế phát triển công nghệ, báo chí không thể đứng ngoài cuộc mà phải chủ động tìm giải pháp cho những thách thức khốc liệt để tồn tại và phát triển, thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình. Chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí Thành phố thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo, từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng, đảm bảo đúng giá trị nguyên bản của báo chí. Hiện nay, theo lộ trình hỗ trợ chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông, trước mắt việc hỗ trợ của Nhà nước giúp cơ quan báo chí chuyển đổi số bước đầu chọn lựa ra 20% cơ quan báo chí gây ảnh hưởng 80% độc giả, sau đó hỗ trợ 80% cơ quan báo chí còn lại.
Nhiều khó khăn, thách thức đối với báo chí Thành phố
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, hoạt động tuyên truyền, kinh doanh của các cơ quan báo chí gặp rất nhiều khó khăn do tác động từ việc cạnh tranh quyết liệt giữa báo chí và mạng xã hội cùng với ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, doanh thu của các cơ quan báo chí Thành phố bị sụt giảm (trung bình giảm khoảng 30%). Có thể nêu một số khó khăn, thách thức chủ yếu như:
Tọa đàm “Báo chí chuyển đổi số để phát triển bền vững” do Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM phối hợp với Hội Nhà báo TP, Hội Tin học TP tổ chứcThách thức đầu tiên, chính là sự thiếu tự chủ về công nghệ, buộc phải lệ thuộc vào công nghệ của đối tác. Hiện phần lớn trong nhóm cơ quan báo chí này đang sử dụng nền tảng kỹ thuật gồm máy chủ, CMS của các doanh nghiệp cung cấp như: ePi, VCCorp, 24h, FPT, Netlink… hệ thống an toàn thông tin đi theo đơn vị cung cấp CMS; hệ thống Lưu trữ đám mây. Số cơ quan báo chí tự phát triển CMS ít. Rất ít đơn vị hoàn toàn tự chủ được server, CMS, bảo mật hoặc Cloud vì rất tốn kém về tiền bạc và cần đội ngũ nhân sự quản lý, vận hành. Hiện nay, phần lớn các hệ thống thông tin do cơ quan báo chí đang vận hành khai thác chưa được xác định cấp độ an toàn thông tin, song song với đó, các cơ quan báo chí bố trí, dành nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo đảm an toàn thông tin cũng chưa đáp ứng. Điều này cũng khiến các cơ quan báo chí lệ thuộc và có thể bị chi phối về nội dung và lợi ích bởi các công ty công nghệ.
Thách thức thứ hai, đó là việc các cơ quan báo chí khi hoạt động đa nền tảng cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi thông tin trên mạng xã hội, có nguy cơ bị dẫn dắt bởi tin tức giả mạo, thiếu kiểm chứng… trong khi việc xác minh các nguồn tin cũng như xác định các xu hướng trên không gian mạng rất khó khăn, thậm chí là bất khả thi nếu không có các công cụ thích hợp. Đó còn là xu hướng cá nhân hóa trong tiếp nhận thông tin ngày càng cao khiến cho việc tiếp cận thông tin báo chí của cá nhân trở nên ít đi, dòng thông tin báo chí có thể bị chèn, lấp bởi các thông tin khác.
Thách thức thứ ba, các cơ quan báo chí bị ăn cắp bản quyền nội dung thường xuyên, liên tục trong nhiều năm qua, cho đến nay vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn. Không ít tác phẩm báo chí công phu, tòa soạn phải đầu tư lớn nhân lực, tài lực, thời gian - thậm chí phải đánh đổi bằng sức khỏe và sinh mạng của người làm báo - thì mới có được để phục vụ độc giả và phát triển thương hiệu. Nhưng chỉ vài phút sau khi đăng/ phát thì đã bị nhiều trang mạng, trang tin điện tử tổng hợp, các nhóm trên Facebook và YouTube copy về, đăng trọn vẹn mà không hề xin phép, cũng không dẫn nguồn; hoặc “xào nấu” lại để đăng/ phát theo ý đồ riêng, làm sai lệch nội dung, cố tình lái dư luận theo hướng tiêu cực, gây hậu quả không nhỏ đối với cộng đồng, xã hội. Dù pháp luật về sở hữu trí tuệ đã có nhiều quy định, dù Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam có hỗ trợ, bản thân một số cơ quan báo chí như Pháp luật TPHCM, Tuổi trẻ, Người Lao động,... đã chủ động thành lập Tổ Bản quyền để đấu tranh ngăn chặn nhưng hiệu quả còn thấp, nguồn lực bị “chảy máu” khá nhiều và triền miên, chưa biết bao giờ mới chấm dứt.
Hiện nay, các nền tảng nội dung xuyên biên giới (Facebook, Google, Youtube...) đang làm cho báo chí trong nước mất dần nguồn thu và giảm tầm ảnh hưởng của báo chí về mặt thông tin, mất nguồn thu cũng chính là nguyên nhân dẫn tới nhiều cơ quan báo chí phải chạy theo lượng truy cập (view), khiến cho chất lượng nội dung sa sút, không bám sát tôn chỉ, mục đích... Các nền tảng này nắm toàn quyền chi phối và thao túng thuật toán hiển thị nội dung và quảng cáo, khiến ai sử dụng nền tảng của họ sẽ phải theo luật chơi của họ, đương nhiên chỉ có lợi cho họ (cả về doanh thu, dữ liệu) mà không phục vụ lợi ích quốc gia của Việt Nam. Các công ty sở hữu nền tảng này đều cho rằng, nội dung trên nền tảng của mình là tự do, không bị phụ thuộc vào chính sách quản lý của các quốc gia. Theo SimilarWeb, trong 6 tháng gần nhất (kỳ thống kê tính từ tháng 4 đến hết tháng 9/2021), lượng truy cập (traffic) của các tờ báo điện tử Việt Nam giảm trung bình 11%. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện nay 85% thị phần quảng cáo của cả nước là thuộc về các nền tảng mạng xã hội, chỉ có 15% là quảng cáo trên báo chí.
Thách thức lớn nhất đó là việc ảnh hưởng tới an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trên internet, việc đánh mất vai trò trên không gian mạng của các cơ quan báo chí do chậm chuyển đổi số làm cho các nền tảng xuyên biên giới bị kẻ xấu tăng cường lợi dụng, biến nó trở thành diễn đàn của các phong trào phản kháng có tổ chức, là nơi để tập hợp lực lượng của các thế lực thù địch, phản động, thực hiện chiến lược Diễn biến hòa bình trên không gian mạng. Thực tế tại Thành phố thường xuyên xảy ra việc các đối tượng phản động, chống đối chính trị “mượn” các nền tảng mạng xã hội để công khai công kích, xuyên tạc nhằm chống chính quyền.
Minh Nghi
-----------------
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, H, 2021, t.1, tr. 213